Tìm kiếm tin tức
danh mục
Thông tin cần biết
Liên kết
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Điểm tin Dân số ngày 07/9/2021
Ngày cập nhật 07/09/2021

Báo Gia đình và Xã hội; ngày 07/9/2021; Giải báo chí toàn quốc về công tác Dân số: Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, hành động của cả hệ thống chính trị và người dân, nâng cao chất lượng dân số

Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình đã tổ chức Lễ phát động Giải báo chí toàn quốc về công tác dân số theo hình thức trực tuyến. 

Tham dự buổi lễ tổ chức ngày 6/9 có nhà báo Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, ông Nguyễn Doãn Tú - Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số (Bộ Y tế).

Rất cần sự gắn kết và đồng hành của các nhà báo

Công tác dân số là yếu tố quan trọng hàng đầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây là nhiệm vụ chiến lược, vừa cấp thiết vừa lâu dài, là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân. Chính sách dân số luôn là chính sách lớn của Đảng và Nhà nước.

Trong 60 năm qua, công tác dân số đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Trong đó, công tác tuyên truyền, giáo dục nhận thức về dân số - kế hoạch hóa gia đình, dân số và phát triển của các cấp, các ngành và toàn dân đã có bước đột phá.

Báo chí không chỉ đóng vai trò là nguồn thông tin phản ánh mà còn là "bộ lọc" thông tin, kiến giải những vấn đề mang tính bản chất từ hiện tượng xã hội để đảm bảo thực hiện tốt việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân số qua nhiều thời kỳ.

Đặc biệt, năm 2021 là năm đánh dấu mốc quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển đối với ngành dân số Việt Nam, kỷ niệm 60 năm ngày thành lập ngành Dân số (26/12/1961 – 26/12/2021). 

Theo Ban tổ chức cuộc thi, việc tổ chức "Giải báo chí toàn quốc về công tác dân số" với mục tiêu động viên kịp thời và tôn vinh tác giả, nhóm tác giả có tác phẩm xuất sắc tiêu biểu về công tác dân số ở Trung ương và địa phương, đồng thời nâng cao số lượng, chất lượng các tác phẩm tuyên truyền về công tác dân số trên các phương tiện thông tin đại chúng trong cả nước.

Phát biểu tại Lễ phát động, ông Nguyễn Doãn Tú - Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số (Bộ Y tế) chia sẻ: Mục tiêu của công tác dân số trong tình hình mới phải là giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bố, chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế - xã hội.

Duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hoá dân số; phân bố dân số hợp lý; nâng cao chất lượng dân số, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững.

"Để đạt mục tiêu đó rất cần sự gắn kết và đồng hành của các nhà báo, phóng viên trong hệ thống báo chí cách mạng Việt Nam, để cùng thực hiện thắng lợi những mục tiêu mới trên chặng đường phía trước của công tác dân số", ông Nguyễn Doãn Tú nhấn mạnh.

Giải thưởng quan trọng, có ý nghĩa thiết thực đối với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước

Trong nhiều năm qua, Hội Nhà báo Việt Nam đã phối hợp với Tổng cục Dân số tổ chức một số Giải báo chí toàn quốc về công tác dân số và đều mang lại những kết quả tốt đẹp. Trong điều kiện có nhiều khó khăn, phức tạp mới, Lễ phát động Giải năm nay là một lễ phát động đặc biệt, được tổ chức theo hình thức ghi hình trực tiếp, không mời đại biểu tham dự.

Mặc dù sẽ gặp những khó khăn hơn trong công tác tổ chức, nhưng Ban tổ chức tin tưởng "Giải báo chí toàn quốc về công tác dân số năm 2021" chắc chắn sẽ vẫn nhận được sự hưởng ứng rộng rãi của các nhà báo, các cộng tác viên cả nước vì đây là Giải thưởng quan trọng, có ý nghĩa thiết thực đối với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và tương lai của đất nước ta.

Nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội nhà báo Việt Nam nhấn mạnh: "Đây là một hoạt động tuyên truyền những chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước về công tác dân số, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, hành động của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân; nâng cao số lượng, chất lượng các tác phẩm tuyên truyền về công tác dân số trên các phương tiện thông tin đại chúng của cả nước; động viên kịp thời và tôn vinh tác giả, nhóm tác giả có tác phẩm xuất sắc tiêu biểu về công tác dân số ở Trung ương và địa phương".

Nhà báo Hồ Quang Lợi mong muốn trong thời gian tới, các tác giả tiếp tục có nhiều tác phẩm hay hơn nữa phản ánh các kết quả, thành tựu công tác dân số 60 năm qua và những khó khăn, thách thức trong giai đoạn tới, phản ánh việc củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ các cơ quan dân số các cấp, tuyên truyền việc thực hiện các chỉ tiêu, kế hoạch công tác dân số hàng năm và các giai đoạn của trung ương và địa phương.

Tiếp tục phản ánh những kinh nghiệm, cách làm hay, sáng tạo đạt hiệu quả tốt, có thành tích xuất sắc trong công tác dân số của các địa phương, các ngành, đơn vị, tập thể và cá nhân.

"Ban tổ chức mong muốn có thêm nhiều tác phẩm báo chí phản ánh thực trạng, nêu rõ nguyên nhân và giải pháp về tình trạng mức sinh cao, mức sinh thấp, mất cân bằng giới tính khi sinh, tận dụng cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng,... nâng cao chất lượng dân số, phân bố dân cư hợp lý, lồng ghép các biến động dân số vào phát triển kinh tế xã hội; việc thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm chính sách dân số của các cơ quan, đơn vị, và các cá nhân, tập thể", nhà báo Hồ Quang Lợi chia sẻ.

Phó Chủ tịch thường trực Hội nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi cũng đề nghị: Trong hoàn cảnh nhiều khó khăn do đại dịch Covid -19, các cấp Hội nhà báo, các cơ quan báo chí cả nước khẩn trương phổ biến rộng rãi thể lệ Giải, kịp thời động viên các hội viên nhà báo, các cộng tác viên tham gia tích cực; đồng thời các bộ phận của Ban tổ chức triển khai tổ chức các công việc khoa học và chặt chẽ để Giải đạt được các mục đích đề ra.

Tham dự "Giải báo chí toàn quốc về công tác dân số - năm 2021" là tác phẩm báo chí ở các thể loại thuộc hai loại hình Báo in và Báo điện tử. Tác phẩm dự Giải được đăng tải từ ngày 25/10/2017 đến hết ngày 10/10/2021. Thời gian tiếp nhận bài: Đến ngày 10/10/2021 (tính theo dấu bưu điện).

Lễ công bố và trao Giải được tổ chức tại Hà Nội, trong tháng 12 năm 2021. Thông tin về Giải sẽ được công bố rộng rãi trên các cơ quan báo chí, truyền thông của cả nước và trên báo chí, Cổng thông tin điện tử Hội Nhà báo Việt Nam và Tổng cục DS-KHHGĐ.

https://giadinh.net.vn/dan-so/giai-bao-chi-toan-quoc-ve-cong-tac-dan-so-tao-su-chuyen-bien-manh-me-ve-nhan-thuc-hanh-dong-cua-ca-he-thong-chinh-tri-va-nguoi-dan-nang-cao-chat-luong-dan-so-20210907091052947.htm?fbclid=IwAR0AhZkPl6qjq4agXsdFEHqDRT-N1hCoCfA_lVuptCwW96p8P8kXYS6yu7g

Truyền hình Công luận; ngày 06/9/2021; Phát động giải báo chí toàn quốc về công tác dân số

Sáng 6/9, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình phát động Giải báo chí toàn quốc về công tác dân số.

https://tv.congluan.vn/phat-dong-giai-bao-chi-toan-quoc-ve-cong-tac-dan-so-post154471.html?zarsrc=30&utm_source=zalo&utm_medium=zalo&utm_campaign=zalo

Báo Nhà báo và Công luận, ngày 06/9/2021; Mong muốn có thêm nhiều tác phẩm báo chí phản ánh cách làm hay, sáng tạo về công tác dân số

Sáng 6/9, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình đã tổ chức Lễ phát động Giải báo chí toàn quốc về công tác dân số theo hình thức trực tuyến.

https://congluan.vn/mong-muon-co-them-nhieu-tac-pham-bao-chi-phan-anh-cach-lam-hay-sang-tao-ve-cong-tac-dan-so-post154454.html

Báo Nhà báo và Công luận, ngày 31/8/2021; Phát động Giải báo chí về công tác dân số theo hình thức trực tuyến

Nguyên Phong

Giải báo chí toàn quốc về công tác Dân số và Giải báo chí tuyên truyền về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2021 sẽ được phát động bằng hình thức trực tuyến.

Ban Nghiệp vụ - Hội Nhà báo Việt Nam vừa có tờ trình số 213/TTr-BNVHNBVN về phát động Giải báo chí toàn quốc về công tác Dân số và Giải báo chí tuyên truyền về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2021.

Theo Kế hoạch lễ phát động hai giải báo chí này được thực hiện trong tháng 8 năm 2021. Tuy nhiên do thành phố Hà Nội và nhiều địa phương trên cả nước đang thực hiện cách ly toàn xã hội để phòng, chống dịch bệnh COVID-19, việc tổ chức phát động trực tiếp không thực hiện được.

Để việc triển khai hai giải báo chí tới hội viên nhà báo, phóng viên trong cả nước, Ban Nghiệp vụ và Văn phòng Hội thống nhất trình Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam phê duyệt điều chỉnh kế hoạch, tổ chức lễ phát động theo hình thức: Ghi hình trường quay, với sự hỗ trợ của Truyền hình Công luận – Báo Nhà báo và Công luận.

Đồng thời tuyên truyền, quảng bá video clip lễ phát động kèm theo thể lệ giải trên các phương tiện truyền thông đại chúng, qua mạng internet.

https://congluan.vn/phat-dong-giai-bao-chi-ve-cong-tac-dan-so-theo-hinh-thuc-truc-tuyen-post153273.html

Tạp chí Thời đại; ngày 07/9/2021; Thay đổi các chuẩn mực xã hội đối với lựa chọn giới tính khi sinh

Thu Hoài

Để nâng cao nhận thức và góp phần giảm thiểu các thực hành có hại gây ra tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, Trung tâm mghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới-gia đình-phụ nữ và vị thành niên (CSAGA) cùng với Cơ quan hợp tác và phát triển Na Uy (NORAD); Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) đồng tổ chức cuộc thi ảnh “Là con gái để toả sáng" nhằm tôn vinh vai trò, giá trị của phụ nữ và trẻ em gái đối với gia đình và xã hội, đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19.

Mục đích của cuộc thi là tôn vinh giá trị, vai trò của phụ nữ và trẻ em gái đối với gia đình và xã hội, đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19, từ đó góp phần giảm thiểu các thực hành có hại liên quan đến lựa chọn giới tính khi sinh.

Cuộc thi nằm trong hợp phần hoạt động “Xây dựng và triển khai các đề xuất truyền thông sáng tạo nhằm thay đổi các chuẩn mực xã hội đối với lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới (GBSS) trên phạm vi toàn quốc”. Cuộc thi nhận được sự hỗ trợ tài chính và kỹ thuật từ Cơ quan Hợp tác và Phát triển Na Uy (NORAD) và Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA).

Tác phẩm dự thi là ảnh hoặc tranh vẽ, về chủ đề vai trò, giá trị của phụ nữ và trẻ em gái Việt Nam trong gia đình và xã hội, đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19.

Đối tượng dự thi là ông dân Việt Nam và công dân nước ngoài đang sinh sống tại Việt Nam. Người tham gia có thể dự thi cá nhân hoặc dự thi theo nhóm. Mỗi cá nhân/nhóm có thể dự thi nhiều tác phẩm.

Sau khi nhận được sản phẩm dự thi, Ban tổ chức sẽ kiểm tra, loại bỏ các tác phẩm không hợp lệ với quy định của cuộc thi và sẽ thông báo bằng email cho người dự thi. Tác phẩm không hợp lệ là các tác phẩm có yếu tố bất bình đẳng giới, định kiến giới, có hành động coi thường phụ nữ, đổ lỗi cho nạn nhân, hoặc không đúng chủ đề của cuộc thi.

Các bài dự thi đủ tiêu chuẩn sẽ được Ban tổ chức đăng tải trên fanpage CSAGA Việt Nam và thông báo cho thí sinh bằng email để kêu gọi cộng đồng bình chọn công khai.

Thời gian chấm giải từ 29/09/2021 – 03/10/2021. Lễ trao giải và triển lãm sẽ được tổ chức vào ngày 11/10/2021 – Ngày Quốc tế trẻ em gái.

Cơ cấu giải thưởng: một tác phẩm có thể đạt 2 giải, gồm giải Bình chọn từ cộng đồng mạng và giải từ Hội đồng chuyên môn do Ban giám khảo chấm. Tổng giá trị giải thưởng lên tới 65,000,000VND, bao gồm các giải sau: 1 giải nhất: 1 laptop trị giá 15,000,000VND và 1 giấy chứng nhận đạt giải; 2 giải nhì: Mỗi giải là 1 điện thoại di động trị giá 8,000,000VND và 1 giấy chứng nhận đạt giải; 3 giải ba: Mỗi giải là 1 máy tính bảng trị giá 5,000,000VND và 1 giấy chứng nhận đạt giải; 7 giải khuyến khích: Mỗi giải là 1 loa bluetooth trị giá 2,000,000VND và 1 giấy chứng nhận đạt giải; 1 giải tương tác dành cho tác phẩm có lượt tương tác cao nhất: 1 máy tính bảng trị giá 5,000,000VND và 1 giấy chứng nhận đạt giải.

Các tác phẩm đạt giải và có chất lượng sẽ được trưng bày trong Triển lãm tại Hà Nội vào tháng 10/2021.

Lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới là một thực hành có hại xuất hiện từ những năm 1980 tại một số quốc gia Châu Á. Tại Việt Nam, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh bắt đầu xuất hiện rõ rệt trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21.1 Cụ thể, tỷ số giới tính khi sinh (TSGTKS) vẫn ở mức sinh học bình thường vào năm 2000, nhưng đã tăng lên 110,5 trẻ em trai trên 100 trẻ em gái vào năm 2009 và lên tới 111,5 trẻ em trai trên 100 trẻ em gái vào năm 2019.

Trong khi đó, TSGTKS ở mức sinh học bình thường nằm trong khoảng 105 đến 106 trẻ em trai so với 100 trẻ em gái. 2 Nếu TSGTKS luôn duy trì ở mức 111, tỷ lệ dư thừa nam giới thanh niên (trong nhóm tuổi 20-39) sẽ tăng đều từ 3,5% vào năm 2019 lên gần 10% vào năm 2059. Ngay cả nếu TSGTKS giảm mạnh trong vòng 10 năm tới, tỷ lệ nam thanh niên dư thừa vẫn sẽ tăng trong 30 năm lên đến ngưỡng 8% và chỉ giảm sau năm 2049.

Nhiều bằng chứng cho thấy tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tại Việt Nam là do việc lựa chọn giới tính theo tâm lý ưa thích con trai. Mặc dù đến thời điểm hiện tại, nhiều người dân đã có nhận thức và hiểu biết đúng về công tác dân số nhưng tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, muốn sinh nhiều con trai vẫn tồn tại trong suy nghĩ của không ít người dân, những bậc làm cha, làm mẹ do ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo. Quan điểm phân biệt đối xử về vai trò giới tồn tại rõ nét trong các gia đình ở Việt Nam, như chỉ có con trai mới có thể duy trì dòng họ và thờ cúng tổ tiên, con trai sẽ ở cùng cha mẹ sau khi kết hôn, có trách nhiệm chăm sóc cha mẹ khi về già hoặc con trai giữ gìn tài sản và thừa kế tốt hơn so với con gái... Những thực hành giới có hại này tạo nên tâm lý ưa thích con trai để có người nối dõi tông đường, thờ cúng tổ tiên và duy trì tài sản gia đình, dòng họ.

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, chúng ta có hàng trăm, hàng nghìn các nữ bác sĩ, nữ cảnh sát, quân nhân, tình nguyện viên,... ngày đêm làm việc để mang lại sự bình yên cho đất nước. Không dừng lại ở đó, vẫn còn rất nhiều những người phụ nữ khác, âm thầm và lặng lẽ, hàng ngày đóng góp cho sự phát triển của gia đình và xã hội.

https://thoidai.com.vn/thay-doi-cac-chuan-muc-xa-hoi-doi-voi-lua-chon-gioi-tinh-khi-sinh-150062.html

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thông điệp