Tìm kiếm tin tức
danh mục
Thông tin cần biết
Liên kết
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện chương trình sàng lọc trước sinh và sơ sinh tại tỉnh Thừa Thiên Huế
Ngày cập nhật 27/09/2023

        Chiều ngày 26/9, Sở Y tế tổ chức hội nghị đánh giá tình hình thực hiện chương trình sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh từ năm 2021-2022 và 08 tháng đầu 2023 tại tỉnh TT Huế. Tham dự và chủ trì Hội nghị có PGS.TS.BS Trần Kiêm Hảo – Giám đốc Sở Y tế; ThS.BSCKII Hoàng Trọng Quý – Phó Giám đốc Sở Y tế, lãnh đạo Phòng Nghiệp vụ Y- Sở Y tế; Ths.Bs CKII Trần Minh Thắng – Phó Giám đốc Trung tâm Sản phụ khoa – Bệnh viện Trung ương Huế; Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế, Trung tâm Sàng lọc - Chẩn đoán Trước sinh và Sơ sinh; Ban lãnh đạo và các phòng chức năng của Chi cục Dân số- KHHGĐ; Đại diện lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và Khoa SKSS, Khoa TTGDSK; Đại diện lãnh đạo Trung tâm Y tế các huyện/thị xã, thành phố Huế và Khoa CSSKSS, Phòng Dân số – TT&GDSK… 

 

 

   

 PGS.TS.BS Trần Kiêm Hảo – Giám đốc Sở Y tế phát biểu khai mạc hội nghị

   Thừa Thiên Huế là một trong những đơn vị được Trung ương quan tâm chọn triển khai thí điểm các mô hình, đề án về nâng cao chất lượng dân số từ năm 2007, trong đó có chương trình tầm soát, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh. Đến nay, các hoạt động của chương trình đã tiếp tục duy trì triển khai và đã đạt được một số thành công trong việc nâng cao chất lượng dân số của tỉnh nhà. Theo báo cáo về tình hình thực hiện chương trình sàng lọc trước sinh và sơ sinh từ năm 2021-2022 và 08 tháng đầu 2023, tỷ lệ sàng lọc trước sinh toàn tỉnh qua các năm, trong đó, năm 2021 đạt 91,2%, năm 2022 đạt 92,1% và 8 tháng đầu năm 2023 đạt 89,4%. Tại tuyến huyện, xã, có 36.319 thai phụ đã được siêu âm, xét nghiệm sàng lọc trước sinh. Tỷ lệ sàng lọc sơ sinh toàn tỉnh năm 2021 đạt 60,5%; năm 2022 đạt 67,8%; 8 tháng đầu năm 2023 đạt 52,4%. Từ 2021 đến 8 tháng đầu năm 2023 toàn tỉnh có 22.060 trẻ sơ sinh được lấy mẫu máu gót chân làm sàng lọc. Trong đó, có 868 trẻ sơ sinh được sàng lọc sơ sinh miễn phí, 21.192 trẻ sơ sinh được sàng lọc sơ sinh xã hội hoá. Tổng kinh phí thực hiện chương trình năm 2021-2023 là 2,1 tỷ đồng.

    Yếu tố quyết định đến sự thành công của chương trình chính là nhận được sự quan tâm, ủng hộ của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể và cộng đồng dân cư. Công tác truyền thông thay đổi hành vi bền vững được đổi mới thường xuyên cả nội dung lẫn phương pháp, địa bàn triển khai có trọng tâm, trọng điểm, đúng nhóm đối tượng.

BSCKII Nguyễn Văn Toàn – Phó Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh trình bày báo cáo tại hội nghị

    Hội nghị còn nghe Báo cáo đánh giá thực trạng nguồn nhân lực, trang thiết bị, cơ sở vật chất và năng lực đáp ứng thực hiện chương trình sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh tại tỉnh Thừa Thiên Huế từ Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh. Các tham luận về công tác chỉ đạo tuyến và kết quả chương trình sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh, hướng dẫn về chuyên môn kỹ thuật trong sàng lọc, chẩn đoán, điều trị trước sinh, sàng lọc sơ sinh sớm và chia sẻ mô hình sàng lọc chẩn đoán trước sinh và sơ sinh đến từ các giảng viên của Trường Đại học Y Dược Huế, Trung tâm Sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh và Công ty Gene Solutions.

Ths.BS Hà Thị Mỹ Dung – Trưởng khoa SKSS - Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh trình bày báo cáo tại hội nghị

Các giảng viên trình bày tại hội nghị

   Trung tâm Sàng lọc-Chẩn đoán trước sinh và sơ sinh của khu vực miền Trung-Tây Nguyên tại Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế và Bệnh viện Trung ương Huế cùng với mạng lưới y tế công lập và dân lập là điều kiện thuận lợi trong việc phối hợp triển khai thực hiện các hoạt chương trình sàng lọc trước sinh và sơ sinh. Đặc biệt, từ năm 2022 đến nay, việc triển khai hoạt động dự án “Nâng cao chất lượng dân số vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi’’ của chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi" đã góp phần giúp người dân vùng khó khăn tiếp cận dịch vụ sàng lọc trước sinh và sơ sinh được dễ dàng hơn.

   Cuối hội nghị là sự tham gia thảo luận của các đơn vị: phòng Nghiệp vụ Y, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và Trung tâm Y tế các huyện A Lưới, Nam Đông, Phú Vang, Phú Lộc, … dưới sự chủ trì của PGS.TS.BS Trần Kiêm Hảo – Giám đốc Sở Y Tế nhằm cùng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện chương trình sàng lọc trước sinh và sơ sinh.

Ảnh: PGS.TS.BS Trần Kiêm Hảo – Giám đốc Sở Y Tế chủ trì thảo luận tại hội nghị

     Giám đốc Sở Y tế chỉ đạo trong thời gian tới cần tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện Kế hoạch số 175/KH-UBND ngày 05/5/2021 của UBND tỉnh về Chương trình mở rộng tầm soát, chẩn đoán điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh đến 2030 của tỉnh Thừa Thiên Huế. Tập trung phát triển mạng lưới dịch vụ, mở rộng khả năng tiếp cận của người dân với các dịch vụ có chất lượng về tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; sàng lọc, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh. Chi cục Dân số - KHHGĐ phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cùng với các phòng chức năng của Sở Y tế xây dựng cơ chế phối hợp, kế hoạch hỗ trợ trang thiết bị, đáp ứng nguồn nhân lực; xây dựng kế hoạch đào tạo và tập huấn cho các cán bộ y tế - dân số tuyến tỉnh, huyện, xã để chương trình sàng lọc ngày càng đi vào chiều sâu và bền vững hơn, góp phần nâng cao chất lượng dân số tỉnh nhà.

         Một số hình ảnh khác tại hội nghị

 

Thùy Dung - Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thông điệp