Tìm kiếm tin tức
danh mục
Thông tin cần biết
Liên kết
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Điểm tin Dân số ngày 23/9/2021
Ngày cập nhật 24/09/2021

Tạp chí Gia đình Việt Nam; ngày 21/9/2021; Ngày Tránh thai Thế giới: Báo động tình trạng phá thai, vô sinh hãy lựa chọn biện pháp tránh thai phù hợp

Thúy Ngà

Trước thực trạng báo động về việc phá thai và vô sinh, Ngày Tránh thai thế giới năm nay Tổng Cục dân số - KHHGĐ đã chọn chủ đề “Hãy lựa chọn cho mình một biện pháp tránh thai phù hợp để không mang thai ngoài ý muốn”.

Tổng cục Dân số - KHHGĐ dẫn số liệu cho hay, hàng năm có tới 1/3 trong số các trường hợp mang thai trên thế giới là mang thai ngoài ý muốn. 36% độ tuổi vị thành niên cho biết có quan hệ tình dục không sử dụng biện pháp bảo vệ, trong khi tỷ lệ bệnh lây truyền qua đường tình dục cao nhất ở độ tuổi dưới 25.

Tại Việt Nam, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, mỗi năm dân số Việt Nam tăng thêm khoảng gần 1 triệu người. Trong những năm tới, số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (15 - 49 tuổi) vẫn tiếp tục gia tăng. Nhu cầu sử dụng các phương tiện tránh thai tiếp tục tăng, đặc biệt vị thành niên/thành niên cần được quan tâm hơn.

Tình trạng phá thai lặp lại còn khá phổ biến; tỷ lệ vô sinh, nhất là vô sinh thứ phát đang có chiều hướng gia tăng, dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình còn một số hạn chế,...

Vì vậy, Ngày Tránh thai thế giới có ý nghĩa như một chiến dịch toàn cầu, khơi dậy trách nhiệm của giới trẻ trong việc quan hệ tình dục an toàn và chủ động tránh thai, đồng thời khuyến khích tất cả mọi người đều có thể chủ động hành vi mang thai vì những lợi ích của chính mình và cộng đồng.

Năm 2021, nhân kỷ niệm lần thứ 14 Ngày Tránh thai Thế giới, Tổng Cục dân số - KHHGĐ chọn chủ đề: “Hãy lựa chọn cho mình một biện pháp tránh thai phù hợp để không mang thai ngoài ý muốn” nhằm tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi của mọi tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội để thực hiện có hiệu quả hoạt động hưởng ứng tránh thai góp phần hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch năm 2021.

Hoạt động hưởng ứng Ngày Tránh thai thế giới phải được thiết kế trong một kế hoạch tổng thể. Nội dung, thông điệp truyền thông, khẩu hiệu hành động phải được triển khai đồng bộ, thống nhất; tổ chức thực hiện tiết kiệm, lồng ghép hiệu quả với các hoạt động truyền thông thường xuyên tại mỗi cơ quan, đơn vị. 

Đặc biệt, Ngày Tránh thai Thế giới cần nâng cao nhận thức cho giới trẻ trong việc quan hệ tình dục an toàn và chủ động tránh thai, đồng thời khuyến khích phụ nữ và nam giới trong độ tuổi sinh đẻ chủ động về hành vi mang thai vì những lợi ích của chính mình và cộng đồng.

Truyền thông nâng cao nhận thức về lợi ích của việc tránh thai, nhu cầu sử dụng, khả năng đáp ứng các phương tiện tránh thai (PTTT), vấn đề xã hội hóa các PTTT tại Việt Nam, về chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS), các biện pháp tránh thai an toàn.

https://giadinhonline.vn/ngay-tranh-thai-the-gioi-bao-dong-nan-pha-thai-vo-sinh-hay-lua-chon-bien-phap-tranh-thai-d174322.html

Báo Gia đình và Xã hội; ngày 22/9/2021; Thái Nguyên triển khai Giải báo chí toàn quốc về công tác dân số

Ngày 22/9/2021, Sở Y tế tỉnh Thái Nguyên phối hợp với Hội Nhà báo tỉnh tổ chức Hội nghị cung cấp thông tin tuyên truyền và triển khai Giải báo chí toàn quốc về công tác dân số.

Dự hội nghị có ông Đỗ Trọng Vũ - Phó Giám đốc Sở Y tế, ông Nguyễn Bảo Lâm - Chủ tịch Hội nhà báo tỉnh, các đồng chí đại diện cho Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, Sở Thông tin - Truyền thông, Cổng Thông tin điện tử tỉnh, các cơ quan báo chí trung ương và địa phương đóng trên địa bàn tỉnh và lãnh đạo, công chức Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) tỉnh Thái Nguyên.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã được Sở Y tế, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh cung cấp các thông tin về công tác dân số của tỉnh, định hướng nội dung tuyên truyền về công tác dân số trong tình hình mới; Hội Nhà báo tỉnh đã triển khai Giải báo chí toàn quốc về công tác dân số.

Giải Báo chí về công tác dân số được phát động là hoạt động hưởng ứng kỷ niệm 60 năm kỷ niệm Ngày truyền thống Ngành Dân số Việt Nam (26/12/1961-26/12/2021), nhằm động viên kịp thời và tôn vinh tác giả, nhóm tác giả có tác phẩm xuất sắc tiêu biểu về công tác dân số ở Trung ương và địa phương; đồng thời nâng cao số lượng, chất lượng các tác phẩm tuyên truyền về công tác dân số trên các phương tiện thông tin đại chúng trong cả nước.

Các nhà báo, phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên, hội viên (có thể tham dự với tư cách cá nhân/đơn vị hoặc nhóm tác giả) của các cơ quan thống tấn báo chí, Hội Nhà báo và các cơ quan tuyên truyền; cán bộ làm công tác dân số thuộc ngành dân số và cán bộ truyền thông phụ trách dân số thuộc các ngành phối hợp tuyên truyền về công tác dân số có tác phẩm tuyên truyền về nội dung dân số được đăng trên các phương tiện thông tin đại chúng, tạp chí ngành, bản tin của cơ sở do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép và ban hành kể từ ngày 25/10/2017 đến hết ngày 10/10/2021 đều có thể gửi tham dự giải.

Tác phẩm dự Giải báo chí toàn quốc về công tác dân số phải thuộc loại hình báo in (tin, bài, ảnh, phỏng vấn, xã luận, chuyên luận, phóng sự, phóng sự điều tra, ký báo chí, ghi chép), báo điện tử (tin, bài, phỏng vấn, bình luận, tọa đàm, giao lưu trực tuyến, phóng sự, phóng sự điều tra, ký báo chí, ghi chép).

Đối với tạp chí, chỉ nhận các bài viết mang tính nghiên cứu, lý luận, tổng kết thực tiễn (độ dài không quá 5 kỳ). Không xét các tác phẩm mang tính hư cấu (thơ, tranh vẽ, tiểu phẩm, câu chuyện văn nghệ, kịch truyền thanh). Nội dung tác phẩm cần phản ánh các kết quả, thành tựu công tác dân số 60 năm qua và những khó khăn, thách thức trong giai đoạn tới; phản ánh việc củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ các cơ quan dân số các cấp; tuyên truyền việc thực hiện các chỉ tiêu, kế hoạch công tác dân số hàng năm và các giai đoạn của trung ương và địa phương. Tác phẩm cũng có thể phản ánh những kinh nghiệm, cách làm hay, sáng tạo đạt hiệu quả tốt, có thành tích xuất sắc trong công tác dân số của các địa phương, các ngành, đơn vị, tập thể và cá nhân.

Tại hội nghị đã nhận được 7 ý kiến của các cơ quan báo chí, trong đó chủ yếu tập trung vào nội dung như: trong thời gian tới các cơ quan báo chí sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền về dân số; đối với việc tham gia Giải báo chí, do thời gian phát động dự thi giải gấp nên sẽ có ít tác phẩm chất lượng cao, việc lựa chọn chủ đề, nội dung của các tác phẩm phải vừa đảm bảo công tác tuyên truyền và đảm bảo tham dự giải có chất lượng.

Các đại diện cơ quan báo chí cũng đề nghị ngành Y tế/Chi cục DS-KHHGĐ cung cấp thêm cho các cơ quan báo chí những vấn đề mới, mang tính thời sự cần tuyên truyền, đồng thời đề nghị Sở Y tế khen thưởng cho các cá nhân/tập thể có nhiều tác phẩm tham gia dự thi, nhằm động viên khích lệ tác giả, nhóm tác giả.

Tác giả, nhóm tác giả gửi tác phẩm dự thi về các địa chỉ: Phòng 818, Vụ Truyền thông - Giáo dục, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (ngõ 8 Tôn Thất Thuyết, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), Email: giaibaochidanso2021@gmail.com; Ban Nghiệp vụ - Hội Nhà báo Việt Nam (số 59 Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), Email: bannghiepvu.hnb@gmail.com, điện thoại: 0979.820.162 (chuyên viên Võ Thu Nga); Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, Email: baochi60nam@gmail.com.

Thời gian nhận tác phẩm dự thi đến hết ngày 10/10/2021 (tính theo dấu bưu điện).

https://giadinh.net.vn/dan-so/thai-nguyen-trien-khai-giai-bao-chi-toan-quoc-ve-cong-tac-dan-so-20210922170114533.htm

 

 

 

Báo Gia đình và Xã hội; ngày 23/9/2021; Thực hiện đề án 818 ở Long Đống: Gắn kết trách nhiệm cộng đồng trong chăm sóc sức khỏe sinh sản

 Dương Kim

Người dân trên địa bàn xã Long Đống, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn đã chủ động lựa chọn và chi trả tiền mua các sản phẩm, dịch vụ KHHGĐ, SKSS theo nhu cầu. Qua đó, góp phần gắn kết trách nhiệm cộng đồng trong chăm sóc SKSS, thực hiện chính sách dân số-KHHGĐ.

Góp phần thay đổi nhận thức và chuyển đổi hành vi sử dụng phương tiện tránh thai

Sau hơn 4 năm thực hiện Đề án 818 về  "Xã hội hóa cung ứng phương tiện tránh thai (PTTT) và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ), sức khỏe sinh sản (SKSS) tại khu vực thành thị và nông thôn phát triển giai đoạn 2015 – 2020", người dân trên địa bàn xã Long Đống, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn đã chủ động lựa chọn và chi trả tiền mua các sản phẩm, dịch vụ KHHGĐ, SKSS theo nhu cầu. 

Qua đó, góp phần gắn kết trách nhiệm cộng đồng trong chăm sóc SKSS, thực hiện chính sách dân số-KHHGĐ.

Chị Hoàng Thị Tuyết Nhung, cán bộ chuyên trách dân số – KHHGĐ Xã Long Đống cho biết: Xã Long Đống hiện có 1.082 hộ với 4.559 nhân khẩu. 

Năm 2017, xã bắt đầu triển khai thực hiện Đề án 818 và tuyên truyền sâu rộng đến người dân trên địa bàn. Đến nay, xã có 6/10 thôn đang thực hiện xã hội hóa theo Đề án 818 (4 thôn còn lại là thôn vùng III được hỗ trợ miễn phí). 

"Để đẩy mạnh hoạt động tiếp thị xã hội các PTTT góp phần thay đổi nhận thức và chuyển đổi hành vi sử dụng PTTT từ cấp miễn phí sang tự chi trả, chúng tôi đã phối hợp với các tổ chức của xã, thôn tuyên truyền lồng ghép qua các hội nghị sơ kết, các buổi họp thôn, họp phụ nữ, các buổi tiêm chủng cho trẻ và khám chữa bệnh định kỳ… Qua đó, đã nhận được sự hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân, góp phần thực hiện thành công chính sách dân số – KHHGĐ" - chị Tuyết Nhung cho biết.

Chủ động giao hàng đến tận nhà, tận tay cho người dân có nhu cầu

Từ năm 2017 đến nay, trung bình mỗi năm cán bộ chuyên trách dân số xã, cộng tác viên dân số thôn, bản đã tuyên truyền lồng ghép cho hơn 2.000 lượt người nghe; tuyên truyền trực tiếp tại hộ dân được 50 cuộc cho 300 người; tư vấn trực tiếp về các PTTT cho trên 500 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ chưa áp dụng biện pháp tránh thai, tổ chức hội nghị về Đề án 818 cho trên 60 người; đăng tải các bài viết tuyên truyền qua mạng xã hội Zalo, Facebook… Bên cạnh đó, để phục vụ nhanh nhất, các cán bộ dân số xã, cộng tác viên dân số thôn, bản còn chủ động giao hàng đến tận nhà, tận tay cho người dân có nhu cầu.

Thông qua tuyên truyền bền bỉ, tiếp thị nhiệt tình, người dân trên địa bàn xã Long Đống đã tích cực hưởng ứng, lựa chọn sử dụng các PTTT trong Đề án 818. 

Qua tổng hợp, từ năm 2017 đến nay, xã đã phân phối trên 1.000 chiếc bao cao su các loại; trên 200 vỉ viên thuốc tránh thai Anna; trên 500 chai dung dịch vệ sinh phụ nữ Vagis; 404 hộp bột Canxi Unical For Rice… 

Số tiền thu được chuyển về Phòng Dân số (Trung tâm Y tế huyện) được hơn 90 triệu đồng. Nhờ người dân áp dụng tốt các biện biện pháp tránh thai nên tỷ lệ tăng dân số tự nhiên ở xã giảm từ 0,9% năm 2017 xuống còn 0,7% năm 2020.

Chị Hoàng Thị Hương, thôn Thủy Hội, xã Long Đống cho biết: "Sử dụng các PTTT, chăm sóc SKSS trong Đề án 818 có nhiều ưu điểm như: mặt hàng PTTT đa dạng, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, giá cả ổn định, phù hợp với túi tiền của người dân… Vì vậy, từ năm 2018 đến nay, tôi tin dùng các sản phẩm của đề án này".

Ông Đinh Văn Khoan, Trưởng Phòng Dân số, Trung tâm Y tế huyện Bắc Sơn nhận định: Thực hiện Đề án 818 là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác dân số-KHHGĐ. Từ năm 2018, Đề án đã được triển khai tại 18 xã, thị trấn, trong đó, xã Long Đống là đơn vị điển hình nhất trong thực hiện đề án này. Qua đó, góp phần đáp ứng tốt nhu cầu dịch vụ về PTTT, chăm sóc SKSS trên địa bàn, đồng thời, giúp giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước.

Có thể nói, thay vì trông chờ vào sự tài trợ của Nhà nước để sử dụng miễn phí các PTTT, dịch vụ chăm sóc SKSS, người dân xã Long Đống đã chủ động tìm đến, lựa chọn và sử dụng lâu dài các dịch vụ thuộc Đề án 818. 

Thời gian tới chính quyền xã Long Đống sẽ tiếp tục triển khai sâu rộng đề án đến toàn thể Nhân dân, đặc biệt là đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân sử dụng lâu dài các dịch dịch vụ KHHGĐ/SKSS. Qua đó góp phần tăng tính bền vững cho công tác dân số, nâng cao sức khoẻ người dân.

https://giadinh.net.vn/dan-so/thuc-hien-de-an-818-o-long-dong-gan-ket-trach-nhiem-cong-dong-trong-cham-soc-suc-khoe-sinh-san-20210923095421784.htm

Báo Gia đình và Xã hội; ngày 16/9/2021; Cao Bằng tổ chức giám sát công tác đổi sổ A0 tại Hà Quảng

Huyền Hương

Chi cục Dân số-KHHGĐ Cao Bằng vừa tổ chức giám sát công tác công tác đổi sổ A0 và tình hình thực hiện chỉ tiêu kế hoạch công tác dân số năm 2021 tại huyện Hà Quảng.

Chi cục Dân số - KHHGĐ Cao Bằng vừa tổ chức giám sát công tác công tác đổi sổ A0 (ổ ghi chép ban đầu về dân số - kế hoạch hóa gia đình) và tình hình thực hiện chỉ tiêu kế hoạch công tác dân số năm 2021 tại Trung tâm Y tế và xã Ngọc Động, huyện Hà Quảng.

Trưởng đoàn giám sát là bà Lục Thị Thắng, Chi cục trưởng cùng các thành viên là lãnh đạo và chuyên viên của 2 phòng chuyên môn. 

Hình thức giám sát tại huyện thông qua họp trao đổi, thảo luận và kiểm tra một số tài liệu liên quan, đi thực tế tại Phòng Dân số, Truyền thông và Công tác xã hội, Khoa Chăm sóc SKSS và khoa Dược của Trung tâm Y tế. 

Đoàn đã làm việc tại xã, thông trao đổi và kiểm tra thực tế tại Trạm Y tế, sau đó tổ chức họp trao đổi, thảo luận tại UBND xã với Ban chỉ đạo công tác dân số xã, Trạm Y tế, các Trưởng xóm và Y tế thôn bản. 

Theo bà Lục Thị Thắng, công tác giám sát được thực hiện theo mẫu phiếu giám sát chung và giám sát chuyên sâu từng lĩnh vực. Trong đó tập trung vào các nội dung về tình hình thực hiện chỉ tiêu và các hoạt động chuyên môn về công tác dân số năm 2021; công tác đổi Sổ A0 và hoạt động quản trị kho dữ liệu điện tử; hoạt động cung cấp dịch vụ KHHGĐ và sàng lọc trước sinh, sơ sinh.

Kết quả giám sát tại huyện cho thấy, Trung tâm Y tế Hà Quảng đã giao chỉ tiêu kế hoạch về công tác dân số năm 2021 trong văn bản giao chỉ tiêu chung. Trong điều kiện thực hiện nhiệm vụ kép về phòng chống dịch hiện nay, Phòng Dân số, truyền thông và công tác xã hội đã tham mưu duy trì thực hiện các hoạt động về công tác dân số góp phần hoàn thành các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực được giao. 

Kết quả thực hiện chỉ tiêu các biện pháp tránh thai của huyện đến tháng 9/2021 đạt 72,8% kế hoạch năm. Về tỷ lệ sàng lọc sơ sinh, sàng lọc trước sinh tại Trung tâm đạt thấp (sàng lọc trước sinh 44,8% và sàng lọc sơ sinh 20,5%). Có 11/21 xã đã đưa nội dung mất cân bằng giới tính khi sinh vào Quy ước xóm, tổ dân phố. 

Hoạt động quản trị kho dữ liệu điện tử và đổi sổ A0 được triển khai đúng tiến độ theo kế hoạch, đảm bảo nhập đầy đủ số liệu vào kho dữ liệu sau khi rà soát (số liệu chênh lệch giữa trước và sau rà soát là 222 hộ và 900 nhân khẩu). 

Tại tuyến xã Ngọc Động, kết quả giám sát cho thấy: Trạm Y tế quan tâm chỉ đạo và triển khai thực hiện các hoạt động về dân số, đảm bảo cung cấp dịch vụ KHHGĐ thường xuyên cho đối tượng có nhu cầu.

Kết quả thực hiện chỉ tiêu các biện pháp tránh thai của xã đến tháng 9/2021 đạt 118,6% kế hoạch năm. Hoạt động đổi sổ A0 đã rà soát, đối khớp số liệu với 6/6 Trưởng xóm, trong đó chỉ 01 xóm có sự chênh lệch 02 hộ gia đình. Giám sát thực địa tại 02 hộ gia đình chọn ngẫu nhiên có sai lệch 1 số thông tin về họ tên và ngày tháng năm sinh. 

Kết thúc giám sát tại huyện, xã, Trưởng đoàn giám sát - Chi cục trưởng Lục Thị Thắng đề nghị:

Đối với Trung tâm Y tế huyện Hà Quảng: Sớm củng cố, kiện toàn chức danh Lãnh đạo Phòng Dân số, truyền thông và công tác xã hội. Tăng cường triển khai văn bản chính sách về công tác dân số. Đẩy mạnh cung cấp dịch vụ KHGĐ, dịch vụ sàng lọc trước sinh, sơ sinh tại Trung tâm và tại các xã. Chỉ đạo rà soát lại việc cập nhật thông tin dân số của các xóm, tổ dân phố chưa chính xác. 

Đối với Trạm Y tế xã Ngọc Động: Đề nghị chỉnh sửa lại thông tin hộ gia đình trong sổ A0 theo sổ hộ khẩu và rà soát lại thông tin chính xác để phục vụ công tác in sổ A0. Tham mưu trình kiện toàn Ban chỉ đạo công tác dân số xã. Duy trì hoạt động cung cấp dịch vụ KHHGĐ thường xuyên.

https://giadinh.net.vn/dan-so/cao-bang-to-chuc-giam-sat-cong-tac-doi-so-a0-tai-ha-quang-20210916201737494.htm

Báo Vietnamnet; ngày 21/9/2021; Chuẩn bị cho cuộc sống 'chuẩn 5 sao' trong nhà dưỡng lão

Nguyễn Sơn

Thời thế đã thay đổi, nhiều người cao tuổi lựa chọn sống trong nhà dưỡng lão cao cấp để được chăm sóc toàn diện. 

Sống trong nhà dưỡng lão

Ông Lưu Văn Kỳ, 80 tuổi ở huyện Bình Chánh, TP.HCM bàn với con trai về việc sẽ chuyển đến ở nhà dưỡng lão trong thời gian tới. Ông nói: “Tôi có tuổi rồi, ở nhà không làm được gì nữa. Dăm bữa, nửa tháng lại đau ốm, vào viện thuốc thang đủ kiểu, khổ cả mình lẫn con cháu. Chi bằng vào viện dưỡng lão có đội ngũ chuyên chăm sóc, không ảnh hưởng đến ai. Các con yên tâm lo công việc, còn bản thân chẳng phải e dè, ngại phiền phức. Như vậy là vẹn cả đôi đường”.

Anh Lưu Văn Quyết, con trai của ông Kỳ cũng ủng hộ quyết định của bố. Anh chủ động tìm hiểu, đưa các thông tin về những viện dưỡng lão chất lượng cho bố tự chọn.

“Thời đại bây giờ đã khác, cần nhìn thoáng hơn về chuyện nhà dưỡng lão. Không phải cứ phải ở cùng với cha mẹ thì mới gọi là làm tròn đạo hiếu. Cho dù đã để bố tôi không thiếu gì về vật chất khi ở nhà, nhưng ông cụ lại thiếu tinh thần. Các con cháu đi làm, đi học cả ngày, tối về cũng chỉ có một khoảng thời gian ngắn, hơn nữa mỗi thế hệ mỗi khác, khó có tiếng nói chung.  Hiện nay, có nhiều viện dưỡng lão tư nhân chất lượng. Gia đình tôi đã tìm hiểu để tìm cho bố tôi một viện dưỡng lão tốt và phù hợp với điều kiện kinh tế cho phép”, anh Quyết chia sẻ.

Theo thống kê mới nhất, trong số 425 cơ sở chăm sóc người cao tuổi, người khuyết tật và trẻ em, chỉ có khoảng vào chục cơ sở của nhà nước đặc thù chăm sóc người già. Các cơ sở này chỉ đáp ứng tối thiếu dịch vụ chăm sóc cho người cao tuổi. Với cuộc sống ngày càng hiện đại, yêu cầu ngày càng cao, các viện dưỡng lão tư nhân cao cấp được thành lập nhưng số này vẫn còn rất ít.

Tại Hà Nội có khoảng gần 20 nhà dưỡng lão tư nhân, TP.HCM ít hơn, có chưa đến 10 cơ sở. Chi phí dao động mức cơ bản 7-8 triệu đồng/tháng, mức cao cấp từ 15 triệu đồng/tháng.

Ở mức cao cấp, cuộc sống của người cao tuổi đạt “5 sao” như được ở phòng riêng, hưởng chế độ chăm sóc toàn diện hàng ngày và đặc biệt khi ốm đau có người chăm sóc. Một số nhà nhà dưỡng lão ở Hà Nội mức chi phí cao hơn nữa, trên 20 triệu đồng mỗi tháng. Với mức phí này người cao tuổi có thêm dịch vụ đặc biệt, thậm chí có cả dịch vụ trợ niệm, lo đám tang khi qua đời.

Ông Trần Cảnh Tùng, Trưởng phòng Công tác xã hội, Cục Bảo trợ xã hội Việt Nam nhận định, người cao tuổi vào viện dưỡng lão sẽ giúp xã hội phát triển.  Bởi, tốc độ già hóa dân số của Việt Nam được đánh giá là cao nhất châu Á.

Trong dự thảo Chương trình quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2021-2030, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nhận định, Việt Nam vẫn đang trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng: dưới 15 tuổi là 24,3%, từ 15-64 tuổi là 68% và từ 65 tuổi trở lên là 7,7%; tăng 1,3% so với năm 2009 (6,4%).

Tuy nhiên, dân số Việt Nam đang già hóa với tốc độ nhanh chóng. Năm 2014, tỷ lệ người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên chiếm 10,5% dân số, đến năm 2019 chiếm 11,86% dân số. Để đáp ứng tốc độ già hóa dân số trên, viện dưỡng lão đóng vai trò rất quan trọng.

Ông Bùi Anh Trung, giám đốc một viện dưỡng lão tư nhân ở TP.HCM cho rằng, nếu mong muốn một cuộc sống “chuẩn 5 sao” trong nhà dưỡng lão thì mỗi người cần có sự tích lũy tài chính cho bản thân.

Người cao tuổi có thể chuẩn bị tài chính cho mình bằng nhiều cách như: đóng bảo hiểm xã hội, lương hưu, tiền từ con cái… Họ cũng cần chuẩn bị sức khỏe, không nên mang tư tưởng để bệnh rồi mới vào viện dưỡng lão. Hơn nữa, họ cần xác định vào viện dưỡng lão là điều tất yếu, điều đương nhiên chứ không phải vào viện là bị con cái bỏ bê, ruồng rẫy.

“Người cao tuổi cần hiểu, hiện nay, con cái bận rất nhiều việc và phải chăm lo cho thế hệ sau nên vào viện dưỡng lão là giúp cho bản thân mình tốt hơn, giúp con cái, thế hệ sau tốt hơn”, ông Trung nói.

Hiện nay, thế hệ từ 50 tuổi đã có tư tưởng và kế hoạch sau này vào nhà dưỡng lão. Chị Đoàn Ngọc Mai, 52 tuổi ở Hà Nội chia sẻ với VietNamNet: “Vợ chồng tôi xác định không ở với con. Sau này khi về già, nếu một trong hai người chúng tôi còn lại một mình thì vào nhà dưỡng lão cao cấp, sống những ngày còn lại tự do và không phiền ai. Dự kiến, nếu sống 10 năm trong nhà dưỡng lão, tôi cần chuẩn bị 1,5 đến 2 tỷ đồng”.

Xã hội ngày càng phát triển, quan niệm đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão là bất hiếu đã lỗi thời. Nhà dưỡng lão là xu hướng tất yếu trong tương lai.

Cần nâng cấp cơ sở dưỡng lão công lập, tạo điều kiện cho nhà dưỡng lão tư nhân

Ông Bùi Anh Trung phân tích, dân số đất nước đang già đi nhanh chóng và viện dưỡng lão sẽ là điều tất yếu trong việc giải quyết vấn đề này. Ngoài việc phát triển, nâng cao chất lượng các viện dưỡng lão, Nhà nước cần có chính sách để mọi người có thể chuẩn bị cho cuộc sống "chuẩn 5 sao" trong nhà dưỡng lão của mình ngay từ bây giờ.

“Chính phủ cần tham khảo các quốc gia phát triển trong việc triển khai loại hình bảo hiểm dưỡng lão. Từ lâu, Nhật Bản, Mỹ, New Zealand... đã phát triển loại hình bảo hiểm này”, ông nói.

Trong khi đó, TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS) rất tự tin về việc trong tương lai, người cao tuổi sẽ tự ý thức và tình nguyện sử dụng viện dưỡng lão.

Bà cho rằng, Nhà nước cần đa dạng nhà, viện dưỡng lão, tạo điều kiện cho cơ sở tư nhân phát triển. Tuy nhiên, sự phát triển đa dạng ấy phải nằm trong sự điều phối, kiểm soát của Nhà nước.

Đặc biệt, các cơ sở loại này phải đạt chuẩn một số dịch vụ nhất định như: Y tế, dinh dưỡng, không gian sinh sống, sinh hoạt, cơ sở hạ tầng….

Ông Trần Cảnh Tùng cho rằng, để đáp ứng được nhu cầu về viện dưỡng lão trong tương lai, Nhà nước có các chính sách khuyến khích xã hội hóa và xây dựng các cơ sở viện dưỡng lão, nâng cấp các cơ sở của Nhà nước.

Ngoài ra, chính phủ cần “cởi mở” hơn với sự phát triển của các cơ sở dưỡng lão tư nhân, thậm chí sẽ đặt hàng tư nhân và đồng hành cùng họ.

Ông Tùng nêu quan điểm: “Các doanh nghiệp tư nhân sẽ tự xây dựng cơ sở, đầu tư mua sắm trang thiết bị… Ở chiều ngược lại, Nhà nước sẽ hỗ trợ việc chăm sóc cho đối tượng sử dụng dịch vụ tại các cơ sở này. Ví dụ, tư nhân xây dựng cơ sở với công suất phục vụ cho 300 đối tượng, Nhà nước sẽ hỗ trợ vấn đề trợ cấp, công tác chăm sóc cho 300 đối tượng này. Chúng ta sẽ hình thành thế hai bên cùng lo bao gồm Nhà nước và doanh nghiệp tư nhân”.

Ngoài ra, ông cũng nhấn mạnh việc các cơ sở dưỡng lão phải nâng cao chất lượng phục vụ. Theo ông, các viện dưỡng lão, trung tâm chăm sóc sức khỏe người cao tuổi phải đảm bảo yếu tố chăm sóc toàn diện.

Toàn diện ở đây là ngoài việc chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi, các cơ sở còn phải tạo khuôn viên, sân chơi, chỗ giao lưu cho đối tượng sử dụng dịch vụ, làm cho họ cảm nhận được vào viện dưỡng lão thực sự là đi nghỉ dưỡng chứ không chỉ là nơi chăm sóc sức khỏe đơn thuần”, ông Tùng nói.

https://vietnamnet.vn/vn/doi-song/gia-dinh/chuan-bi-cho-cuoc-song-chuan-5-sao-trong-nha-duong-lao-776563.html

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thông điệp