Tìm kiếm tin tức
danh mục
Thông tin cần biết
Liên kết
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Điểm tin Dân số ngày 11/7/2022
Ngày cập nhật 11/07/2022

Mức sinh tăng cao trở lại, mất cân bằng giới tính vẫn cao

Việt Nam có hơn một nửa số tỉnh có mức sinh cao với quy mô dân số chiếm khoảng 40% dân số cả nước. Việc để mức sinh quá cao trong bối cảnh kinh tế-xã hội ở những tỉnh này gây ra nhiều khó khăn.

Một số tỉnh, thành phố tiếp tục tăng cao mức sinh

Đạt mức sinh thế vào năm 2006 với tổng tỷ suất sinh (TFR) = 2,09 con/phụ nữ và duy trì mức sinh thay thế trong 15 năm qua nhưng hiện nay, mức sinh vẫn không đồng đều giữa các vùng, miền và các tỉnh, thành phố.

Đặc biệt, tại một số nơi điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, chưa phát triển, mức sinh vẫn cao, thậm chí rất cao trên 2,5 con.

Theo ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng cục Trưởng Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình, trong 6 vùng kinh tế-xã hội, hiện có 4/6 vùng có mức sinh cao trên mức sinh thay thế. Trong đó, trung du miền núi phía bắc là 2,41 con, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền trung là 2,31 con, Tây Nguyên là 2,41 con, đồng bằng sông Hồng là 2,34 con.

2/6 vùng còn lại thì dưới mức sinh thay thế gồm đồng bằng sông Cửu Long là 1,82 con, Đông Nam Bộ là 1,62 con.

“Chênh lệch giữa mức sinh vùng cao nhất là Trung du miền núi phía bắc-Tây Nguyên và vùng thấp nhất (Đông Nam Bộ) là 0,79 con”, đại diện Tổng cục Dân số cho hay.

Trong khi mức sinh tại khu vực thành thị đã đạt và ở dưới mức sinh thay thế trong nhiều năm qua thì mức sinh tại khu vực nông thôn hiện vẫn còn cao (TFR=2,29 con). Chênh lệch mức sinh giữa khu vực nông thôn-thành thị ở mức 0,41 con.

Có đến 33/63 tỉnh, thành phố, phần lớn là những địa phương có điều kiện kinh tế-xã hội còn rất khó khăn, có mức sinh trên 2,2 con, thậm chí nhiều tỉnh, thành phố mức sinh còn rất cao, trên 2,5 con.

21 tỉnh, thành phố có mức sinh dưới 2,0 con và chỉ có 9 tỉnh, thành phố có mức sinh chung quanh mức sinh thay thế (từ 2,0 đến 2,2 con).

Chênh lệch mức sinh giữa nơi cao nhất (Hà Tĩnh với TFR = 2,97 con) và nơi thấp nhất (TP Hồ Chí Minh với TFR = 1,35 con) là 1,62 con.

Đáng chú ý, tại một số nơi trước đây đã đạt mức sinh thay thế, nay tăng rất cao trở lại như: Khu vực nông thôn từ 2,11 con (năm 2010) nay tăng lên 2,29 con (năm 2020); đồng bằng sông Hồng từ 2,04 con (2010) lên 2,34 con (2020); một số tỉnh phía bắc như:Tuyên Quang từ 2,05 con (năm 2008) lên 2,51 con (năm 2019), Phú Thọ từ 1,99 con (năm 2007) lên 2,57 con (năm 2019), Nam Định từ 1,76 con (năm 2012) lên 2,74 con (năm 2019), Hải Dương từ 1,95 con (năm 2017) lên 2,48 con (năm 2019)...

Một số tỉnh, thành phố thuộc vùng mức sinh thay thế có mức sinh biến động tăng cao trên 2,2 con vào năm 2020 như: Hà Nội, Quảng Ninh, Bình Định, Bình Phước.

Mức sinh cao đã tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế-xã hội, giải quyết việc làm, chăm sóc sức khỏe nhân dân, giáo dục… làm tăng khoảng cách phát triển và chất lượng cuộc sống của nhân dân các địa phương này so với các khu vực khác.

Mất cân bằng giới tính khi sinh

Từ năm 2006 đến nay, hiện tượng mất cân bằng giới tính khi sinh luôn ở mức trên 110 trẻ trai/100 trẻ gái sinh ra sống. Tình trạng này vẫn có xu hướng lan rộng.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2018, tỷ số giới tính khi sinh là 114,8 trẻ trai/100 trẻ gái sinh ra sống, năm 2019 giảm còn 111,5; đến năm 2020 tăng lên mức 112,1.

Năm 2020, 5/6 vùng kinh tế-xã hội ở Việt Nam đang phải đối mặt với vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh, chỉ có Tây Nguyên ở mức cân bằng với tỷ số giới tính khi sinh là 106, còn vùng đồng bằng sông Hồng vẫn là khu vực xảy ra tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở mức cao nhất (113,6).

Mất cân bằng giới tính khi sinh xảy ra ở cả thành thị và nông thôn. Theo báo cáo của các tỉnh, thành phố năm 2020, 21/63 tỉnh có tỷ số giới tính khi sinh từ 112 trở lên, 18/63 tỉnh có tỷ số giới tính khi sinh từ 109-112 và 24/63 tỉnh có tỷ số giới tính khi sinh dưới 109.

Description: Mức sinh tăng cao trở lại, mất cân bằng giới tính vẫn cao ảnh 2

Mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng như tình trạng dư thừa số lượng nam giới so với nữ giới ở độ tuổi trưởng thành, việc tìm kiếm bạn đời. Việc gia tăng tỷ số giới tính khi sinh dẫn đến nguy cơ tăng thêm sự bất bình đẳng giới, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết, tình trạng bạo hành, buôn bán phụ nữ và trẻ em gái có nguy cơ tăng lên.

Theo ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng cục Trưởng Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình, tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam vẫn đang ở mức mất cân bằng tự nhiên (103-107) và xét ở phạm vi vùng kinh tế thì vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh xảy ra ở diện rộng.

Điều đó là do Việt Nam vẫn tồn tại tư tưởng trọng nam hơn nữ, mô hình gia đình truyền thống trong đó coi trọng việc con trai để nối dõi tông đường, thờ phụng tổ tiên, phụng dưỡng cha mẹ.

Bên cạnh đó, việc lạm dụng tiến bộ khoa học công nghệ để lựa chọn giới tính thai nhi vẫn còn xảy ra trong khi việc thực thi các chế tài xử lý vi phạm còn chưa hiệu quả.

"Mất cân bằng giới tính khi sinh ngày càng lớn sẽ tác động rất xấu đến trật tự, an ninh xã hội, an ninh xuyên biên giới, hơn 4 triệu nam giới không có khả năng xây dựng gia đình, ảnh hưởng đến thế hệ tương lai, đến nòi giống Việt", ông Tú nhấn mạnh.

Với mục tiêu từng bước đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên, tiến tới đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức dưới 109 trẻ trai/100 trẻ gái vào năm 2030 theo mục tiêu được xác định tại Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030, đòi hỏi phải triển khai toàn diện nhiều giải pháp.

Trong đó, quan trọng là truyền thông nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi đối với công tác kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh; xây dựng, thử nghiệm và thực hiện các chính sách khuyến khích hỗ trợ; nâng cao hiệu lực thực thi những quy định của pháp luật về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh; đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế.

Tác giả THIÊN LAM

https://nhandan.vn/muc-sinh-tang-cao-tro-lai-mat-can-bang-gioi-tinh-van-cao-post704748.html

 

 

 

 

Những con số thú vị về dân số thế giới

Ngày 11/7 hằng năm được chọn là Ngày Dân số thế giới. Theo dự báo, năm nay dân số thế giới sẽ đạt khoảng 8 tỷ người.

Thứ hai, ngày 11/07/2022 - 06:27

Kỷ niệm Ngày Dân số thế giới năm nay, Quỹ Dân số Liên Hợp quốc (UNFPA) đã lựa chọn chủ đề “Thế giới 8 tỷ người: Để hướng tới một tương lai bền vững cho tất cả mọi người, cần khai khác cơ hội và bảo đảm quyền, lựa chọn cho tất cả mọi người”.

Description: Những con số thú vị về dân số thế giới ảnh 1

Tác giả BÔNG MAI

https://nhandan.vn/nhung-con-so-thu-vi-ve-dan-so-the-gioi-post704814.html

 

 

NGÀY DÂN SỐ THẾ GIỚI 11/7:

Hướng tới một tương lai bền vững cho mọi người

TTH - “Thế giới 8 tỷ người: Để hướng tới một tương lai bền vững cho tất cả mọi người cần khai thác cơ hội và đảm bảo quyền, lựa chọn cho tất cả mọi người”. Đó là chủ đề được Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam chọn để kỷ niệm Ngày Dân số thế giới 11/7 năm nay.

Đảm bảo quyền lựa chọn của mọi người

Năm 2011, dân số thế giới đạt 7 tỷ người. Năm nay, con số sẽ là 8 tỷ người. Cuộc sống phát triển và ngày càng hiện đại giúp con người kéo dài được tuổi thọ, giảm tỷ lệ tử vong ở bà mẹ và trẻ em, nhiều loại vắc-xin được phát triển chỉ trong thời gian ngắn…

Tuy nhiên, từ góc độ khác lại có thể thấy, không phải cả 8 tỷ người đều được hưởng những tiến bộ của xã hội. Nhiều nơi, tỷ lệ phụ nữ chết trong khi sinh nở vẫn cao. Bất bình đẳng giới vẫn còn tồn tại. Thực tế, những vấn đề về giới tính, dân tộc, giai cấp, tôn giáo, khuynh hướng tình dục, khuyết tật… vẫn đang là những rào cản khiến quá nhiều người còn bị phân biệt đối xử, quấy rối và bạo lực. Nhiều phụ nữ bị buộc phải có nhiều hay ít con hơn trái với mong muốn của họ. Hoặc là vì họ không được tiếp cận thông tin và dịch vụ để giúp họ đưa ra quyết định đó. Có những vấn đề rất đáng lo ngại đã từng được chỉ ra cách đây 11 năm, nhưng nay vẫn còn tồn tại, thậm chí ngày càng tồi tệ hơn, như: biến đổi khí hậu, bạo lực, phân biệt đối xử… Và có một con số không biết nói, nhưng lại khiến tất cả chúng ta đều “đau”: Tính đến tháng 5 năm nay, toàn thế giới có hơn 100 triệu người buộc phải dời bỏ chỗ ở.

Lần đầu tiên trong lịch sử, chúng ta chứng kiến sự khác biệt lớn về tuổi trung bình và tỷ lệ sinh giữa các quốc gia. Trong khi dân số của một số quốc gia đang già đi và có khoảng 60% dân số thế giới sống ở các quốc gia có mức sinh dưới mức sinh thay thế là 2,1 con/phụ nữ, thì các quốc gia khác có dân số trẻ rất lớn và không ngừng tăng lên. Theo Ban Kinh tế và Xã hội của Liên Hợp Quốc: Mặc dù tốc độ gia tăng dân số toàn cầu sẽ tiếp tục giảm trong những thập kỷ tới, nhưng dân số thế giới có thể sẽ tiếp tục tăng thêm khoảng 20%-30% vào năm 2050 so với năm 2020.

Sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu chúng ta không quan tâm đến những người bị bỏ lại phía sau. Do đó, hướng đến thế giới lý tưởng có 8 tỷ người và có không gian cho mọi cơ hội, cần thiết phải đầu tư cho nhân lực và vật lực vì một xã hội hòa nhập, hiệu quả đảm bảo quyền con người và quyền sinh sản. Đây cũng là lý do để Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam nhấn mạnh chủ đề Ngày Dân số thế năm nay là: Thế giới 8 tỷ người - hướng tới một tương lai bền vững cho tất cả mọi người cần khai thác cơ hội và đảm bảo quyền, lựa chọn cho tất cả mọi người.

Truyền thông những vấn đề “nóng”

Hiện nay, công tác dân số - KHHGĐ của Thừa Thiên Huế có một số vấn đề đang đặt ra đòi hỏi phải có những giải pháp cụ thể để giải quyết hiệu quả. Đó là tình trạng gia tăng tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên; gia tăng tình trạng mang thai sớm và tảo hôn tại một số địa phương; kiểm soát tỷ số cân bằng giới tính khi sinh hiệu quả nhưng chưa bền vững; cải thiện sức khỏe bà mẹ, trẻ em và chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên/thanh niên.

Hướng đến Ngày Dân số thế giới (11/7), Chi cục Dân số - KHHGĐ phối hợp với các ngành, địa phương tổ chức các hoạt động truyền thông có trọng điểm về công tác dân số ở địa phương. Mục tiêu quan trọng nhất mà các hoạt động truyền thông hướng tới là giảm sinh và giảm sinh con thứ 3 trở lên; giảm tốc độ gia tăng mất cân bằng giới tính khi sinh; chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; tăng tỷ lệ sử dụng dịch vụ tầm soát, chẩn đoán và điều trị một số bệnh tật trước sinh và sơ sinh, tăng số người mới sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại; chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên.

Theo đó, ngành dân số tiếp tục tăng cường tuyên truyền về những định hướng công tác dân số và phát triển. Trong đó, nhấn mạnh về các chính sách, pháp luật về bảo vệ, chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi; sự cần thiết tư vấn và khám sức khỏe trước hôn nhân đối với mọi thanh niên; các dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ cho phụ nữ, trẻ em gái; tác hại của mang thai sớm và phá thai ở tuổi vị thành niên/thanh niên; bảo vệ trẻ em gái…

Bài, ảnh: ĐỒNG VĂN

https://baothuathienhue.vn/huong-toi-mot-tuong-lai-ben-vung-cho-moi-nguoi-a115278.html

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Thế giới 8 tỷ người: 8 tỷ cơ hội cho một thế giới không ai bị bỏ lại phía sau

Thứ hai, 7:11 AM 11/07/2022 Dân số và phát triển

GiadinhNet - Theo dự báo, tháng 11 năm nay, dân số thế giới đạt khoảng 8 tỷ người. Kỷ niệm Ngày Dân số thế giới 11/7 năm nay, Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc (UNFPA) đã lựa chọn chủ đề “Thế giới 8 tỷ người: Để hướng tới một tương lai bền vững cho tất cả mọi người, cần khai thác cơ hội và đảm bảo quyền, lựa chọn cho tất cả mọi người”.

Thành tựu lớn

Năm 2011, dân số thế giới đạt 7 tỷ người. Năm nay, con số sẽ là 8 tỷ. Nhiều người sẽ ngạc nhiên về những tiến bộ trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là trong y tế đã kéo dài tuổi thọ, giảm tỷ lệ tử vong ở bà mẹ và trẻ em; phát triển vaccine phòng ngừa bệnh dịch trong thời gian ngắn kỷ lục góp phần vào sự phát triển cả về chất và lượng của dân số. 

Tại Việt Nam, hơn 60 năm qua, công tác dân số đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trước hết, nước ta khống chế thành công tốc độ gia tăng dân số quá nhanh, giữ được quy mô dân số hợp lý và duy trì tổng tỷ suất sinh thay thế suốt gần 15 năm qua. Sức khỏe bà mẹ và trẻ em được cải thiện rõ rệt

Nước ta bắt đầu bước vào thời kỳ dân số vàng từ năm 2007 và đạt đỉnh vào năm 2020, với dân số trong độ tuổi lao động chiếm khoảng 70% dân số. Giai đoạn dân số vàng phụ thuộc vào nhiều yếu tố, dự kiến sẽ kéo dài khoảng 30 năm đến 40 năm, tối đa là 45 năm.

Trong 60 năm qua, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam đã tăng 33,7 năm từ 40 tuổi (1960) lên 73,7 (2020). Tỷ lệ suy dinh dưỡng và tỷ suất tử vong trẻ em đã giảm 2/3; tỷ số tử vong mẹ giảm 3/4 so với năm 1990. Tầm vóc thể lực của người Việt Nam có bước cải thiện. Từ năm 1993 đến nay, chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam tăng thêm 7,1 cm, đạt 168,1 cm ở nam (2020) và 156,2 cm ở nữ. Thành công của công tác DS-KHHGĐ trong suốt hơn nửa thế kỷ qua cũng đã góp phần đạt và về đích trước thời hạn các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ về nâng cao sức khỏe bà mẹ (MDG5) và giảm tử vong ở trẻ em (MDG4). Việt Nam được nhận giải thưởng về Dân số của Liên Hợp Quốc năm 1999.

Thách thức cao

Công tác dân số trên thế giới cũng như ở Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong những thập kỷ qua, tuy nhiên, công tác dân số trên toàn cầu cũng như ở Việt Nam vẫn còn nhiều những quan ngại cần vượt qua.

Vẫn còn có phụ nữ chết trong quá trình sinh nở. Bất bình đẳng giới vẫn còn tồn tại. Nhiều phụ nữ và người dân ở các nước đang phát triển không thể tiếp cận kỹ thuật số. Thời gian qua, vaccine COVID-19 vẫn không được phân phối đồng đều. Những mối quan ngại và thách thức đã được chỉ ra cách đây 11 năm hiện vẫn còn đó như: Biến đổi khí hậu, bạo lực, phân biệt đối xử. Thế giới đã đạt đến một cột mốc đặc biệt nghiệt ngã vào tháng 5 năm nay: Trên toàn thế giới có hơn 100 triệu người buộc phải dời chỗ ở. 

Có những quan ngại là thế giới đang ở bên bờ vực của tình trạng dân số quá tải hoặc sự giảm sút mạnh mẽ về dân số do tỉ lệ sinh quá thấp. Cả hai thái cực này đều cần các biện pháp để giảm bớt hoặc kích thích gia tăng dân số.

Lần đầu tiên trong lịch sử, chúng ta chứng kiến sự khác biệt lớn về tuổi trung bình và tỷ lệ sinh giữa các quốc gia. Trong khi dân số của một số quốc gia đang già đi và khoảng 60% dân số thế giới sống ở các quốc gia có mức sinh dưới mức thay thế là 2,1 con/phụ nữ, thì các quốc gia khác có dân số trẻ rất lớn và không ngừng tăng lên.

Tại Việt Nam, chúng ta đang đứng trước nhiều cơ hội song cũng đứng trước nhiều thách thức. Mặc dù nước ta đã đạt mức sinh thay thế (tức là số con bình quân của một phụ nữ là 2,1 con) từ năm 2006 và duy trì đến nay. Nhưng chúng ta đang đối mặt với tình trạng mức sinh chêch lệch đáng kể giữa các vùng, đối tượng.

Hiện có 33 tỉnh có mức sinh cao, quy mô dân số là 41 triệu người, nhiều tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội còn rất khó khăn. Bên cạnh đó có 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp có quy mô dân số là 38 triệu người, sẽ tác động rất lớn đến phát triển nhanh và bền vững cho cả nước.

Mất cân bằng giới tính khi sinh theo hướng thừa nam thiếu nữ đã ở mức cao, ngày càng lan rộng, cả thành thị và nông thôn. Tỷ số giới tính khi sinh  năm 2006 là 109 bé trai/gái thì tỷ lệ này năm 2009 là 110,5  và 111,5 vào năm 2019. Phạm vi mất cân bằng giới tính khi sinh ngày càng lan rộng, từ 45/63 thì đến năm 2009 đã lan tỏa ra 55/63 tỉnh, thành phố năm 2019. Tình trạng này kéo dài sẽ xảy ra tình trạng thừa nam, thiếu nữ và rất nhiều hệ lụy cho xã hội.

Việt Nam đã đang thời kỳ cơ cấu dân số vàng (cơ cấu dân số tuổi có 2 người tuổi lao động có ≤ 1 phụ thuộc dưới 15 tuổi và trên 65 tuổi). Với cơ cấu dân số như hiện nay (cơ cấu dân số vàng - chỉ diễn ra duy nhất trong lịch sử dân tộc và kéo dài 30-40 năm), Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để thực hiện thành công kế hoạch cơ bản trở thành nước công nghiệp. Tuy nhiên, "dân số vàng" không chỉ mang lại toàn "màu hồng" hy vọng cho Việt Nam mà cũng đem đến không ít thách thức. Nếu không tận dụng tốt cơ hội, kinh tế và xã hội Việt Nam sẽ gặp khó khăn, thách thức khi "dân số vàng" trở thành "dân số già" dự báo sau năm 2035.

Bên cạnh đó, chất lượng dân số của nước ta còn thấp. Tuy tuổi thọ trung bình cao (73,5 tuổi) nhưng số năm sống khỏe mạnh thấp so với nhiều nước, số năm phụ nữ sống có bệnh tật trung bình khoảng 11 năm và nam giới khoảng 8 năm; Gánh nặng bệnh tật kép, thường mắc các bệnh mạn tính, bình quân mỗi người cao tuổi có 3 bệnh; Chủ yếu là các bệnh không lây nhiễm đòi hỏi điều trị và chăm sóc lâu dài...

Hướng tới một tương lai bền vững cho tất cả mọi người

Trong một thế giới lý tưởng, 8 tỷ người có nghĩa là 8 tỷ cơ hội cho một xã hội lành mạnh hơn, mọi người đều được phát triển, không ai bị bỏ lại phía sau. Để phấn đấu cho điều ấy, cần sự chung tay của toàn nhân loại. 

UNFPA nhấn mạnh: Ngày Dân số Thế là thời điểm để chào đón và kỷ niệm những tiến bộ của nhân loại. Thế giới của chúng ta, bất chấp tất cả những thách thức, là một thế giới mà tỷ lệ dân số được tiếp cận giáo dục và có cuộc sống khỏe mạnh nhiều hơn bất kỳ thời điểm nào trước đây trong lịch sử. Minh chứng cho thấy những xã hội đầu tư cho người dân, cho các quyền và sự lựa chọn của người dân chính là con đường dẫn đến sự thịnh vượng và hòa bình mà mọi người đều mong muốn - và xứng đáng có được.

Phía sau con số là những câu chuyện về dân số phong phú và nhiều màu sắc. Thế giới hiện nay có thể có nhiều người hơn, nhưng điều quan trọng không kém đó là sự đa dạng nhân khẩu học chưa từng có mà chúng ta thấy trong dân số toàn cầu. Ngày càng có nhiều quốc gia phải đối mặt với tình trạng già hóa dân số và có khoảng 2/3 dân số thế giới hiện đang sống ở một quốc gia hoặc khu vực có mức sinh dưới mức sinh thay thế, tức là ít hơn 2,1 con trên một phụ nữ. Những quốc gia khác có dân số trẻ và đang phát triển. Và ngày càng có nhiều người rời khỏi nơi họ đã sinh ra, hoặc do họ lựa chọn hoặc buộc phải di dời do khủng hoảng từ các cuộc xung đột hay biến đổi khí hậu. Hiểu được những thay đổi này là hết sức quan trọng để có thể khai thác các cơ hội và giảm thiểu những mặt trái tiềm ẩn. "Con người là giải pháp, không phải là vấn đề. Đối với UNFPA, chúng tôi ủng hộ việc đo lường và dự đoán những thay đổi về nhân khẩu học. Mỗi quốc gia cần có những thông tin cần thiết để đáp ứng nhu cầu của các nhóm dân số đa dạng và để đảm bảo rằng mỗi cá nhân có thể nhận ra tất cả tiềm năng của mình".

Cần đầu tư cho nhân lực và vật lực vì một xã hội hòa nhập, hiệu quả đảm bảo quyền con người và quyền sinh sản. Chỉ khi đó, chúng ta mới có thể giải quyết những thách thức to lớn mà hành tinh của chúng ta phải đối mặt.

Trong bối cảnh đó, với sự chung tay và vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của người dân và sự hỗ trợ quý báu của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc cùng các tổ chức quốc tế và bạn bè trên thế giới, công tác dân số Việt Nam sẽ tiếp tục tận dụng lợi thế của những thành tựu, vượt qua những khó khăn, thách thức để nâng cao chất lượng dân số; góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước. 

Để thích ứng được với sự thay đổi nhân khẩu học này, chúng ta cần phải bắt đầu bằng một cam kết: đó là không chỉ để đếm số lượng người trên thế giới, mà còn là nhận ra các cơ hội để phát triển và vượt qua thách thức. Chúng tôi kêu gọi thay đổi các chuẩn mực xã hội tạo ra phân biệt đối xử gây cản trở tới sự phát triển của mỗi cá nhân và xã hội. Điều này sẽ giúp chúng ta xây dựng một nền kinh tế phù hợp cho tất cả mọi người, thay vì chỉ phù hợp với một số ít người và sử dụng hợp lý các nguồn lực để chúng ta có thể giảm thiểu rủi ro và đáp ứng nhu cầu của các thế hệ hiện tại và tương lai.

Mỗi chúng ta có ý nghĩa nhiều hơn là một con số bởi vì chúng ta là một gia đình. Các con số cũng rất quan trọng, nhưng chúng ta cần phải làm hơn thế. Đó là xây dựng một thế giới với 8 tỷ con người kiên cường, một thế giới đề cao quyền và lựa chọn của từng cá nhân, mang đến những khả năng vô hạn - khả năng cho con người, xã hội và hành tinh chung của chúng ta phát triển và thịnh vượng.

(Trích thông điệp của Giám đốc Điều hành UNFPA)

Hà Thư

https://giadinh.suckhoedoisong.vn/the-gioi-8-ty-nguoi-8-ty-co-hoi-cho-mot-the-gioi-khong-ai-bi-bo-lai-phia-sau-172220711003506618.htm

 

 

 

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thông điệp