Tìm kiếm tin tức
danh mục
Thông tin cần biết
Liên kết
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Thành quả và những thách thức công tác dân số tỉnh Thừa Thiên Huế qua kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở ngày 01/4/2019
Ngày cập nhật 22/09/2021

   Theo kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở ngày 1/4/2019 đã minh chứng cho những thành tựu của công tác dân số- kế hoạch hóa gia đình trong thời gian vừa qua. Tổng dân số của tỉnh vào thời điểm 0 giờ ngày 01/4/2009 là 1.087.420 người, đến thời điểm 0 giờ ngày 01/4/2019 là 1.128.620 người. Sau 10 năm, quy mô dân số của tỉnh Thừa Thiên Huế tăng thêm 41,2 nghìn người, bình quân mỗi năm tăng 4,12 nghìn người. Tỷ lệ tăng dân số bình quân năm giai đoạn 2009-2019 là 0,37%/năm giảm nhẹ so với 10 năm trước (tỷ lệ tăng dân số bình quân năm giai đoạn 1999-2009 là 0,4%/năm). Tỷ lệ tăng tự nhiên dân số từ trên 3% (năm 1979) giảm còn 1,12% (năm 2011) và năm 2019 là 1,08%. Tổng tỷ suất sinh số con con/phụ nữ đã giảm từ trên 4 con (1979), 3 con (năm 1999) xuống còn 2,26 con (2009) và tăng trở lại năm 2019 là 2,34 con, tăng 0,08 con so với năm 2009. Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên năm 2009 là 19,4% giảm xuống còn 15% năm 2019. Hằng năm, số người sử dụng các BPTT tăng nhanh, tỷ lệ cặp vợ chồng sử dụng các BPTT hiện đại năm 2009 là 69,5% đến năm 2019 là 72%. Cơ cấu các BPTT có xu hướng chuyển dịch từ BPTT lâm sàng sang BPTT phi lâm sàng. Số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ năm 2019 là 27,3% và số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có chồng là 14,3%.

 

   Tuổi kết hôn trung bình lần đầu có xu hướng muộn hơn. Năm 2009 là 24,5 tuổi, trong đó đối với nam là 26,2 tuổi và nữ là 22,8 tuổi và đến năm 2019 là 26,5 tuổi, trong đó nam là 28,5 tuổi và nữ là 24,5 tuổi. So với cả nước (nam là 27,2  và nữ là 23,1 năm 2019) thì tuổi kết hôn của dân số tỉnh Thừa Thiên Huế cao hơn, trong đó nam cao hơn 1,3 tuổi và nữ cao hơn 1,4 tuổi. Cơ cấu dân số theo độ tuổi hiện nay đã có chiều hướng thay đổi, số lượng và tỷ trọng dân số phụ thuộc đã giảm mạnh so với năm 2009. Tỷ số phụ thuộc chung (tỷ lệ số người không có khả năng lao động, thất nghiệp so với người trong độ tuổi lao động) giảm từ 54,91% (năm 2009) xuống còn 50,4% (năm 2019). Trong lúc đó, tỷ số phụ thuộc trẻ em từ 0-14 tuổi năm 2009 là 42,63%, năm 2019 giảm còn 36,4% và tỷ số phụ thuộc người già từ 65 tuổi trở lên năm 2009 ở mức 12,28% và năm 2019 tăng lên 14%. Chỉ số già hóa dân số tăng nhanh: năm 2009 chiếm 37,3% tăng lên 56,1% năm 2019 (toàn quốc là 48,8%). Như vậy, dân số tỉnh Thừa Thiên Huế đã bước vào thời kỳ già hóa dân số, năm 2019, tỷ trọng dân số từ 65 tuổi trở lên chiếm 9,3% tổng số dân và tỷ trọng dân số từ 60 tuổi trở lên chiếm 13,6% tổng số dân.

Ảnh: Một số hình ảnh triển khai công tác DS-KHHGĐ trong thời gian qua

    Với tỷ trọng dân số trong độ tuổi lao động từ 15- 64 tuổi chiếm 64,5% (năm 2009), 66,5% (năm 2019) . Tỷ trọng dân số phụ thuộc dưới 15 tuổi và từ 65 tuổi trở lên năm 2009 là 35,5% và năm 2019 là 33,5% (hiện nay toàn quốc là 32%). Tỷ trọng dân số trong độ tuổi lao động so với nhóm dân số trong độ tuổi phụ thuộc từ 1,8 lần năm 2009 tăng lên 1,98 lần năm 2019 (toàn quốc cao gấp 2,1 lần). Đây là thời kỳ cơ cấu dân số vàng. Như vậy Thừa Thiên Huế đã có được một nguồn nhân lực dồi dào phục vụ cho phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của tỉnh trong thời gian tới. Về cơ cấu dân số theo giới tính đã khống chế tăng tỷ số giới tính khi sinh đều đạt và vượt kế hoạch đề ra hàng năm (khống chế tăng không quá 0,3 điểm/năm). Năm 2011, tỷ số giới tính khi sinh (số bé trai/100 bé gái) ở mức 110/100 và đến cuối năm 2019 khống chế ở mức 112,8/100. (Tỷ số giới tính khi sinh của thành thị là 110,4 và nông thôn là 112,3). Số người cao tuổi được khám sức khoẻ ít nhất một lần tăng từ 8-10%/năm; năm 2019, số người cao tuổi được chăm sóc y tế ít nhất một lần đạt 71% số người cao tuổi toàn tỉnh. Tuổi thọ trung bình tăng từ 70,5 tuổi năm 2009 lên 71,8 tuổi năm 2019 (tuổi thọ trung bình toàn quốc tăng từ 72,8 tuổi năm 2009 lên 73,6 tuổi năm 2019).

   Dân số đã có sự phân bố hợp lý hơn, gắn với quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa và yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Trình độ dân trí và chất lượng nguồn nhân lực được cải thiện. Hiện nay, tỷ trọng dân số vùng đô thị đạt 49,5% (tỷ trọng chung toàn quốc năm 2019 là 34,4%). Sau 10 năm, tỷ lệ dân số khu vực thành thị tăng 42,8% (năm 2009 có 391.112 người). Trong 10 năm qua, quá trình đô thị hóa tại tỉnh Thừa Thiên Huế tăng nhanh, có 02 huyện được nâng cấp thành thị xã (thị xã Hương Thủy và thị xã Hương Trà), xã Phú Đa của huyện Phú Vang được nâng cấp thành thị trấn Phú Đa đã làm cho dân số khu vực thành thị của tỉnh tăng mạnh. Theo kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, có 55.102 người thuộc dân tộc khác chiếm 4,9% tổng dân số toàn tỉnh. Địa bàn sinh sống của nhóm dân tộc khác tập trung chủ yếu là ở hai huyện miền núi Nam Đông và A Lưới, trong đó dân tộc khác đông dân nhất là dân tộc Tà ôi với 34.967 người chiếm 63,5%; dân tộc Cơ tu với 16.719 người chiếm 30,3% trong tổng số người thuộc dân tộc khác; các dân tộc khác còn lại chiếm 5,2%.

   Tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại hai huyện Nam Đông, A Lưới từng bước được khống chế. Đến năm 2019, số trường hợp tảo hôn giảm còn 21 trường hợp so với 63 trường hợp năm 2011 (giảm gần 65%); số trường hợp hôn nhân cận huyết thống giảm dần hàng năm và từ năm 2017 cho đến nay không còn trường hợp nào. Các quan niệm, tập tục lạc hậu trong cộng đồng xã hội đã từng bước được hạn chế, ngăn chặn và tiến tới xoá bỏ. Mô hình gia đình hai con đã trở thành chuẩn mực, lan toả, thấm sâu trong toàn xã hội. Mật độ dân số năm 2019 của tỉnh Thừa Thiên Huế là 224 người/km2 (năm 2009 là 215 người/km2), bằng 77,2% so với mật độ dân số bình quân của cả nước (Mật độ dân số của Việt Nam là 290 người/km2; Trung du và miền núi phía Bắc là 132 người/km2). Trong đó, thành phố Huế diện tích chỉ chiếm 1,4% diện tích của tỉnh nhưng có mật độ dân số bình quân cao với 4.973 người/km2 gấp 22 lần so với bình quân chung của tỉnh. Hai huyện miền núi Nam Đông và A Lưới có diện tích lớn song mật độ dân số chỉ đạt 39 người/km2. Các huyện, thị xã còn lại có mật độ dân số bình quân 228 người/km2. Qua kết quả cho thấy sự phân bố dân cư giữa các vùng có sự khác biệt rõ, cùng với quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh đã làm cho mật độ dân số khu vực thành thị tăng mạnh.

   Thành tích của công tác DS- KHHGĐ được xác định rõ qua Tổng điều tra dân số và nhà ở ngày 01/4/2019 đã cho thấy tính đúng đắn về chủ trương, chính sách và các biện pháp triển khai công tác DS- KHHGĐ mà Trung ương và tỉnh đã đề ra. Những kết quả này là sự đóng góp công sức của cả hệ thống chính trị, từ sự quan tâm lãnh chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền; sự phối hợp tham gia triển khai công tác DS- KHHGĐ của các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị- xã hội với các hoạt động, mô hình đem lại hiệu quả cao và sự đóng góp của hệ thống làm công tác DS- KHHGĐ các cấp, đặc biệt là đội ngũ cán bộ chuyên trách và cộng tác viên DS- KHHGĐ ở khắp các thôn, bản, tổ dân phố trong cả tỉnh.

   Mặc dù đã đạt được các thành tựu nói trên nhưng công tác dân số lại xuất hiện nhiều vấn đề mới và còn nhiều thách thức. Tổng tỷ suất sinh của tỉnh Thừa Thiên Huế là 2,34 con/phụ nữ, Thừa Thiên Huế vẫn ở trong nhóm 33/63 tỉnh, thành chưa đạt mức sinh thay thế, thuộc nhóm tỉnh, thành có tổng tỷ suất sinh cao nhất toàn quốc. Trong 10 năm qua, mặc dù tỷ suất sinh năm sau giảm hơn năm trước, tuy nhiên do xuất phát điểm mức sinh cao, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên cao tuy có giảm nhưng chưa thật sự vững chắc, không đồng đều giữa các vùng, miền. Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn còn cao và tại các huyện miền núi tình trạng tảo hôn có xu hướng tăng trở lại, hôn nhân cận huyết thống vẫn còn xảy ra. Chất lượng dân số tuy có cải thiện nhưng còn hạn chế, chỉ số phát triển con người vẫn còn ở mức thấp, các tố chất về tầm vóc, thể lực còn nhiều hạn chế, đặc biệt là chiều cao, cân nặng. Dân số đang có xu hướng già hóa, tuổi thọ trung bình đạt thấp 71,8 (toàn quốc là 73,6); cơ cấu dân số vàng thực sự là cơ hội cho việc phát triển kinh tế- xã hội nhưng đồng thời cũng là thách thức trên nhiều lĩnh vực như lao động việc làm, giáo dục đào tạo, y tế,... Việc đáp ứng nhu cầu KHHGĐ, các phương tiện tránh thai sẽ; vấn đề quan hệ tình dục, nhất là tình dục trước hôn nhân, tình trạng mang thai ngoài ý muốn và phá thai ở VTN-TN, sử dụng chất gây nghiện đang có xu hướng tăng và trẻ hóa... vẫn là những thách thức trong thời gian tới.

   Trong thời gian tới, việc đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập kinh tế quốc tế sẽ làm thay đổi nhanh chóng mọi mặt của đời sống xã hội và tác động mạnh đối với lĩnh vực DS-KHHGĐ. Để công tác DS- KHHGĐ tiếp tục thực hiện có hiệu quả cao và mang tính bền vững hơn đòi hỏi cần có những chính sách phù hợp và quyết liệt hơn để giải quyết những vấn đề và thách thức mới về dân số; tăng cường hơn nữa sự quan tâm lãnh chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền; sự phối hợp thực hiện của nhiều cấp, nhiều ngành, đoàn thể cũng như sự hiểu biết, ủng hộ của toàn xã hội đối với công tác DS- KHHGĐ. Tiếp tục kiện toàn, ổn định tổ chức bộ máy làm công tác DS-KHHGĐ các cấp. Tham mưu xây dựng ban hành các văn bản, Nghị quyết về công tác DS-KHHGĐ trong giai đoạn mới. Đồng thời, cần tiếp tục tăng cường các giải pháp đồng bộ, đảm bảo duy trì vững chắc mức sinh thay thế, tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Dừng lại ở hai con để nuôi dạy cho tốt”. Bên cạnh đó, cần đổi mới toàn diện và đa dạng hóa các hình thức, phương pháp truyền thông; phát triển mạng lưới cung cấp dịch vụ, các loại hình cung cấp dịch vụ phục vụ việc ổn định quy mô và nâng cao chất lượng dân số; Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động truyền thông gắn cung cấp dịch vụ có chất lượng cao trên cơ sở phối hợp thực hiện tích cực của nhiều cấp, nhiều ngành, đoàn thể cũng như ủng hộ của toàn xã hội đối với công tác DS-KHHGĐ. Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về công tác dân số trong tình hình mới đã nhấn mạnh quan điểm chỉ đạo: Tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ Kế hoạch hóa gia đình sang Dân số và Phát triển. Phấn đấu đạt mức sinh thay thế; tiếp tục thực hiện giảm nhanh tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên, đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; phát huy lợi thế cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý. Đặc biệt là chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh và quốc phòng của địa phương./.

 

 

Trần Thị Lệ Minh - Chi cục DS-KHHGĐ
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thông điệp