Tìm kiếm tin tức
danh mục
Thông tin cần biết
Liên kết
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Điểm tin Dân số ngày 30/5/2022
Ngày cập nhật 31/05/2022

Những thách thức của công tác dân số ở nước ta hiện nay

- 10:11, 28/05/2022

GS.TS NGUYỄN ĐÌNH CỬ - Nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội - Đại học Kinh tế quốc dân

Sau gần 50 năm kiên trì và đẩy mạnh chính sách dân số với kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) là trọng tâm, mức sinh của nước ta đã giảm mạnh. Số con trung bình của một bà mẹ, tính chung trên cả nước đã giảm từ khoảng 7 con vào đầu những năm 60 xuống còn khoảng 2 con vào năm 2005. Mô hình “gia đình 2 con” đã trở nên phổ biến. Ghi nhận thành tựu này của Việt Nam, năm 1999, Liên Hợp Quốc đã trao Giải thưởng Dân số cho nước ta.

Mức sinh giảm, thấp đã hình thành “cơ cấu dân số vàng”, góp phần tăng trưởng kinh tế, tăng chỉ tiêu thu nhập và chi tiêu bình quân đầu người, nâng cao mức sống nhân dân. Gia đình ít con giảm mạnh áp lực dân số lên hệ thống giáo dục tạo điều kiện nâng cao chất lượng giáo dục. Mặt khác, cha mẹ có thể cho con trai và con gái được đi học như nhau. Vì vậy, hiện nay tỷ lệ nữ sinh cao ngang bằng, thậm chí vượt nam giới. Năm 2021, nữ sinh chiếm 49% trong Hệ thống giáo dục phổ thông, riêng Trung học phổ thông là 53,3%. Đối với giáo dục đại học, nữ sinh viên chiếm tới 54,6%. Nâng cao học vấn, trình độ chuyên môn nghiệp vụ là điều kiện then chốt nâng cao năng lực, thúc đẩy sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới. Thành tựu giảm sinh cũng đóng góp rất to lớn vào việc bảo vệ tài nguyên, môi trường ở nước ta.

Các nhà khoa học tính toán rằng, nếu không thực hiện KHHGĐ, dân số nước ta năm 2020 đã có thể lên tới 223 triệu thay vì chỉ có 97,3 triệu như thực tế. Trong điều kiện mật độ dân số đã cao gấp hơn 5 lần mật độ dân số thế giới, tránh được “bùng nổ dân số” giúp Việt Nam hạn chế khai thác cạn kiệt tài nguyên, giảm chất thải trong sản xuất và tiêu dùng gây ô nhiễm môi trường.

Chính những tác động tích cực, thực tế, to lớn của dân số đến sự phát triển bền vững nói trên nên Nghị quyết  số 21-NQ/TW ngày 25.10.2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng (khoá XII) về công tác dân số trong tình hình mới (Nghị quyết  số 21-NQ/TW) khẳng định: “Dân số là yếu tố quan trọng hàng đầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công tác dân số là nhiệm vụ chiến lược, vừa cấp thiết vừa lâu dài; là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân”.

1. Công tác dân số hiện nay:“Rất lớn và khó”

Nếu năm 1993, Nghị quyết 04-NQ/TW của Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa VII) về Chính sách Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Nghị quyết 04-NQ/TW) chỉ đề ra một mục tiêu là giảm sinh và cũng chỉ nêu một chỉ tiêu “mỗi cặp vợ chồng có 2 con” thì Nghị quyết số 21-NQ/TW đề ra chủ trương chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển, đổi mới căn bản chính sách dân số đã duy trì hơn nửa thế kỷ qua, với mục tiêu mới, rộng lớn: “Giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bổ, chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế-xã hội. Duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý; nâng cao chất lượng dân số, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững”. Mục tiêu này được cụ thể hóa bằng 25 chỉ tiêu bao trùm tất cả các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bổ, chất lượng dân số Việt Nam. Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW bao gồm tới 42 Đề án, kế hoạch do hầu hết các bộ ngành chủ trì, phối hợp. Không chỉ rộng lớn mà việc đạt được những mục tiêu này đòi hỏi phải thay đổi định kiến, thói quen đã “đóng đinh” trong tập quán ngàn đời của các dân tộc Việt Nam sang nhận thức, hành vi mới. Chẳng hạn, để nâng cao chất lượng dân số phải không tảo hôn, không kết hôn cận huyết; trước khi kết hôn được tư vấn và khám sức khỏe; không lựa chọn giới tính thai nhi; phụ nữ khi mang thai và trẻ sơ sinh được tầm soát các bệnh tật bẩm sinh phổ biến nhất, thực hiện KHHGĐ…. Đó là sự thay đổi mang tính cách mạng: Từ kết hôn, sinh đẻ tự nhiên, bản năng sang kế hoạch, khoa học, văn minh; từ bị động sang chủ động; từ ít trách nhiệm sang trách nhiệm cao; từ số lượng sang chất lượng.

Kinh nghiệm 60 năm công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình cho chúng ta thấy rõ khó khăn, phức tạp này của sự thay đổi này. Rõ ràng, KHHGĐ, thực hiện “gia đình 2 con” không khó khăn về kỹ thuật, không tốn kém về mặt kinh tế, thậm chí được miễn phí, nhà nước khuyến khích, lại nâng cao chất lượng cuộc sống của bố mẹ và các con nhưng đã hơn 60 năm vận động, khuyến khích, hỗ trợ, tính bình quân chung cho cả nước thì đạt được mục tiêu nhưng nếu tính riêng thì năm 2019 vẫn còn tới 36 tỉnh, 4 vùng chưa đạt mục tiêu, trong đó có cả vùng khá phát triển, như Đồng bằng sông Hồng! Chính vì vậy, trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương (khóa XII), khi đề cập công tác dân số, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Đây là vấn đề rất lớn và khó, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, liên quan đến việc bảo vệ, phát triển giống nòi, quốc gia, dân tộc”.

Tổ chức bộ máy quản lý công tác dân số thiếu ổn định

Từ năm 1961 đến nay, hệ thống bộ máy quản lý công tác Dân số ở nước ta đã thay đổi 9 lần; chỉ riêng từ 2002 đến nay cũng thay đổi 4 lần. Nghiên cứu lịch sử của các mô hình tổ chức bộ máy nói trên, có thể rút ra bài học đắt giá rằng, chỉ khi nào có bộ máy chuyên trách đủ mạnh, công tác dân số mới thành công. Thật vậy, suốt 30 năm (1961-1991) tổ chức bộ máy làm công tác DS-KHHGĐ là kiêm nhiệm, đặt trong một bộ chuyên ngành hoặc Ủy ban. Trong giai đoạn này, mức sinh giảm chậm, thậm chí mục tiêu về dân số suốt 3 nhiệm kỳ Đại hội Đảng (IV, V, VI) không thực hiện được. Năm 1993, Nghị quyết 04-NQ/HNTW yêu cầu “phải có bộ máy chuyên trách đủ mạnh”. Thực hiện yêu cầu này, hệ thống Ủy ban DS-KHHGĐ các cấp được tăng cường. Ở Trung ương, Ủy ban quốc gia DS-KHHGĐ là cơ quan trực thuộc Chính phủ, do Bộ trưởng làm Chủ nhiệm. Ủy ban có bộ phận thường trực, chuyên trách và bộ phận kiêm nhiệm bao gồm đại diện của hầu hết các bộ ngành và đoàn thể chính trị-xã hội. Ủy ban DS-KHHGĐ địa phương được xây dựng tương tự mô hình tổ chức bộ máy ở Trung ương. Cùng với các giải pháp pháp khác,bộ máy chuyên trách đủ mạnh” góp phần tạo nên thành công vượt trội của công tác dân số - thực hiện mục tiêu của Nghị quyết 04-NQ/HNTW sớm 10 năm.

Nghị quyết số 21-NQ/TW yêu cầu: “Công tác dân số phải chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo đảm phát triển nhanh, bền vững.” Chính quan hệ hữu cơ giữa dân số và phát triển lại yêu cầu sự phối kết hợp chặt chẽ giữa cơ quan dân số và các cơ quan phát triển. Điều này đòi hỏi các cơ quan dân số các cấp có đủ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, vị thế để điều phối công tác này trên địa bàn. Tuy nhiên, hiện nay, việc quản lý dân số do một đơn vị của cơ quan Y tế đảm nhiệm; việc tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền cùng cấp và điều phối hoạt động của đơn vị dân số mang tính gián tiếp, qua nhiều tầng nấc trung gian nên khó và chậm hơn. Mặt khác, mô hình tổ chức bộ máy quản lý công tác dân số và phát triển ở các địa phương không thống nhất. Có tỉnh không còn Chi cục Dân số, nhiều huyện không có đơn vị quản lý Dân số thuộc Trung tâm Y tế, nếu có nhân sự đã giảm bớt nhiều và thường được điều động đi làm nhiệm vụ y tế.

Tình trạng "trăm hoa đua nở" mô hình đơn vị quản lý công tác dân số các cấp, thể hiện nhận thức khác nhau về Nghị quyết 21-NQ/TW nói chung và vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị quản lý dân số nói riêng. Chính vì vậy, ngày 30 tháng 3 năm 2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số: 496/QĐ-TTg về việc “Phê duyệt Đề án Nghiên cứu, xây dựng mô hình tổ chức bộ máy, mạng lưới và cơ chế phối hợp liên ngành làm công tác dân số và phát triển các cấp”, trong đó đề ra mục tiêu: “Giữ ổn định mô hình tổ chức bộ máy làm công tác dân số và phát triển các cấp; đồng thời tiếp tục củng cố, kiện toàn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính”. Để thực hiện được mục tiêu này, cần đánh giá các mô hình tổ chức bộ máy quản lý dân số trong lịch sử, rút ra bài học kinh nghiệm và quán triệt Nghị quyết 21-NQ/TW về quan điểm, trọng tâm, mục tiêu, nhiệm vụ của công tác dân số hiện nay.

Mục tiêu nhiều hơn nhưng đầu tư cho công tác dân số giảm mạnh.

Công tác dân số phải vận động, khuyến khích và cung cấp dịch vụ cho hàng chục triệu người thực hiện những hành vi mới. Vì vậy, sự hỗ trợ ban đầu của nhà nước rất quan trọng. Chỉ riêng thực hiện mục tiêu KHHGĐ, các nước thường phải đầu tư bình quân mỗi người dân trong một năm 1 USD. Nghị quyết 04-NQ/HNTW nêu quan điểm:Đầu tư cho công tác dân số và kế hoạch hoá gia đình là đầu tư mang lại hiệu quả kinh tế trực tiếp rất cao. Nhà nước cần tăng mức chi ngân sách cho công tác dân số và kế hoạch hoá gia đình, đồng thời động viên sự đóng góp của cộng đồng và tranh thủ sự viện trợ của quốc tế”. Quán triệt quan điểm này, kinh phí đầu tư cho công tác dân số đã tăng từ 15 tỷ năm 1991 đã tăng lên là 561 tỷ năm 2005. Ngoài ngân sách nhà nước, còn có sự hỗ trợ của các quốc gia và các tổ chức quốc tế. Nhờ có nguồn lực, nhiều hoạt động được tiến hành, người dân được cung cấp đầy đủ phương tiện và dịch vụ tránh thai nên mức sinh giảm nhanh và năm 2005 đã đạt mức sinh thay thế.

Hiện nay, như đã trình bày, mục tiêu của chính sách dân số nhiều hơn nhưng kinh phí dành cho công tác dân số lại giảm nhiều. Thậm chí, năm 2021, có tỉnh không được giao kinh phí từ bất kỳ nguồn ngân sách nào. Đáng chú ý là, trong số này có những tỉnh thuộc địa bàn vùng núi vốn công tác dân số có nhiều khó khăn. Đây là thách thức nghiêm trọng cho việc thực hiện các giải pháp nhằm đạt mục tiêu của chính sách dân số mới. Vì vậy, cần quán triệt sâu sắc và thực hiện đầy đủ quan điểm của Nghị quyết 21-NQ/TW “Đầu tư cho công tác dân số là đầu tư cho phát triển. Nhà nước ưu tiên bố trí ngân sách, đồng thời đẩy mạnh xã hội hoá; tranh thủ sự hỗ trợ của quốc tế để bảo đảm nguồn lực cho công tác dân số”.

Đảng và Nhà nước ta đã nhiều lần khẳng định vị trí quan trọng của công tác dân số trong quá trình phát triển bền vững, bao trùm của đất nước. Đây cũng là lĩnh vực rộng lớn, phức tạp và nhiều thách thức. Vì vậy, cần quyết liệt triển khai các giải pháp mà Nghị quyết đề ra, nhanh chóng tháo gỡ những khó khăn nhằm thực hiện thành công Nghị quyết 21-NQ/TW.

https://daibieunhandan.vn/doi-song-xa-hoi/nhung-thach-thuc-cua-cong-tac-dan-so-o-nuoc-ta-hien-nay-i290645/

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Giáo dục giới tính như thế nào?

Tú Anh 09/5/2022 - 6:42 (GMT+7)

GD&TĐ - Giáo dục giới tính là một trong những nội dung quan trọng tại nhiều quốc gia trên thế giới. Môn học này được đưa vào chương trình phổ thông từ rất sớm với nhiều phương pháp giảng dạy linh hoạt.

Hình mẫu

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (World Bank), tỷ lệ mang thai ở tuổi vị thành niên tại các nước châu Âu vào loại thấp nhất thế giới. Đơn cử, ở Italy, Đức và Thụy Sĩ, trong số 1.000 trẻ được sinh ra, dưới 4 em có mẹ ở tuổi vị thành niên. Con số này tại các nước như Thụy Điển, Pháp, Đan Mạch hay Bỉ là khoảng 5 - 6.

Lý giải điều này, chuyên gia Ngân hàng Thế giới cho rằng, các nước châu Âu, đặc biệt bán đảo Scandinavia, sở hữu chương trình giáo dục giới tính tiến bộ. Giáo viên giảng dạy giới tính ở các quốc gia này không nhấn mạnh sự nguy hiểm của tình dục. Thay vào đó, họ hướng dẫn học sinh phương pháp tình dục an toàn, cách chăm sóc bản thân ở tuổi mới lớn.

Nổi tiếng với tính cách phóng khoáng, người Hà Lan cho rằng, giáo dục giới tính cần sự linh hoạt, cởi mở. Do đó, giáo dục giới tính tại Hà Lan được đưa vào từ chương trình mẫu giáo, dành cho trẻ 4 tuổi.

Ở lứa tuổi này, các bé sẽ học cách hình thành mối quan hệ, thảo luận về quyền tự do cá nhân, quyền bất khả xâm phạm về thân thể. Một trong những nội dung thường xuyên và xuyên suốt trong giáo dục mầm non là sự đồng ý.

Sau khoảng 15 năm triển khai chương trình giáo dục giới tính trong các trường phổ thông, số lượng trẻ vị thành niên mang thai ở Hà Lan là thấp nhất trong Liên minh châu Âu (EU). Tỷ lệ là 3,2 trên 1.000 trẻ em gái và đang tiếp tục giảm xuống. Thanh thiếu niên Hà Lan thường bắt đầu quan hệ tình dục muộn hơn so với Mỹ hoặc các nước châu Âu khác.

Ở Na Uy, khi đến trường, học sinh từ 8 đến 12 tuổi được xem “Puberteten”, các video hài về tình dục và giới tính. Ở Thụy Điển, trẻ tiểu học sẽ tìm hiểu về các bộ phận riêng tư trên cơ thể trước khi đi đến những nội dung giáo dục giới tính sâu hơn. Thụy Điển là nước tiên phong trong giáo dục giới tính khi đưa môn học này vào chương trình bắt buộc từ năm 1956.

Tại Vương quốc Anh, giáo dục giới tính và tình dục được triển khai với học sinh từ 11 tuổi. Vào tháng 9/2020, nước này đưa vào bậc phổ thông chương trình giáo dục giới tính mới, được cải cách sau gần 20 năm.

Theo đó, học sinh tiểu học phải được dạy về các mối quan hệ lành mạnh, về dậy thì và giữ an toàn trên Internet. Học sinh trung học tìm hiểu về chăm sóc cơ thể, lạm dụng tình dục, bạo lực gia đình cũng như các bệnh lây truyền qua đường tình dục và tác động của việc xem nội dung xấu, bẩn trên Internet.

Trong khi tại Mỹ, giáo dục giới tính có xu hướng nghiêng về giáo lý khiến nhiều học sinh chưa thực sự hiểu rõ về vấn đề này. Ước tính, chỉ khoảng 22 bang ở Mỹ yêu cầu giáo dục giới tính trong các trường công lập. Nhiều bang khác đang đấu tranh để đưa giáo dục giới tính trở thành môn học bắt buộc.

Do đó, giáo dục giới tính tại Mỹ chưa thực sự thống nhất và đồng đều. Nhiều học sinh không được dạy về phòng tránh mang thai hoặc các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục. Theo khảo sát của tổ chức truyền thông ATTN, 41% thanh niên 18, 19 tuổi tại Mỹ biết ít hoặc không biết gì về bao cao su. 45% không biết các biện pháp phòng tránh thai.

Dè dặt, thiếu tự nhiên

Giáo dục Hà Lan khuyến khích sự tôn trọng đối với tất cả xu hướng tình dục, đồng thời giúp học sinh phát triển kỹ năng bảo vệ bản thân khỏi bị ép buộc, đe dọa hay lạm dụng tình dục. Khảo sát của các chuyên gia giáo dục chỉ ra những học sinh được giáo dục giới tính có tính cách quyết đoán, khả năng giao tiếp tốt hơn bạn bè đồng trang lứa.

Giáo dục giới tính tại các quốc gia châu Á có phần dè dặt hơn. Tại Trung Quốc, giáo dục giới tính trong trường học ít được tổ chức hoặc gần như không có, từ đó dẫn đến lỗ hổng lớn trong kiến thức xã hội của trẻ em khi bước vào tuổi trưởng thành.

Để thay đổi điều này, nhiều trường đại học tại Trung Quốc đã lắp đặt máy bán hàng tự động bán dụng cụ xét nghiệm HIV tại nhà cho sinh viên. Một số trường sử dụng sách giáo khoa giáo dục giới tính nhưng vấp phải phản đối từ phụ huynh, cộng đồng nên bị loại bỏ.

Cũng giống như Trung Quốc, ở Ấn Độ giáo dục giới tính từ lâu đã là vấn đề gây tranh cãi. Số liệu thống kê cho thấy, khoảng 53% trẻ em 5 - 12 tuổi bị lạm dụng tình dục. Hơn 50% trẻ em gái ở nông thôn không biết về kinh nguyệt hoặc ý nghĩa của nó.

Hội đồng Giáo dục, Nghiên cứu và Đào tạo quốc gia Ấn Độ từng đề xuất đưa giáo dục giới tính vào giảng dạy nhưng vấp phải sự phản đối nên phải loại bỏ. Nhiều giáo viên, phụ huynh lo ngại chương trình này làm tăng sự tò mò của học sinh.

Tại Singapore, giáo dục giới tính được dạy từ cấp tiểu học. Học sinh được học từ cách xây dựng mối quan hệ lành mạnh đến hành vi tình dục, biện pháp phòng tránh bệnh lây nhiễm qua đường tình dục. Giáo viên cũng kêu gọi phụ huynh cởi mở và chia sẻ cùng các con về vấn đề giới tính và tình dục để việc giáo dục đạt hiệu quả tốt hơn.

Tại châu Phi, giáo dục giới tính được triển khai tập trung vào việc đẩy lùi dịch AIDS. Tuy nhiên, việc thảo luận về các biện pháp tránh thai vẫn bị coi là điều cấm kỵ trong và ngoài giáo dục. Việc giảng dạy bộ môn này còn ít và nhỏ lẻ.

Đơn cử tại Uganda, một số trường lồng ghép chương trình giáo dục giới tính trong môn Thể dục. Số khác không tổ chức do phụ huynh phản đối. Khi chơi bóng đá, học sinh được học về sức khỏe tình dục nhằm bình thường hóa ngôn ngữ giới tính, cho phép học sinh đặt câu hỏi mà không cảm thấy khó xử.

https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/giao-duc-gioi-tinh-nhu-the-nao-V5lR7jQng.html

 

 

 

Lúng túng giáo dục giới tính

27-04-2022 - 10:00 | Giáo dục

Cần thiết phải giáo dục giới tính cho trẻ ngay từ cấp tiểu học vì các em bây giờ phát triển rất sớm do môi trường và chế độ ăn uống...

Chị N., một phụ huynh ở TP Hà Nội, cho biết con trai chị đang bước vào độ tuổi dậy thì. Trước đây, bé khá lanh lợi, hay nói hay cười và dễ giao tiếp với mọi người nhưng thời gian gần đây lại có những biểu hiện khác lạ.

Cha mẹ thiếu tế nhị, trẻ tổn thương

Rồi một ngày, kiểm tra điện thoại của con, chị N. tá hỏa khi phát hiện bé tham gia nhiều nhóm chat kín, trao đổi những nội dung không lành mạnh, đăng nhập những trang web "đen".

Một bà mẹ khác tên T. ở TP HCM cũng có con gái ở độ tuổi "sớm nắng chiều mưa". Chị nói con trai mới lớn đã khó hiểu rồi, con gái còn phức tạp hơn gấp nhiều lần. Bé tỏ ra bất hợp tác; mỗi lần chị hỏi chuyện, bé chỉ ậm ừ, đôi khi còn cáu gắt, bảo chị đừng quan tâm nhiều quá đến cuộc sống riêng của nó. Là một người mẹ đơn thân, một mình sinh con ra và nuôi con khôn lớn đến tận bây giờ, những lời nói đó làm chị tổn thương.

Không thể trò chuyện cùng con, chị T. tạo một tài khoản trên mạng xã hội, đăng ký làm thành viên các nhóm mà con tham gia. Chị không thể tin khi đó là những nhóm trong cộng đồng LGBT.

Tịch thu hoặc đập điện thoại, cấm con vào mạng xã hội là những biện pháp mà người lớn thường dành cho trẻ khi rơi vào những trường hợp này. Trong cơn nóng giận khó kiềm chế, nhiều phụ huynh còn đánh mắng hay quản thúc con. Rất ít người giữ được bình tĩnh để ngồi lại trò chuyện, phân tích đúng - sai. Thậm chí, họ còn rêu rao trên mạng xã hội hoặc đem kể cho người khác, lấy lý do là cảnh báo cho mọi người.

ThS Nguyễn Thị Tâm, chuyên gia tâm lý tại Công ty Cổ phần Ứng dụng Khoa học Tâm lý Hồn Việt (TP HCM), cho rằng những hành động trên hết sức thiếu tế nhị, làm tổn thương tinh thần con trẻ. Việc trẻ trong độ tuổi này tò mò về giới tính không sai, quan trọng là phải làm sao hướng trẻ tìm hiểu và hành xử một cách thích hợp.

"Nói về giáo dục giới tính thì hầu như không có cha mẹ nào có đủ trình độ để trò chuyện cùng con vì nhiều nguyên do. Thứ nhất, họ xem tình dục là chủ đề cấm kỵ; thứ hai, họ cảm thấy không tự nhiên khi trò chuyện về tâm sinh lý; thứ ba: chính bản thân họ cũng không có kiến thức đầy đủ về giới tính. Vì vậy, biện pháp duy nhất họ áp dụng là ngăn cấm. Tôi còn biết nhiều phụ huynh còn lắp camera trong phòng riêng của con, lấy lý do là để dễ kiểm tra sinh hoạt hằng ngày. Tôi tuyệt đối không đồng tình với phương pháp này và yêu cầu cha mẹ tháo camera ngay lập tức" - ThS Nguyễn Thị Tâm nhấn mạnh.

Giáo dục giới tính từ cấp tiểu học

Trong buổi trò chuyện với chủ đề "Khi trẻ không còn niềm tin vào cha mẹ" mới đây, PGS-TS Lê Thị Bích Hồng, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa - Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương, cho rằng niềm tin giữa cha mẹ và con cái là mối quan hệ hai chiều.

"Trong trường hợp trẻ đang trong sự bao bọc, chăm sóc, yêu thương của cha mẹ bỗng một ngày cảm thấy niềm tin bị đổ vỡ và thần tượng - là cha mẹ - bị sụp đổ thì sẽ dẫn đến những tác hại và nguy hiểm khôn lường" - bà Hồng dẫn chứng.

Theo ThS Nguyễn Thị Tâm, giáo dục gia đình có sức ảnh hưởng lớn nhất. Sáu năm đầu đời của một con người là rất quan trọng, song nhân cách của cá nhân được định hình từ khi sinh ra cho đến lúc dậy thì. Khi đó, phụ huynh đóng vai trò then chốt trong sự nghiệp "trồng người". Nếu cha mẹ không đồng hành cùng con thì sẽ tạo nên khoảng cách thế hệ vô cùng lớn, trẻ dễ bị lôi kéo vào con đường xấu.

Theo ThS Tâm, việc giáo dục giới tính trong trường học hiện nay rất hạn chế, còn mang nặng tính hình thức và thành tích. Cần thiết phải giáo dục giới tính cho trẻ ngay từ cấp tiểu học vì các em bây giờ phát triển rất sớm do môi trường và chế độ ăn uống. Bên cạnh đó, phải đưa cả kiến thức về giới LGBT vào giảng dạy ở các cấp học cao hơn. Mục đích là để trẻ có nhận thức chính xác về LGBT, hiểu rõ chính mình, không bị lôi kéo bởi những thành phần xấu; bản thân trẻ LGBT cũng sẽ được tôn trọng, được công nhận là bình thường trong xã hội, không bị bạn bè và những người xung quanh dè bỉu, khinh miệt.

"Bản thân cha mẹ phải là tấm gương sáng cho con cái, "nói đi đôi với làm" chứ không chỉ là những lời nói suông hay áp đặt, bạo lực lên con trẻ. Đó là cách để cha mẹ tạo niềm tin với con, định hướng cho con lối sống tích cực, đúng đắn và tránh bị kẻ xấu lôi kéo, dụ dỗ" - PGS-TS Lê Thị Bích Hồng nhấn mạnh. 

Số điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em

Liên quan vấn đề này, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, kêu gọi cộng đồng, các bậc phụ huynh và các em nhỏ hãy liên lạc với Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 khi phát hiện những video clip có hình ảnh, nội dung không lành mạnh, có dấu hiệu sai phạm về trẻ em để nhận được sự hỗ trợ kịp thời.

Khánh Thu

https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/lung-tung-giao-duc-gioi-tinh-20220426210326637.htm

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thông điệp