Tìm kiếm tin tức
danh mục
Thông tin cần biết
Liên kết
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Điểm tin Dân số ngày 16/9/2021
Ngày cập nhật 17/09/2021

Trang cpcs.vn; ngày 13/9/2021; Phát động Giải báo chí toàn quốc về công tác dân số

Vũ Ngọc Chương

Các tác phẩm cần phản ánh kết quả, thành tựu công tác dân số 60 năm qua và những khó khăn, thách thức trong giai đoạn tới; phản ánh việc củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ các cơ quan dân số.

Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam vừa tổ chức Lễ phát động Giải báo chí toàn quốc về công tác dân số theo hình thức trực tuyến nhằm động viên kịp thời và tôn vinh tác giả, nhóm tác giả có tác phẩm xuất sắc tiêu biểu về công tác dân số ở Trung ương và địa phương, đồng thời nâng cao số lượng, chất lượng các tác phẩm tuyên truyền về công tác dân số trên các phương tiện thông tin đại chúng trong cả nước.

Đặc biệt, năm 2021 là năm đánh dấu mốc quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển đối với ngành Dân số Việt Nam, kỷ niệm 60 năm ngày thành lập ngành Dân số (26/12/1961 - 26/12/2021).

Theo ông Nguyễn Doãn Tú - Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số (Bộ Y tế), mục tiêu của công tác dân số trong tình hình mới phải là giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bố, chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế - xã hội.

Duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hoá dân số; phân bố dân số hợp lý; nâng cao chất lượng dân số, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững.

"Để đạt mục tiêu đó rất cần sự gắn kết và đồng hành của các nhà báo, phóng viên trong hệ thống báo chí cách mạng Việt Nam, để cùng thực hiện thắng lợi những mục tiêu mới trên chặng đường phía trước của công tác dân số", ông Nguyễn Doãn Tú nhấn mạnh.

Nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội nhà báo Việt Nam mong muốn trong thời gian tới, các tác giả tiếp tục có nhiều tác phẩm hay hơn nữa phản ánh các kết quả, thành tựu công tác dân số 60 năm qua và những khó khăn, thách thức trong giai đoạn tới, phản ánh việc củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ các cơ quan dân số các cấp, tuyên truyền việc thực hiện các chỉ tiêu, kế hoạch công tác dân số hàng năm và các giai đoạn của trung ương, địa phương. Tiếp tục phản ánh những kinh nghiệm, cách làm hay, sáng tạo đạt hiệu quả tốt, có thành tích xuất sắc trong công tác dân số của các địa phương, các ngành, đơn vị, tập thể và cá nhân.

Phó Chủ tịch thường trực Hội nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi cũng đề nghị: Trong hoàn cảnh nhiều khó khăn do đại dịch Covid -19, các cấp Hội nhà báo, các cơ quan báo chí cả nước khẩn trương phổ biến rộng rãi thể lệ Giải, kịp thời động viên các hội viên nhà báo, các cộng tác viên tham gia tích cực; đồng thời các bộ phận của Ban tổ chức triển khai tổ chức các công việc khoa học và chặt chẽ để Giải đạt được các mục đích đề ra.

Tác phẩm dự Giải báo chí toàn quốc về công tác dân số cần thể hiện được các nội dung sau:

- Phản ánh các kết quả, thành tựu công tác dân số giai đoạn 60 năm qua và những khó khăn thách thức trong giai đoạn tới, cụ thể:

+ Phản ánh việc lãnh đạo chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền và sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể đối với công tác dân số của từng cấp.

+ Phản ánh việc củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ các cơ quan dân số các cấp theo tinh thần các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, các Nghị định, Thông tư của Chính phủ. Nêu rõ những kết quả, thành tích đã đạt được, những mặt còn hạn chế, nguyên nhân và giải pháp khắc phục hạn chế, thiếu sót. 

+ Phản ánh việc xây dựng các mô hình hay, cách làm tốt của các địa phương, việc triển khai Nghị Quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 và Nghị Quyết số 137/NQ-CP ngày 31/12/2017 và một số các Đề án thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW được Chính phủ phê duyệt: Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030; Đề án truyền thông dân số đến năm 2031; Đề án điều chỉnh mức sinh giữa các vùng, đối tượng đến năm 2030; Đề án tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh đến năm 2030; Đề án chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi đến năm 2030...

+ Tuyên truyền việc thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch công tác dân số hàng năm và các giai đoạn của trung ương và địa phương.

+  Phản ánh thực trạng, nêu rõ nguyên nhân và giải pháp về tình trạng mức sinh cao, mức sinh thấp, mất cân bằng giới tính khi sinh, tận dụng cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng, tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh, tư vấn và khám sức khỏe trước hôn nhân, ngăn chặn tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết, nâng cao chất lượng dân số, phân bố dân cư hợp lý, lồng ghép các biến dân số vào phát triển kinh tế xã hội; việc thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm chính sách dân số của các cơ quan, đơn vị, và các cá nhân, tập thể.

+ Phản ánh các địa phương, đơn vị, tập thể và cá nhân có những kinh nghiệm, cách làm hay, sáng tạo đạt hiệu quả tốt, có thành tích xuất sắc trong công tác dân số.

Là Giải thưởng quan trọng, có ý nghĩa thiết thực đối với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và tương lai của đất nước ta, các tác phẩm tham dự "Giải báo chí toàn quốc về công tác dân số - năm 2021" là tác phẩm báo chí ở các thể loại thuộc hai loại hình Báo in và Báo điện tử.

- Đối với báo in: Tin, bài, ảnh, phỏng vấn, xã luận, chuyên luận, phóng sự, phóng sự điều tra, ký báo chí, ghi chép.

- Đối với báo điện tử: Tin, bài, phỏng vấn, bình luận, tọa đàm, giao lưu trực tuyến, phóng sự, phóng sự điều tra, ký báo chí, ghi chép.

Thông tin chi tiết về thể lệ cuộc thi: The le giai bao chi dan so 2021.pdf

Tác giả, nhóm tác giả gửi tác phẩm dự thi về một trong hai địa chỉ: phòng 818, Vụ Truyền thông - Giáo dục, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, ngõ 8 Tôn Thất Thuyết, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Email: giaibaochidanso2021@gmail.com. Điện thoại: 0988.367.686 (chuyên viên Nguyễn Thị Thanh Thủy), 0968.121.153 (chuyên viên Vũ Thùy Liên) hoặc Ban Nghiệp vụ - Hội Nhà báo Việt Nam, 59 Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Email: bannghiepvu.hnb@gmail.com. Điện thoại: 0979.820.162 (chuyên viên Võ Thu Nga).

Thời gian nhận tác phẩm dự thi đến hết ngày 10/10/2021 (tính theo dấu bưu điện).

Lễ công bố và trao giải dự kiến được tổ chức tại Hà Nội, trong tháng 12 tới. Thông tin, thể lệ chi tiết được công bố rộng rãi trên các cơ quan báo chí, truyền thông của cả nước; trên báo chí, Cổng thông tin điện tử của Hội Nhà báo Việt Nam (hoinhabaovietnam.vn) và Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (http://www.gopfp.gov.vn).

http://www.cpcs.vn/phat-dong-giai-bao-chi-toan-quoc-ve-cong-tac-dan-so-d38284.html

Cổng TTĐT Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình; ngày 14/9/2021; Phát động Giải báo chí toàn quốc về công tác dân số

http://gopfp.gov.vn/tin-chi-tiet/-/chi-tiet/phat-%C4%91ong-giai-bao-chi-toan-quoc-ve-cong-tac-dan-so-11208-1.html

Kênh TikTok chính thức của Tổng cục Dân số; ngày 15/9/2021; Kết quả cuộc thi “Thử thách làm tuyên truyền viên dân số” sau một tháng phát động.

https://vt.tiktok.com/ZSJEbtHnJ/

Báo Dân sinh; ngày 14/9/2021; Công bố kết quả cuộc thi "Thử thách làm tuyên truyền viên dân số"

https://baodansinh.vn/cong-bo-ket-qua-cuoc-thi-thu-thach-lam-tuyen-truyen-vien-dan-so-20210914164731662.htm

Tạp chí Gia đình Việt Nam; ngày 16/9/2021; Hội KHHGĐ tỉnh Quảng Ninh chống dịch, nâng cao chất lượng các CLB, mô hình chăm sóc SKSS

Nam Anh

Bên cạnh phòng chống dịch Covid - 19, Hội còn duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động của các câu lạc bộ, các mô hình đã được nhân rộng để tuyên truyền kiến thức về chăm sóc SKSS/KHHGĐ.

Đảm bảo an toàn phòng chống dịch

Trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid - 19, Hội KHHGĐ tỉnh Quảng Ninh luôn quán triệt việc tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của Bộ Y tế, chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh Quảng Ninh cùng các cơ quan trên địa bàn.

Trong đó, Hội luôn chủ động, tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Các bệnh nhân đến đều được sàng lọc, đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn.... đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức cho người dân trong thực hiện biện pháp 5K của Bộ Y tế khi đến khám chữa bệnh tại Trung tâm Tư vấn dịch vụ KHHGĐ chăm sóc SKSS của Hội.

Về hoạt động chuyên môn, Bác sĩ Nguyễn Thị Hậu - Chủ tịch Hội KHHGĐ tỉnh Quảng Ninh cho biết, trong những năm qua Hội KHHGĐ tỉnh đã triển khai nhiều chuyến công tác, buổi tuyên truyền lưu động tới vùng sâu, vùng xa, nơi có nhiều phụ nữ là đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống.

Nhằm hỗ trợ cho người dân các vùng khó khăn nâng cao kiến thức về các biện pháp phòng tránh thai, tình dục an toàn, phá thai an toàn, Hội KHHGĐ tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng và tổ chức các mô hình Đội Giáo dục viên đồng đẳng, CLB Vị thành niên với giáo dục tình dục toàn diện...

Các mô hình Đội tuyên truyền viên của Hội cũng tích cực hoạt động tư vấn, truyền thông về chăm sóc SKSS, KHHGĐ lồng ghép trong các buổi sinh hoạt thôn, xã, các chiến dịch chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình phòng chống HIV /AIDS... của địa phương thu hút đông đảo người dân tham dự.

Triển khai mô hình cung cấp dịch vụ lưu động thân thiện về chăm sóc SKSS/KHHGĐ cho người dân vùng khó khăn, dân tộc thiểu số tại một số huyện trên địa bàn. Tổ chức những buổi truyền thông lồng ghép trong các chuyến cung cấp dịch vụ lưu động thân thiện: Khám phát hiện và điều trị bệnh phụ khoa, cấp bao cao su, thuốc tránh thai miễn phí; đặt vòng tránh thai, phát tờ rơi có nội dung chăm sóc SKSS/KHHGĐ,phòng bệnh phụ khoa, HIV/AIDS….

Thời gian qua, mô hình Trung tâm Tư vấn dịch vụ KHHGĐ chăm sóc SKSS của Hội cũng đã phát huy được hiệu quả rõ nét. Các hoạt động tư vấn về SKSS cho phụ nữ, đặc biệt là các đối tượng trẻ vị thành niên mang thai ngoài ý muốn đều được diễn ra trực tiếp tại Trung tâm. Đội ngũ cán bộ y tế tại Trung tâm có trình độ chuyên môn vững vàng, được trang bị đầy đủ các trang thiết bị, đáp ứng được nhu cầu của khách hàng.

Trung tâm hoạt động theo nguyên tắc tạo mọi điều kiện tốt nhất cho khách hàng, tăng cường các hoạt động tư vấn, truyền thông có nội dung phù hợp với từng cá nhân, điều kiện của khách hàng.

Ngoài ra, Hội KHHGĐ tỉnh Quảng Ninh còn tăng cường phối kết hợp với các sở, ban ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội như Hội Liên hiệp phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Liên Đoàn lao động, Đài phát thanh truyền hình, Phòng Y tế , Trung tâm y tế các huyện, các tổ chức xã hội, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh, các doanh nghiệp, Công đoàn các khu công nghiệp để đưa dịch vụ của Hội tới công nhân lao động, người dân vùng khó khăn, dân tộc thiểu số từ đó đã tăng cường được sức mạnh tổng hợp của Hội từ Tỉnh tới cơ sở.

Nâng cao chất lượng chuyên môn

Bác sĩ Nguyễn Thị Hậu - Chủ tịch Hội KHHGĐ tỉnh Quảng Ninh cho biết, để tiếp tục thực hiện tốt vai trò và nhiệm vụ trong thời gian tới, Hội sẽ thường xuyên kiện toàn và đẩy mạnh công tác bồi dưỡng cán bộ các cấp ở chi hội cơ sở, chú ý tới các hoạt động của các mô hình đã được nhân rộng của Hội để ngày càng thu hút được sự tham gia của các hội viên.

Để những tuyên truyền viên hoạt động, gắn bó lâu dài, Hội đã lựa chọn những tuyên truyền viên theo tiêu chí là những người có trách nhiệm, tâm huyết và có uy tín trong cộng đồng như: Chủ tịch Hội LHPN, trạm trưởng trạm y tế, cán bộ dân số…

Nâng cao kiến thức cho đội tuyên truyền viên , hội viên kỹ năng tư vấn, truyền thông về chăm sóc SKSS/KHHGĐ, các biện pháp tránh thai để tuyên truyền trong cộng đồng, góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong chăm sóc SKSS bản thân và gia đình.

Hội cũng sẽ đẩy mạnh chất lượng hoạt động tư vấn, truyền thông cho lứa tuổi vị thành niên trong lĩnh vực chăm sóc SKSS, sức khỏe tình dục. Mở rộng các hoạt động truyền thông, tư vấn và cung cấp dịch vụ thân thiện tới một số đơn vị trong tỉnh.

Đặc biệt, Hội KHHGĐ tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động của các câu lạc bộ, các mô hình đã được nhân rộng, thông qua hoạt động của các câu lạc bộ, các mô hình để tuyên truyền kiến thức về chăm sóc SKSS/KHHGĐ, phòng chống bệnh lây truyền qua đường sinh sản, HIV/AIDS nhằm thu hút các tầng lớp nhân dân đặc biệt là lứa tuổi vị thành niên, thanh niên.

Cùng với đó, Hội sẽ chú trọng nâng cao uy tín hoạt động cung cấp dịch vụ tại Trung tâm Tư vấn dịch vụ KHHGĐ chăm sóc SKSS tỉnh Quảng Ninh bằng cách đầu tư trang thiết bị, mở rộng các dịch vụ có chất lượng.

Phát huy kỹ năng giao tiếp, thái độ ân cần chu đáo giúp khách hàng yên tâm, tin cậy khi đến nhận dịch vụ nhằm thu hút khách hàng, tăng nguồn thu tạo điều kiện trang trải cho các hoạt động của Hội KHHGĐ tỉnh Quảng Ninh và cán bộ y tế công tác tại Trung tâm.

https://giadinhonline.vn/hoi-khhgd-tinh-quang-ninh-chong-dich-nang-cao-chat-luong-cac-clb-mo-hinh-cham-soc-skss-d174184.html

Báo Gia đình và Xã hội; ngày 15/9/2021; Quảng Ninh: Tập huấn phòng ngừa tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Nam Cường

Nhằm thực hiện mục tiêu ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết ở vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn, ngành dân số Quảng Ninh đã tổ chức chương trình tập huấn mô hình phòng ngừa tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống năm 2021.

Theo Chi cục Dân số tỉnh Quảng Ninh, năm 2021, ngành dân số triển khai tập huấn về phòng ngừa tảo hôn, hôn nhân cận huyết ở 12 xã mới tại các huyện Vân Đồn, TP Hạ Long, TP Cẩm Phả và TX Đông Triều.

Thành phần tham gia các lớp tập huấn chủ yếu là Ban chủ nhiệm, thành viên câu lạc bộ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, cộng tác viên dân số, các ban, ngành, đoàn thể có liên quan.

Các lớp tập huấn sẽ tập trung vào giới thiệu ý nghĩa, sự cần thiết của việc triển khai mô hình phòng ngừa tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, nguyên nhân hậu quả, giải pháp khắc phục tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Đồng thời phổ biến chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về dân tộc ít người, xây dựng các kế hoạch hoạt động, tổ chức cụ thể.

Qua buổi tập huấn, lãnh đạo, chính quyền các ban ngành đoàn thể ở địa phương và cộng đồng dân cư, quan tâm sẽ có thêm thông tin thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh về Đề án Giảm thiểu tình trạng tạo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2025.

Qua thời gian triển khai, bước đầu các địa phương đều ghi nhận tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn đã từng bước giảm.

https://giadinh.net.vn/dan-so/quang-ninh-tap-huan-phong-ngua-tao-hon-va-hon-nhan-can-huyet-thong-20210915202619219.htm

Báo Dân tộc và Phát triển; ngày 14/9/2021; Kiểm soát bệnh tật trước sinh và sơ sinh: Điều không dễ ở vùng DTTS và miền núi

Hoàng Quý

Thời gian qua, việc triển khai Đề án “Sàng lọc trước sinh và sơ sinh” đã giúp phát hiện, can thiệp sớm bệnh tật ở thai nhi và sơ sinh để những trẻ em được sinh ra hoàn toàn khỏe mạnh, tránh được những hậu quả nặng nề do dị tật bẩm sinh, giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội, nâng cao chất lượng dân số cả nước. Tuy nhiên, trên thực tế, việc thực hiện Đề án này vẫn còn gặp không ít khó khăn, đặc biệt là tại vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi.

Hiệu quả thiết thực

Niềm vui vô bờ đã đến với gia đình chị Nguyễn Thị Thảo, xã Phú Hòa, huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang) khi đứa con đầu lòng của chị được sinh ra khỏe mạnh. Chị Thảo cho biết, trong thời kỳ mang thai và đi khám định kỳ, bác sỹ đã phát hiện cả 2 vợ chồng chị đều mang gen bệnh thiếu máu huyết tán, khả năng con sinh ra mang gen bệnh lên đến 75%. Thế nhưng nhờ quá trình xét nghiệm, chọn lọc trước sinh và sự tư vấn tận tình của bác sỹ, vợ chồng chị Thảo đã sinh được con khỏe mạnh.

Được biết, Đề án sàng lọc trước sinh và sơ sinh được triển khai tại tỉnh Tuyên Quang từ năm 2013. Đến nay, Đề án đã đi vào nền nếp với các hoạt động như: Đào tạo nâng cao kỹ năng thực hiện chuyên môn, kỹ thuật cho trên 1.500 cán bộ y sỹ sản nhi và Khoa Sản Trung tâm Y tế các huyện, cán bộ chuyên trách dân số xã và cộng tác viên thôn, bản của 141/141 xã, phường, thị trấn về Đề án sàng lọc trước sinh và sơ sinh; kỹ năng tuyên truyền tư vấn, các phương pháp lấy máu gót chân cho trẻ sơ sinh… cung cấp test thử sàng lọc phát hiện bệnh bẩm sinh cho trẻ mới sinh tại các Trạm Y tế và Khoa Sản Trung tâm Y tế các huyện, Bệnh viện Đa khoa tỉnh. 

Đồng thời, Đề án đã trang bị 4 máy siêu âm 2D cho Trung tâm Y tế các huyện Na Hang, Chiêm Hóa, Hàm Yên, Sơn Dương và 1 máy siêu âm màu 3D cho huyện Chiêm Hóa để phục vụ hoạt động chuyên môn.

Tại Điện Biên, từ khi bắt đầu triển khai Đề án, Ngành Y tế tỉnh đã phối hợp với Bệnh viện Phụ sản Trung ương tổ chức hội thảo triển khai thực hiện và tập huấn kỹ năng truyền thông tư vấn, kỹ thuật lấy máu gót chân cho cán bộ y tế và cán bộ dân số. Song song với đó, công tác tuyên truyền, tư vấn, vận động đã được thực hiện bằng nhiều hình thức đa dạng; nội dung tập trung làm rõ lợi ích, các bệnh lý, các dịch vụ liên quan…

 Đối tượng tuyên truyền, tư vấn, vận động hướng đến Nhân dân tại các thôn bản; đặc biệt quan tâm các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, đối tượng có nguy cơ sinh con dị tật (phụ nữ mang thai trên 35 tuổi; có tiền sử sảy thai, thai chết lưu…).

Theo bà Vũ Thị Thùy, Chi cục Trưởng, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Điện Biên, hoạt động tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật sơ sinh chính thức được triển khai tại tỉnh Điện Biên từ năm 2013, với nhiều nội dung hoạt động. Nhờ đó, mà tỷ lệ phụ nữ được sàng lọc trước sinh tăng lên từ 2,03% (2013) thành 34,4% (2020). Tỷ lệ trẻ sơ sinh được sàng lọc sơ sinh tăng lên từ 3,98% (2013) thành 40,5% (2020)… 

Vẫn còn nhiều khó khăn

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai Đề án vẫn gặp không ít hạn chế, khó khăn. Theo chia sẻ của bà Vũ Thị Thùy, việc sàng lọc sơ sinh tại tỉnh Điện Biên chủ yếu thực hiện theo nguồn miễn phí và chỉ sàng lọc phát hiện được 2 loại bệnh (thiếu men G6PD và suy giáp trạng bẩm sinh). Dịch vụ tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh tuy đã được xã hội hóa, nhưng tại Trạm Y tế xã mới chỉ thực hiện được việc khám thai và tư vấn, mà chưa thực hiện dịch vụ kỹ thuật sàng lọc chẩn đoán bệnh tật, dị tật bẩm sinh; trong khi điều kiện đi lại của người dân từ thôn bản đến xã, huyện còn nhiều khó khăn…

Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, trung bình mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 1,4 triệu trẻ em được sinh ra, trong đó có 1,5 - 2% số trẻ em mắc phải các dị tật bẩm sinh. Mặc dù, sàng lọc trước sinh và sơ sinh rất quan trọng, nhưng hiện chỉ có một số thành phố lớn, như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đạt tỷ lệ thực hiện cao. Còn tại các vùng nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa, miền núi, nhiều sản phụ chưa quan tâm đến tầm soát dị tật thai nhi. Tính trung bình cả nước mới có khoảng 30% số trẻ em được sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh.

Theo ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), ngành Dân số đang xây dựng Đề án xã hội hóa dịch vụ tầm soát, chẩn đoán sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh. Qua đó, huy động được các cơ sở khám, chữa bệnh công lập và ngoài công lập, các cơ sở y tế và các tổ chức phi Chính phủ tham gia cung cấp dịch vụ sàng lọc trước sinh và sơ sinh có chất lượng. Mặt khác, đề xuất bảo hiểm y tế thanh toán chi phí khám, chữa bệnh đối với một số bệnh được sàng lọc, chẩn đoán, để người dân dễ dàng được tiếp cận.

https://baodantoc.vn/kiem-soat-benh-tat-truoc-sinh-va-so-sinh-dieu-khong-de-o-vung-dtts-va-mien-nui-1631246199196.htm

Báo Quảng Ninh; ngày 14/9/2021; Nâng cao chất lượng dân số

Cầm Khuê

Công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) của Quảng Ninh những năm qua có bước chuyển biến rõ rệt. Với nhiều mô hình, giải pháp thực hiện, chất lượng dân số trên địa bàn ngày càng được nâng cao.

  Hằng năm, Quảng Ninh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về công tác dân số, mới nhất là Kế hoạch Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trên địa bàn tỉnh đến năm 2030; Kế hoạch thực hiện chương trình mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030; Chương trình củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ KHHGĐ đến năm 2030; Đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong cùng dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Ninh năm 2021...

Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh với nhiều hình thức như: Tuyên truyền qua hệ thống loa đài, trên các phương tiện thông tin đại chúng và trực tiếp...

Các ngành, địa phương liên quan đều triển khai những hoạt động thiết thực để nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn. Công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân được thực hiện tốt. Năng lực y tế dự phòng đáp ứng việc chủ động kiểm soát chặt, ngăn ngừa có hiệu quả nhiều dịch bệnh nguy hiểm. Công tác khám bệnh, chữa bệnh có nhiều tiến bộ vượt bậc. Số giường bệnh đạt 54,6 giường bệnh/vạn dân. Nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật cao của tuyến trên được áp dụng thực hiện ngay tại cơ sở, mang lại hiệu quả cao, giảm tỷ lệ chuyển tuyến, và tiết kiệm chi phí xã hội. Tỷ lệ BHYT toàn tỉnh đạt 92,6%, cao hơn so với mức chung của cả nước.

Nhờ đó, công tác chăm sóc SKSS cho người dân được thực hiện tốt. Các bệnh viện thường xuyên tổ chức đoàn tình nguyện đến khám, chữa bệnh cho bà con ở những xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo trên địa bàn. Đồng thời, các cơ sở y tế cũng tăng cường hoạt động tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh. 6 tháng năm 2021, toàn tỉnh tổ chức hơn 1.000 buổi tư vấn lồng ghép tại các trạm y tế nhân Ngày tiêm chủng mở rộng cho hơn 18.500 lượt bà mẹ mang thai. Trong 6 tháng, có 9.319/10.102 bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh, có 3.729 bà mẹ mang thai được tầm soát ít nhất 4 loại bệnh tật bẩm sinh phổ biến; trong 7.855 trẻ mới sinh, có 4.666 trẻ được sàng lọc sơ sinh.

Bên cạnh công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân, các ngành, địa phương còn quan tâm, đẩy mạnh các mô hình nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn, như: Chăm sóc SKSS vị thành niên, chăm sóc người cao tuổi, kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân, giảm thiểu việc mất cân bằng giới tính, tư vấn và chăm sóc sức khỏe tiền hôn nhân, nâng cao chất lượng các vùng dân tộc thiểu số. Tỉnh tiếp tục duy trì hoạt động CLB Liên thế hệ, nhằm chăm sóc, phát huy vai trò của người cao tuổi dựa vào cộng đồng; thực hiện khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn, không có thẻ BHYT. Đã có 67.198/189.252 người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ trong 6 tháng đầu năm 2021.

Hoạt động tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân cũng được triển khai thực hiện tốt. 177 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đều duy trì sinh hoạt CLB Tiền hôn nhân. 2.958 cặp kết hôn trong 6 tháng đầu năm thì có 2.737 cặp được tư vấn tiền hôn nhân, 1488 cặp khám sức khỏe tiền hôn nhân. Việc giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cũng được các địa phương, nhất là khu vực đồng bào dân tộc thiểu số triển khai mạnh với hình thức tuyên truyền phong phú.

Nhờ các hoạt động nói trên, chất lượng dân số trên địa bàn ngày càng được nâng cao. Tuổi thọ trung bình của người dân Quảng Ninh hiện nay khoảng 74 tuổi; tỷ suất chết trẻ em dưới 1 tuổi chỉ còn 2,23‰. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân của trẻ em dưới 5 tuổi dưới 12%. Bên cạnh những kết quả tích cực, trên địa bàn tỉnh vẫn còn những hạn chế như tỷ lệ mất cân bằng giới tính cao, do vậy hiện nay Quảng Ninh đang tiếp tục có những giải pháp đồng bộ nhằm hạn chế sự mất cân bằng giới tính, đảm bảo chất lượng dân số ngày một nâng cao.

https://baoquangninh.com.vn/nang-cao-chat-luong-dan-so-2940058.html

Báo Hà Tĩnh; ngày 14/9/2021; Hơn 2.000 cán bộ, cộng tác viên dân số Hà Tĩnh tích cực tham gia phòng dịch COVID-19

Minh Khánh

Vừa đảm bảo công tác truyền thông dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS/KHHGĐ), đội ngũ cán bộ, cộng tác viên dân số ở Hà Tĩnh vừa tích cực góp sức phòng, chống dịch COVID-19 trên từng địa bàn dân cư.

Nhiều tháng nay, chị Trần Thị Thúy Mơ - cán bộ phụ trách dân số Trạm Y tế xã Tân Lâm Hương (Thạch Hà) thường xuyên được điều động tham gia công tác phòng dịch cùng các đồng nghiệp ở địa phương.

Bên cạnh hoàn thành những công việc liên quan đến công tác DS/KHHGĐ, với chuyên môn của một điều dưỡng, tốt nghiệp Trường Cao đẳng Y tế Hà Tĩnh, chị Mơ đã tích cực tham gia lấy mẫu xét nghiệm, truy vết các trường hợp liên quan đến ca bệnh trên địa bàn, hướng dẫn người dân khai báo y tế...

“Có những thời điểm, khi huyện Thạch Hà xuất hiện nhiều F0, tôi và một số đồng nghiệp ở trạm y tế được điều động tham gia cùng lực lượng chức năng đi lấy mẫu, truy vết xuyên đêm. Dù vất vả nhưng các chị em vẫn luôn động viên nhau cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao” - chị Mơ cho biết.

Là cửa ngõ phía Nam Hà Tĩnh, thời gian gần đây, thị xã Kỳ Anh thường xuyên đón một lượng lớn người về từ các tỉnh, thành có dịch qua các chốt kiểm soát trên địa bàn. Thế nên hầu hết cán bộ dân số của các xã, phường được huy động bổ sung cho lực lượng tại chốt để kịp thời lấy mẫu, cập nhật lịch trình đi, đến của công dân.

Một số cán bộ dân số còn tham gia cùng lực lượng chức năng bám trực, khai thác thông tin y tế của người và phương tiện khi đi qua các chốt kiểm soát dịch trên địa bàn.

Chị Lê Thị Lý - Trưởng phòng Dân số - Truyền thông, Trung tâm Y tế thị xã Kỳ Anh chia sẻ: “Nhân lực ít trong khi khối lượng công việc liên quan đến phòng, chống dịch trên địa bàn quá nhiều nên chúng tôi đều ý thức làm việc rất tích cực, nghiêm túc. Nhiều chị em có con nhỏ nhưng vẫn bám chốt ngày đêm, nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ”.

Không chỉ cán bộ dân số các huyện, thị, xã, phường tham gia phòng chống dịch mà đội ngũ cộng tác viên dân số - y tế thôn bản trên địa bàn toàn tỉnh cũng trở thành những nhân tố tích cực trong phòng dịch tại cộng đồng dân cư.

Đảm nhận nhiệm vụ Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ kiêm cộng tác viên dân số của tổ dân phố 7 chưa lâu, trong bối cảnh thời điểm dịch bệnh bùng phát, chị Đậu Thị Hồng Chín (phường Bắc Hà, TP Hà Tĩnh) đã trở thành một tuyên truyền viên tích cực.

Bên cạnh nhiệm vụ tuyên truyền công tác DS/KHHGĐ đến người dân trong tổ dân phố, chị Chín còn là thành viên Tổ giám sát và tuyên truyền phòng, chống COVID-19 tại cộng đồng. “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người, tôi cùng các đồng chí trong liên đoàn cán bộ tổ dân phố, chi hội phụ nữ thường xuyên giám sát người dân đi về từ vùng có dịch; tuyên truyền, hướng dẫn bà con thực hiện nghiêm túc quy định phòng dịch của cơ quan chức năng” - chị Chín cho biết.

Ngoài ra, chị Chín còn vận động chị em hội viên phụ nữ quyên góp tiền, thực phẩm và ngày công nấu hàng trăm suất ăn hỗ trợ người dân trong khu cách ly, cán bộ làm nhiệm vụ tại các điểm trực chốt trên địa bàn.

Trước bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, trong hơn 1 năm qua, hơn 2.000 cán bộ, cộng tác viên dân số - y tế thôn bản của 100% xã, phường, tổ dân phố, thôn trên địa bàn tỉnh đều tham gia vào công tác phòng, chống dịch bằng nhiều hình thức: trực tiếp phối hợp cùng ngành chức năng thực hiện các công việc liên quan đến chuyên môn y tế; tuyên truyền, vận động người dân phòng dịch; tham gia các tổ nhóm phòng, chống dịch tại địa bàn dân cư...

Cùng với đó, cán bộ, nhân viên ngành dân số Hà Tĩnh cũng hưởng ứng lời kêu gọi ủng hộ phòng, chống dịch của các cấp ngành. Mỗi cán bộ, nhân viên đã đóng góp một ngày lương; quyên góp hàng tấn lương thực, nhu yếu phẩm cùng các đơn vị trong Công đoàn ngành Y tế Hà Tĩnh gửi đến người dân các khu cách ly trên địa bàn tỉnh và người dân các tỉnh miền Nam bị ảnh hưởng dịch bệnh.

https://baohatinh.vn/y-te/hon-2-000-can-bo-cong-tac-vien-dan-so-ha-tinh-tich-cuc-tham-gia-phong-dich-covid-19/219214.htm

Báo Tiền phong; ngày 10/9/2021; Bị phạt 7,5 triệu đồng vì lên mạng xã hội đăng tin phải kết hôn trước 30 tuổi

TPO - Ông C.V.T (ngụ Bình Dương) lên mạng xã hội đăng tin tuyên bố luật có hiệu lực chính thức về việc buộc người dân phải kết hôn trước 30 tuổi. Với hành vi thông tin sai sự thật, ông T. bị phạt 7,5 triệu đồng.

Ngày 10/9, Công an huyện Dầu Tiếng (Bình Dương) cho biết vừa tống đạt quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông C.V.T. (SN 1978) về hành vi sử dụng mạng xã hội Facebook chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang dư luận.

Trước đó, ông T. đã dùng tài khoản mạng xã hội Facebook “Việt Thủy” chia sẻ thông tin lên trang cá nhân với nội dung “Chính thức: Phạt từ 5 - 10 triệu đồng nếu Nam, Nữ kết hôn muộn sau 30 tuổi” kèm dòng trạng thái “Một thiên đường... ”.

Thông tin của ông T. khiến nhiều người khác chia sẻ gây hoang mang, Công an huyện Dầu Tiếng tiến hành xác minh và mời ông T. lên làm việc. Qua quá trình đấu tranh, ông T. đã thừa nhận vi phạm của mình.

Ngoài ra, công an còn phát hiện Facebook “Việt Thủy” có những bình luận sai sự thật, vu khống về việc trợ cấp do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, tiêm ngừa vắc xin, chia sẻ nhiều thông tin có nội dung liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 từ các trang mạng nước ngoài như RFA, Trương Quốc Huy - N10Tv... gây dư luận xấu.

Công an huyện Dầu Tiếng đã tham mưu cơ quan chức năng ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông T. số tiền 7,5 triệu đồng và buộc đương sự làm cam kết không tái phạm.

https://tienphong.vn/bi-phat-7-5-trieu-dong-vi-len-mang-xa-hoi-dang-tin-phai-ket-hon-truoc-30-tuoi-post1374810.tpo

 

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thông điệp