Tìm kiếm tin tức
danh mục
Thông tin cần biết
Liên kết
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số theo NĐ 39/2015/NĐ-CP
Ngày cập nhật 31/10/2023

Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức đợt Kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số theo NĐ 39/2015/NĐ-CP

Thực hiện ý kiến chỉ đạo tại Công văn số 10244/UBND-VH ngày 25 tháng 9 năm 2023 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và Công văn số 3519/SYT-NVY ngày 03/10/2023 của Sở Y tế vể việc thực hiện chính sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số theo Nghị định số 39/2015/NĐ-CP.

Chi cục Dân số - KHHGĐ đã tiến hành đợt kiểm tra, giám sát tình hình triển khai thực hiện Nghị định số 39/2015/NĐ-CP tại một số xã và 02 huyện Nam Đông và huyện A Lưới.

Đoàn kiểm tra, giám sát do Thạc sĩ, Bác sĩ CKII Nguyễn Văn Toàn - Phó Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh làm Trưởng đoàn.

Ảnh: Thạc sĩ Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Văn Toàn phát biểu triển khai tại hội nghị.

Tại cấp xã, đoàn đã làm việc với đại diện lãnh đạo Trung tâm Y tế; phòng Dân số -TTGDSK; Đại diện lãnh đạo Đảng ủy xã, lãnh đạo UBND xã, Trạm Y tế, viên chức dân số xã, công chức làm công tác Lao động-Thương binh và xã hội, công chức Ngân sách và cán bộ có liên quan đến công tác chi trả theo Nghị định số 39/2015/NĐ-CP của 02 xã Quảng Nhâm và xã Hương Hữu.

Ảnh: Phát biểu của đồng chí Phó chủ tịch UBDN xã Hương Hữu

Tại cấp huyện, đoàn cũng có buổi làm việc với lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện, Phòng Dân số-Truyền thông và giáo dục sức khoẻ, viên chức phụ trách công tác chi trả theo Nghị định số 39/2015/NĐ-CP và các ban, ngành liên quan.

Qua báo cáo và phát biểu tại các buổi làm việc với Đoàn kiểm tra, đại diện lãnh đạo các đơn vị và những người làm công tác tham mưu liên quan đã trình bày bên cạnh những thuận lợi, tại các đơn vị gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện.

- Do xã nghèo, kinh phí khó khăn nên việc giải ngân cho đối tượng quá chậm, chưa kịp thời; điều đó cũng dẫn đến một số đối tượng làm hồ sơ đã lâu nhưng không được giải quyết nên đối tượng chủ động xin rút lại hồ sơ gây ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện.

- Xuất phát từ nhận thức của một bộ phận người dân, do lo lắng xảy ra vi phạm sau khi đã nhận hỗ trợ thì không có tiền để hoàn trả, nên không mạnh dạn làm hồ sơ; Một số đối tượng không muốn sinh con trái chính sách đã chủ động thực hiện biện pháp tránh thai, tuy nhiên vẫn có tỷ lệ vỡ kế hoạch và vẫn phải hoàn trả kinh phí, do đó đối tượng cũng không dám làm hồ sơ để hưởng chế độ.

- Một số bộ phận cán bộ có thay đổi, nên chưa nắm bắt hết quy trình, thủ tục và phương thức hỗ trợ cho đối tượng được hưởng chế độ theo Nghị định 39/2015/NĐ-CP được quy định tại Quyết định số 888/QĐ-UBND ngày 08/04/2019 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế về việc công bố thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực dân số thuộc thẩm quyền của UBND cấp xã (hiện nay được thay thế bởi Quyết định số 447/QĐ-UBND ngày 14/02/2022 của UBND tỉnh về công bố danh mục thủ tục hành chính được chuẩn hóa lĩnh vực Y tế thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Y tế/UBND cấp huyện và UBND cấp xã), nên việc niêm yết thủ tục hồ sơ, việc chi trả được thực hiện tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả của UBND cấp xã chưa được triển khai một cách đồng bộ nên dẫn đến công tác chi trả cho đối tượng còn chậm trễ.

Do đó dẫn đến tồn đọng số lượng lớn đối tượng đủ điều kiện được hưởng, nhưng từ năm 2015 đến nay vẫn chưa được nhận. Cụ thể: Tại huyện Nam Đông, từ năm 2015 đến nay còn 69 trường hợp chưa được chi trả. Trong đó, giai đoạn từ 01/01/2022 đến 30/9/2023 có 14 trường hợp (xã Hương Hữu có 04 trường hợp); Tại huyện A Lưới, từ năm 2015 đến nay có 401 trường hợp chưa được chi trả. Trong đó, giai đoạn từ 01/01/2022 đến 30/9/2023 có 199 trường hợp (xã Quảng Nhâm có 37 trường hợp).

Ảnh: Phát biểu của đồng chí cán bộ Ngân sách xã

UBND huyện Nam Đông đã ban hành văn bản số 1224/UBND-VP ngày 07 tháng 8 năm 2023, UBND huyện A Lưới đã ban hành văn bản số 1421/UBND-VP ngày 03 tháng 10 năm 2023 chỉ đạo các ban, ngành đoàn thể liên quan phối hợp cùng các xã được thụ hưởng giải quyết triệt để những tồn đọng trong việc thực hiện theo Nghị định số 39/2015/NĐ-CP, góp phần thực hiện chủ trương chính sách của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Ngày 04 tháng 10 nam 2023, lãnh đạo UBND huyện Nam Đông đã triệu tập cuộc họp với thủ trưởng các đơn vị Phòng LĐTB&XH huyện, Phòng Tài chính-Kế hoạch huyện Phòng Dân tộc, Trung tâm Y tế huyện, Văn phòng HĐND và UBND huyện, Chủ tịch các xã được thủ hưởng để chỉ đạo việc giải quyết những trường hợp còn tồn đọng trong các năm qua.

Ảnh: Phát biểu chỉ đạo của Thạc sĩ Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Văn Toàn trưởng đoàn kiểm tra, giám sát

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Thạc sĩ, Bác sĩ CKII Nguyễn Văn Toàn đã ghi nhận sự quan tâm của lãnh đạo chỉ đạo của lãnh đạo UBND huyện, Trung tâm Y tế, phòng Dân số - TTGDSK của hai huyện Nam Đông và A Lưới; Cấp ủy Đảng, chính quyền các xã Hương Hữu, Quảng Nhâm và cán bộ phụ trách các lĩnh vực chuyên môn của UBND xã; Đồng thời đề nghị các đơn vị tăng cường công tác phổ biến, tuyên truyền để nhân dân hiểu đúng chính sách của nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số; Tích cực rà soát, tổng hợp số liệu đối tượng tồn đọng qua các năm, báo cáo nhu cầu kinh phí chi trả trình cấp có thẩm quyền quyết định. Tăng cường phối hợp chặt chẽ liên ngành giữa các cơ quan được giao nhiệm vụ thực hiện Nghị định số 39/2015/NĐ-CP nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các hồ sơ tồn đọng, đảm bảo việc chi trả thực hiện theo đúng tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 10244/UBND-VH ngày 25/9/2023 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế.

Đối với công tác chi trả năm 2024, đề nghị các cơ quan có liên quan thực hiện đúng và đầy đủ chức năng, nhiệm vụ được giao. Chú trọng công tác rà soát, báo cáo nhu cầu kinh phí, lập dự toán kinh phí hàng năm trình cấp có thẩm quyền phân bổ ngay từ đầu năm để có nguồn kinh phí chi trả ổn định, thực hiện giải quyết hồ sơ theo đúng thời gian quy định (10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ của người dân).

Việc thi hành Nghị định số 39/2015/NĐ-CP cần có sự vào cuộc của cấp ủy Đảng, chính quyền, các cơ quan chuyên môn có liên quan và việc phát huy trách nhiệm của lực lượng cán bộ thuộc lĩnh vực phụ trách từ cấp huyện đến cấp xã, nhằm đảm bảo chính sách của Chính phủ được thi hành nghiêm túc, người dân được thụ hưởng quyền lợi thiết thực, góp phần duy trì phong trào, cũng như lan tỏa việc chấp hành chính sách sinh một hoặc hai con, nâng cao chất lượng dân số của Nhà nước ta./.

         Một số hình ảnh của đợt kiểm tra, giám sát

 

 

Hoàng Thanh Phi – Trần Thị Huê
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thông điệp