Tìm kiếm tin tức
danh mục
Thông tin cần biết
Liên kết
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Điểm tin dân số ngày 30/8/2021
Ngày cập nhật 31/08/2021

Báo Sức khoẻ và Đời sống; ngày 26/8/2021; 4 nguyên nhân làm giảm hiệu quả của thuốc tránh thai

BS. Lê Thanh Vân

Mặc dù thuốc tránh thai nói chung rất hiệu quả, nhưng uống thuốc không đúng cách có thể làm giảm hiệu quả của thuốc dẫn đến mang thai ngoài ý muốn.

Kể từ lần đầu tiên được hợp pháp hóa ở Mỹ vào những năm 1960, thuốc tránh thai đã trở thành một trong những biện pháp kế hoạch hóa gia đình phổ biến nhất của chị em phụ nữ.

Ước tính 60% phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng một số biện pháp ngừa thai để tránh mang thai ngoài kế hoạch. Nhiều phụ nữ lựa chọn sử dụng thuốc tránh thai nhờ tính dễ sử dụng, sẵn có, an toàn, hạn chế tác dụng phụ và hiệu quả.

Nhưng thuốc tránh thai không thể đạt hiệu quả 100%. Khi uống đúng theo chỉ định, thuốc tránh thai về mặt kỹ thuật có thể có hiệu quả ngừa thai lên đến 99%. Nhưng trong thực tế, thường rất khó để uống thuốc đúng theo hướng dẫn và do đó, hiệu quả chỉ đạt 91%. Điều này có nghĩa là cứ 100 phụ nữ sử dụng thuốc tránh thai thì có 9 người có khả năng mang thai ngoài ý muốn. Dưới đây là những nguyên nhân:

1. Uống thuốc thất thường 

Thuốc tránh thai được uống hàng ngày để phát huy hiệu quả. Nếu quên uống thuốc một ngày, nồng độ hormone có thể không duy trì ở mức phù hợp đủ để tránh thai. Nếu cảm thấy khó khăn khi phải uống thuốc hàng ngày, có thể tham khảo ý kiến bác sĩ sản phụ về các biện pháp tránh thai thay thế.

2. Không uống thuốc tránh thai vào cùng một thời điểm mỗi ngày

Ngoài việc uống thuốc tránh thai hàng ngày, cũng nên uống thuốc vào cùng thời điểm mỗi ngày. Mặc dù không quy định giờ uống thuốc tối ưu cho bất cứ loại thuốc tránh thai nào. Tuy nhiên, nên uống vào một thời điểm cố định trong ngày để tránh quên thuốc.

Việc làm này giúp duy trì mức độ hormone ổn định hơn. Nhiều người đặt báo thức hàng ngày để nhắc họ uống thuốc vào đúng thời điểm mỗi ngày. Nếu lỡ uống thuốc thì nên sử dụng phương pháp ngừa thai dự phòng hoặc tránh quan hệ tình dục.

3. Bị nôn mửa khi uống thuốc tránh thai

Đôi khi bạn có thể bị ốm khi đang dùng thuốc tránh thai. Khi nôn mửa, cơ thể có thể không hấp thụ hết viên thuốc. Vì vậy, nếu bị nôn, ngay sau đó, nên uống một viên khác càng sớm càng tốt và uống viên tiếp theo như lịch trình bình thường.

4. Tương tác bất lợi làm giảm hiệu quả của thuốc

Một số loại thuốc có thể làm cho thuốc tránh thai trở nên kém hiệu quả hơn như một số loại thuốc kháng sinh (rifampicin) và thuốc chống nấm (griseofulvin). Bạn nên sử dụng biện pháp tránh thai dự phòng trong khi dùng các loại thuốc này và trong 48 giờ sau khi kết thúc liệu trình.

Các loại thuốc và chất bổ sung kéo dài khác cũng có thể ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của thuốc tránh thai. Các thuốc này bao gồm: Thuốc động kinh, như phenobarbital, phenytoin và carbamazepine; Thuốc kháng virus được sử dụng để điều trị HIV; Thảo dược St. John's Wort, là một phương thuốc thảo dược được sử dụng để điều trị mất ngủ, trầm cảm.

Mẹo để dùng thuốc tránh thai hiệu quả

Thuốc tránh thai rất hiệu quả nếu được sử dụng đúng cách và không bỏ lỡ ngày uống thuốc nào. Nên áp dụng những mẹo nhỏ sau đây:

- Đọc kỹ nhãn thông tin thuốc và làm theo hướng dẫn cẩn thận.

- Uống thuốc vào cùng một thời điểm mỗi ngày.

- Sử dụng ứng dụng theo dõi chu kỳ và cung cấp lời nhắc uống thuốc.

- Mua thuốc dự phòng ít nhất 1 tuần trước khi hết thuốc để tránh bị nhỡ thuốc.

- Luôn uống thuốc đã quên càng sớm càng tốt.

- Nên sử dụng phương pháp tránh thai dự phòng, như bao cao su, nếu lỡ quên uống thuốc.

https://suckhoedoisong.vn/4-nguyen-nhan-lam-giam-hieu-qua-cua-thuoc-tranh-thai-169210825150850757.htm

Báo Khoa học và Đời sống; ngày 27/8/2021; Muốn có con sau khi đã triệt sản

T. Nga

Đối với nam giới đã triệt sản có thể nối lại ống dẫn tinh và người đàn ông sẽ vẫn tiếp tục có con được bình thường, song với phụ nữ, việc nối ống dẫn trứng cũng có thể làm được nhưng vì ống dẫn trứng rất mềm, nên việc nối lại khá phức tạp và tỷ lệ để có con tự nhiên là không cao.

Hỏi: Xin hỏi, nếu nam hoặc nữ đã triệt sản sau này muốn có con thì phải làm như thế nào? Lê Thị Hợi (Hà Nội)

ThS.BS Tạ Việt Cường, Phó Giám đốc Trung tâm Khám và điều trị, chăm sóc sức khỏe sinh sản, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cơ sở 2: Triệt sản là thắt ống dẫn trứng ở nữ và ống dẫn tinh ở nam, được đánh giá là một biện pháp tránh thai an toàn, hiệu quả.

Với triệt sản nam thì đơn giản hơn, việc phẫu thuật nhẹ nhàng và bệnh nhân không cần thiết phải nằm viện. Còn triệt sản nữ phức tạp hơn vì phải can thiệp vào trong ổ bụng, có thể phải mổ nội soi để kẹp 2 vòi tử cung lại. Hàng tháng trứng vẫn rụng bình thường và không thụ thai được thì trứng sẽ tự tiêu đi.

Đối với nam giới đã triệt sản có thể nối lại ống dẫn tinh và sẽ vẫn tiếp tục có con được bình thường, song vấn đề nối ống dẫn tinh còn phụ thuộc vào thời gian tính từ lúc thắt ống dẫn tinh đến hiện tại. 

Với phụ nữ, việc nối ống dẫn trứng cũng có thể làm được nhưng vì ống dẫn trứng rất mềm, nên việc nối lại khá phức tạp và tỷ lệ để có con tự nhiên là không cao. 

Các trường hợp đã triệt sản rồi mà vẫn muốn có con thì có thể làm thụ tinh trong ống nghiệm. Hiện việc thụ tinh trong ống nghiệm ngày càng phổ biến và đơn giản hơn nhiều. 

https://khoahocdoisong.vn/muon-co-con-sau-khi-da-triet-san-177927.html

Báo Sức khoẻ và Đời sống; ngày 25/8/2021; Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh tan máu bẩm sinh chưa có biến chứng

BS. Võ Tố Uyên

Khi được phát hiện kịp thời và có chế độ dinh dưỡng hợp lý, người bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) vẫn có thể đảm bảo giữ sức khỏe ổn định và hoạt động, sinh hoạt như bình thường.

Tan máu bẩm sinh là bệnh gì?

Thalassemia hay còn gọi là bệnh tan máu bẩm sinh là bệnh lý huyết học di truyền phổ biến nhất trên thế giới. Bệnh có hai biểu hiện nổi bật là thiếu máu và ứ sắt trong cơ thể, nên bệnh nhân phải điều trị suốt đời, nếu không được điều trị thường xuyên, đầy đủ, sẽ có nhiều biến chứng làm bệnh nhân chậm phát triển thể trạng, giảm sức học tập, lao động…

Bệnh có triệu chứng chính là thiếu máu với các biểu hiện xanh xao, lòng bàn tay bàn chân nhợt nhạt, vàng mắt, biến dạng mặt kèm theo bụng to do lách phải tăng hoạt động tạo máu bù trừ nên cũng to ra. 

Nếu không phát hiện sớm, điều trị kịp thời, thường xuyên và đầy đủ sẽ có nhiều biến chứng nguy hiểm như: Ứ đọng sắt, nhiễm trùng, biến dạng xương, lách to, chậm phát triển...

Tại Việt Nam, độ tuổi mắc bệnh nhiều nhất là trẻ nhỏ, đặc biệt số lượng trẻ mắc bệnh đang ngày càng tăng lên. Việc cho bệnh nhân Thalassemia chữa trị kịp thời, cũng như xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp với những thực phẩm nên ăn và không nên ăn là điều cần thiết để cải thiện tình trạng bệnh.

Nguyên tắc dinh dưỡng

Người bệnh tan máu bẩm sinh thường bị quá tải sắt. Sắt dư thừa này tích tụ trong gan, tim, tinh hoàn/ buồng trứng và tuyến yên, từ đó làm tổn thương, suy giảm chức năng của các cơ quan này.

Vì vậy, người bệnh tan máu bẩm sinh nên lựa chọn các loại thực phẩm cho năng lượng cao mà chứa hàm lượng sắt thấp, bổ sung các loại vitamin, khoáng chất cần thiết cho sự phát triển của xương nhằm duy trì thể trạng và không làm trầm trọng thêm vấn đề quá tải sắt.

Dinh dưỡng hợp lý

Tinh bột: Chọn nguồn cung cấp năng lượng từ gạo, ngũ cốc, khoai củ, đường mật… Hạn chế các loại sản phẩm sấy khô do chứa hàm lượng sắt cao.

Chất đạm: Nên dùng các thực phẩm có nguồn gốc từ động vật có giá trị sinh học cao như thịt, cá, sữa, tôm, cua… và các loại rau củ quả có có chứa nhiều đạm thực vật như đậu, đỗ…

Nên sử dụng sữa đậu nành vì rất tốt và bổ dưỡng với người bệnh Thalassemia do hàm lượng sắt thấp và hàm lượng canxi cao nhất trong các loại hạt, lượng protein cũng rất cao.

Hạn chế các thực phẩm chế biến sẵn như lạp sườn, pate, xúc xích, thịt muối, cá muối…

Chất béo: Người bệnh nên sử dụng chất béo có nguồn gốc từ thực vật như dầu đậu nành… Hàm lượng các chất béo có nguồn gốc từ động vật chiếm 1/3, chất béo có nguồn gốc từ thực vật chiếm 2/3 khẩu phần ăn.

Hạn chế các thực phẩm có nhiều cholesterol và mỡ động vật như gan, lòng, bầu dục…

Vitamin và khoáng chất: Bổ sung các thực phẩm chứa nhiều canxi, kẽm và vitamin D giúp cho xương chắc khỏe như: tôm, cua, cá…

Hạn chế muối trong khẩu phần ăn hằng ngày, lượng muối từ 4 - 6g/ngày.

Nước uống: Hạn chế các chất kích thích và nước ngọt có ga: rượu, bia, café, coca…

Tránh nhiễm trùng: Giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, giữ ấm cơ thể khi trời lạnh, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Tập thể dục thường xuyên: Tập các bài thể dục, vận động phù hợp với lứa tuổi và tình trạng bệnh.

Tránh quá tải sắt: Hạn chế các thức ăn có chứa hàm lượng sắt cao như: thịt bò, thịt trâu, thịt gà chọi, thịt chó, tim, gan… và rau có màu xanh đậm như rau bina, cải xoong, rau ngót, rau muống, rau dền, các loại nấm…

Nên uống nước chè tươi hàng ngày và ngay sau bữa ăn để làm giảm hấp thu sắt từ thực phẩm.

Mặc dù tỷ lệ xảy ra không hiếm, nhưng bệnh Thalassemia là hoàn toàn có thể hạn chế và phòng tránh được. Do đó, việc tìm hiểu và được tư vấn, tầm soát gen bệnh từ sớm, trước khi kết hôn sẽ hạn chế được nguy cơ sinh ra những em bé mang gen bệnh, từ đó góp phần đảm bảo chất lượng dân số cho toàn cộng đồng.

https://suckhoedoisong.vn/che-do-dinh-duong-cho-nguoi-benh-tan-mau-bam-sinh-chua-co-bien-chung-169210824152026891.htm

 

Chuyên trang Gia đình và Xã hội; ngày 27/8/2021; Sơn La ban hành chế độ bồi dưỡng với đội ngũ cộng tác viên dân số

M.Anh

Hội đồng nhân dân tỉnh Sơn La đã ban hành Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND quy định số lượng, mức chi bồi dưỡng đối với cộng tác viên dân số thôn, xóm, bản, tiểu khu, tổ dân phố (gọi chung là bản) trên địa bàn tỉnh Sơn La. Theo đó cộng tác viên dân số bản sẽ được hưởng mức từ 370.000 - 670.000 đồng/người/tháng, tùy theo địa bàn và số dân cư mình quản lý.

Đội ngũ cộng tác viên dân số trên địa bàn tỉnh Sơn La được hình thành từ năm 1993 và được củng cố, duy trì đến hiện nay. 

Theo số liệu báo cáo đến ngày 30/6/2021, tổng số cộng tác viên dân số trên địa bàn tỉnh là 2495 người, tỷ lệ 99,5%  và trên 98% cộng tác viên kiêm nhân viên y tế.

Cộng tác viên dân số có vai trò như là những "Cánh tay nối dài" của ngành y tế, đội ngũ này thực hiện tuyên truyền, vận động, tư vấn về kế hoạch hóa gia đình, dân số và phát triển, cung cấp bao cao su, thuốc uống tránh thai đến từng hộ gia đình, hướng dẫn vệ sinh phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu; theo dõi, cập nhật, kiểm tra việc duy trì thực hiện các nội dung về dân số của các hộ gia đình tại địa bàn quản lý; phối hợp với các tổ chức trên địa bàn triển khai các hoạt động quản lý và truyền thông vận động tới từng hộ gia đình; thu thập số liệu, lập báo cáo tháng về dân số theo quy định hiện hành; lập các sơ đồ và biểu đồ, quản lý sổ hộ gia đình về dân số tại địa bàn quản lý.

Về chế độ chính sách: Thực hiện Thông tư 05/2008/TT-BYT ngày 14/5/2008 của Bộ Y tế hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức bộ máy dân số - kế hoạch hóa gia đình ở địa phương, Hội đồng nhân dân tỉnh Sơn La đã ban hành Nghị quyết số 78/2014/NQ-HĐND ngày 16/7/2014 về chính sách và biện pháp thực hiện công tác dân số-kế hoạch hóa gia đình trên địa bàn tỉnh Sơn La, giai đoạn 2014 - 2020 và Nghị quyết số 68/2017/NQ-HĐND ngày 08/12/2017 sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số nội dung trong Nghị quyết số 78/2014/NQ-HĐND ngày 16 tháng 7 năm 2014 của HĐND tỉnh về chính sách và biện pháp thực hiện công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình trên địa bàn tỉnh Sơn La, giai đoạn 2014 - 2020, trong nội dung nghị quyết đã quy định mức hỗ trợ, bồi dưỡng hằng tháng đối với Cộng tác viên dân số được hưởng như sau:

- Giai đoạn năm 2014-2017: Cộng tác viên dân số - kế hoạch hóa gia đình được hưởng 0,2 mức lương cơ sở/người/tháng và 100.000đ/người/tháng từ nguồn chương trình mục tiêu y tế-dân số.

- Giai đoạn năm 2018-2020: Với quy mô số hộ gia đình quản lý từ dưới 50 đến trên 150 hộ gia đình, Cộng tác viên dân số và gia đình được hỗ trợ  từ 0,25 đến 0,4 mức lương cơ sở/người/tháng.

Mức hỗ trợ nêu trên là phù hợp do công việc của đội ngũ Cộng tác viên dân số làm việc thường xuyên, liên tục hằng tháng (công việc có tính chất định kỳ). Tuy nhiên, từ ngày 01/01/2021, Cộng tác viên dân số không được hưởng hỗ trợ hàng tháng do Nghị quyết số 78/2014/NQ-HĐND ngày 16/7/2014 và Nghị quyết số 68/2017/NQ-HĐND ngày 08/12/2017 của HĐND tỉnh hết hiệu lực, theo Nghị quyết số 120/2019/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Sơn La, đội ngũ này sẽ nhận bồi dưỡng với mức không quá 30.000 đồng/người/buổi, mức bồi dưỡng này sẽ được cân đối, thảo luận, chi trả sao cho không vượt quá kinh phí hoạt động trong năm của mỗi bản. 

Căn cứ tình hình thực tiễn thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ Cộng tác viên dân số (quản lý quy mô số hộ gia đình lớn hơn do sáp nhập bản, thực hiện hai nhiệm vụ gồm dân số - kế hoạch hóa gia đình và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân tại cộng đồng) và thực hiện Thông tư số 02/2021/TT-BYT ngày 25/01/2021 của Bộ Y tế quy định tiêu chuẩn, nhiệm vụ của Cộng tác viên dân số, ngày 11/8/2021, Hội đồng nhân dân tỉnh Sơn La đã ban hành Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND quy định số lượng, mức chi bồi dưỡng đối với cộng tác viên dân số thôn, xóm, bản, tiểu khu, tổ dân phố (gọi chung là bản) trên địa bàn tỉnh Sơn La, nội dung cơ bản của Nghị quyết quy định:

Số lượng cộng tác viên dân số bản: 01 người/bản.

Về mức chi bồi dưỡng:

- Bản thuộc xã trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền; bản thuộc xã biên giới, mức bồi dưỡng đối với công tác viên dân số như sau:

+ Bản có từ 75 hộ gia đình trở xuống: 450.000 đồng/người/tháng.

+ Bản có từ 76 đến 149 hộ gia đình: 520.000 đồng/người/tháng.

+ Bản có từ 150 đến 225 hộ gia đình: 600.000 đồng/người/tháng.

+ Bản có từ trên 225 hộ gia đình trở lên: 670.000 đồng/người/tháng.

- Bản thuộc xã còn lại:

+ Bản có từ 75 hộ gia đình trở xuống: 370.000 đồng/người/tháng.

+ Bản có từ 76 đến 149 hộ gia đình: 450.000 đồng/người/tháng.

+ Bản có từ 150 đến 225 hộ gia đình: 520.000 đồng/người/tháng.

+ Bản có từ trên 225 đến 349 hộ gia đình: 600.000 đồng/người/tháng.

+ Bản có từ 350 hộ gia đình trở lên: 670.000 đồng/người/tháng.

- Bản thuộc phường, thị trấn:

+ Bản có từ 100 hộ gia đình trở xuống: 370.000 đồng/người/tháng.

+ Bản có từ trên 100 đến 199 hộ gia đình: 450.000 đồng/người/tháng.

+ Bản có từ 200 đến 299 hộ gia đình: 520.000 đồng/người/tháng.

+ Bản có từ 300 hộ gia đình trở lên: 600.000 đồng/người/tháng.

Cộng tác viên dân số bản đã hưởng chính sách quy định tại Nghị quyết này thì không được hưởng chính sách quy định tại các Nghị quyết khác của HĐND tỉnh Sơn La và nguồn kinh phí chi trả chế độ cho đội ngũ cộng tác viên được đảm bảo từ ngân sách Nhà nước của tỉnh Sơn La.

Để triển khai thực hiện và Nghị quyết đi vào cuộc sống, hỗ trợ kịp thời thù lao cho đội ngũ Cộng tác viên dân số; khuyến khích, động viên đội ngũ này tích cực hoạt động, hoàn thành tốt nghiệm vụ được giao, Sở Y tế đã Trung tâm Y tế huyện, thành phố tổ chức quán triệt nội dung Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND ngày 11/8/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh tới toàn thể viên chức trong đơn vị nắm bắt, đồng thời tuyên truyền, phổ biến tới nhân dân trên địa bàn và đội ngũ cộng tác viên dân số. 

Đồng thời giao Chi cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình tiếp tục tham mưu trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quy trình xét chọn, hợp đồng trách nhiệm, đơn vị quản lý chi trả bồi dưỡng hằng tháng cho đội ngũ công tác viên.

Nghị quyết 21-NQ/TW, ngày 25-10-2017, Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương về công tác dân số trong tình hình mới đã đặt ra nhiệm vụ "kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ dân số"; trong đó nêu rõ, cần "có chính sách đãi ngộ thỏa đáng, nâng cao hiệu quả hoạt động của đội ngũ cộng tác viên ở thôn, bản, tổ dân phố". 

Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND ngày 11/8/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định số lượng, mức chi bồi dưỡng đối với cộng tác viên dân số thôn, xóm, bản, tiểu khu, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Sơn La thật sự là một chính sách đúng đắn, hợp lòng dân, giúp đội ngũ CTV dân số có động lực cống hiến, thực hiện tốt nhiệm vụ; từng bước nâng cao chất lượng dân số, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh.

https://giadinh.net.vn/dan-so/son-la-ban-hanh-che-do-boi-duong-voi-doi-ngu-cong-tac-vien-dan-so-20210827112402655.htm

Chuyên trang Pháp luật và Xã hội; ngày 27/8/2021; Vĩnh Phúc: Tích cực nâng cao chất lượng công tác dân số

Sỹ Hào

Hướng tới mục tiêu nâng cao vị thế con người và sự phát triển bền vững, nhiều chính sách hỗ trợ công tác dân số đã và vang triển khai trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Trong đó, chính sách hỗ trợ thù lao cho cộng tác viên dân số, được đánh giá đem lại ý nghĩa thiết thực trong việc nâng cao chất lượng dân số hiện nay.

Hỗ trợ cộng tác viên dân số…

Xuất phát từ thực tế có nhiều khó khăn, thách thức đang đặt ra đối với công tác Dân số - Kế hoạch hóa Gia đình (KHHGĐ) tại Vĩnh Phúc như: Tỷ lệ tăng dân số cơ học hàng năm ở mức cao, tạo ra áp lực lớn trong việc thực hiện chính sách dân số - KHHGĐ; Mất cân bằng giới tính trẻ sơ sinh; Nhận thức của một bộ phận cư dân đối với vấn đề hôn nhân, gia đình vẫn còn nhiều hạn chế; Cơ cấu dân số theo tuổi chuyển dịch theo hướng già hóa dân số…

Thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, quán triệt, đẩy mạnh thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác Dân số - Kế hoạch hóa Gia đình (KHHGĐ), trong đó có Nghị quyết số 16 của HĐND tỉnh về “Quy định một số chính sách hỗ trợ công tác dân số và phát triển trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025”.

Trao đổi với PV về vấn đề hỗ trợ thù lao đối với CTV dân số, ông Nguyễn Hoài Nam, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ Vĩnh Phúc cho biết: “Theo nội dung Nghị quyết 16 của HĐND tỉnh Vĩnh Phúc, các CTV dân số sẽ được hỗ trợ thù lao 150.000đ/người/tháng; hỗ trợ việc thực hiện dịch vụ KHHGĐ và sàng lọc trước sinh, sơ sinh cho một số đối tượng đặc thù.

Đây tiếp tục là chính sách mang ý nghĩa rất thiết thực của tỉnh đối với công tác nâng cao chất lượng dân số. Việc thực hiện tốt Nghị quyết sẽ góp phần đáp ứng yêu cầu chuyển trọng tâm từ công tác Dân số - KHHGĐ sang dân số và phát triển”.

Nâng cao chất lượng dân số…

Lãnh đạo Chi cục Dân số - KHHGĐ Vĩnh Phúc chia sẻ thêm, công tác dân số ngày càng đòi hỏi những yêu cầu cao hơn theo tình hình phát triển của xã hội, nên việc quy định hỗ trợ mức thù lao 150.000 đồng/người/tháng, là rất thiết thực trong việc động viên khích lệ các CTV “đi từng ngõ, gõ từng nhà” vận động các gia đình không vi phạm chính sách pháp luật về dân số; phổ biến kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ. Chính sách quan tâm động viên, đã giúp các CTV thêm tâm huyết, và trách nhiệm hơn với công tác xã hội.

Nghị quyết số 16 của HĐND tỉnh cũng quy định, các trường hợp phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh có hộ khẩu thường trú trên địa bàn tỉnh thuộc hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội và thuộc vùng miền núi khi thực hiện sàng lọc trước sinh, sơ sinh sẽ được hỗ trợ chi phí lần lượt là 160 nghìn đồng/trường hợp/1 lần mang thai và 550 nghìn đồng/trẻ; 5 bệnh bẩm sinh được hỗ trợ sàng lọc là thiếu men G6PD, suy giáp trạng bẩm sinh, rối loạn chuyển hóa axit amin, tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh, rối loạn chuyển hóa đường.

Chính sách này của tỉnh có thể xem là giải pháp hữu hiệu giúp phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh thuộc diện hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, người có thu nhập thấp có điều kiện thuận lợi tiếp cận với các dịch vụ tầm soát dị tật; từ đó, kịp thời phát hiện, can thiệp và điều trị sớm bệnh lý bẩm sinh và các rối loạn chuyển hóa để trẻ sinh ra khỏe mạnh, phát triển bình thường.

Được biết, tính đến hết năm 2020, dân số toàn tỉnh Vĩnh Phúc có hơn 1,16 triệu người. Từ năm 2009 đến nay, quy mô dân số của Vĩnh Phúc tăng thêm hơn 151.000 người; cơ cấu dân số theo độ tuổi trên địa bàn dần thay đổi theo hướng tích cực. Chất lượng dân số được nâng lên rõ rệt cả về thể lực và trí lực.

Kết quả thực hiện các chỉ tiêu nâng cao chất lượng dân số đã tạo nền tảng đưa chỉ số phát triển con người (HDI) năm 2009 của tỉnh Vĩnh Phúc xếp thứ 12/63 tỉnh, thành trong cả nước; năm 2020 Vĩnh Phúc là 1 trong 10 tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về chỉ số này.

Công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em đều vượt mục tiêu kế hoạch đề ra; tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi giảm rõ rệt; tỷ lệ nam, nữ thanh niên được tư vấn tiền hôn nhân đạt hơn 82%. Đặc biệt, số trẻ em sinh ra được sàng lọc sơ sinh và số phụ nữ mang thai được sàng lọc trước sinh ngày càng cao.

https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/tich-cuc-nang-cao-chat-luong-cong-tac-dan-so-256208.html

Báo Dân tộc và Phát triển; ngày 26/8/2021; Hà Giang: Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống từng bước được đẩy lùi

Hà Nguyễn

Những tập tục “Người trong họ tộc lấy nhau thách cưới sẽ ít hơn, kết hôn sớm để có thêm lao động…” là lí do dẫn đến tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết. Nhưng thời gian qua, với sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp chính quyền, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở Hà Giang đã có những chuyển biến tích cực.

Nhiều hệ lụy

Hà Giang là tỉnh có đông đồng bào DTTS (Mông, Tày, Dao, Nùng, Lô Lô...) sinh sống. Mặc dù đời sống người dân từng bước được nâng cao nhưng còn nhiều khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng xa. Tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (TH&HNCHT) hiện vẫn còn tồn tại ở các huyện như: Mèo Vạc, Hoàng Su Phì, Yên Minh, Đồng Văn, Xín Mần…

Đây là một trong những nguyên nhân làm gia tăng tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em, tỷ lệ tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi cũng như tỷ lệ tử vong của bà mẹ liên quan đến thai sản. Trẻ em sinh ra có thể mắc những căn bệnh như dị tật, tan máu bẩm sinh. Qua đó, khiến chất lượng dân số suy giảm, suy thoái nòi giống, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực và là một trong những lực cản đối với sự phát triển kinh tế - xã hội.

Mặt khác, TH&HNCHT cũng gây ra nhiều hệ lụy với đời sống của người dân. Khi trẻ chưa đủ tuổi trưởng thành, thiếu hiểu biết về kiến thức, kỹ năng sống để nuôi con, nên khó làm tròn trách nhiệm làm cha, mẹ, khó xây dựng được gia đình hạnh phúc bền vững.

Anh V. A. C, ở thôn Lủng Cẩu, xã Bản Máy, huyện Hoàng Su Phì là một trường hợp điển hình khi lấy vợ là người trong dòng họ, cận huyết thống. Hệ lụy là hai con của anh đã mắc bệnh bẩm sinh, chậm phát triển, cuộc sống gia đình vốn đã khó khăn, nay lại càng khó khăn hơn.

Theo Ban Dân tộc tỉnh Hà Giang, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến TH&HNCHT, nhưng nguyên nhân cơ bản vẫn là yếu tố kinh tế, nhận thức của người dân về hôn nhân; các tập tục tồn tại lâu như: người trong họ tộc lấy nhau thách cưới sẽ ít hơn, kết hôn sớm để có thêm lao động, tục cướp vợ, không có việc làm cũng là nguyên nhân dẫn đến kết hôn sớm, sinh con sớm.

Bên cạnh đó, các nguyên nhân như trình độ dân trí, điều kiện giao lưu với các dân tộc khác hạn chế, sự khác biệt ngôn ngữ, không thông thạo tiếng phổ thông; nhiều gia đình, nhất là phụ nữ thiếu kiến thức về sức khỏe sinh sản...cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.

Triển khai nhiều giải pháp để ngăn chặn

Một trong những giải pháp quan trọng mà Hà Giang đã thực hiện trong thời gian qua là tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục cho đồng bào trong việc thực hiện Luật Hôn nhân và Gia đình, chính sách Dân số - kế hoạch hóa gia đình..

Từ năm 2018 đến nay, Hà Giang đã triển khai một số mô hình điểm trên địa bàn các huyện. Các xã được chọn làm mô hình thành lập Câu lạc bộ "Phòng chống tệ nạn TH&HNCHT", Câu lạc bộ Tiền hôn nhân.

Trên cơ sở hương ước, quy ước của thôn, bản, Ban Chỉ đạo mô hình đã phối hợp với chính quyền xã hướng dẫn các thôn xây dựng bổ sung các quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình vào quy ước, hương ước các thôn. Các thôn, bản ký thực hiện cam kết với xã không có người vi phạm TH&HNCHT.

Trong công tác dân số- kế hoạch hóa gia đình, tỉnh đã phát huy nội lực, nêu cao vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cộng tác viên dân số. Đội ngũ này không chỉ tuyên truyền đến từng hộ gia đình, mà còn tuyên truyền lồng ghép trong các buổi họp thôn, bản và vận động các hộ kí cam kết không để xảy ra tình trạng TH&HNCHT.

Anh V. V. K, thôn Chí Cà Hạ, huyện Yên Minh (Hà Giang) cho biết, trước đây mọi người trong gia đình anh chỉ nghĩ con trai cho lấy vợ sớm để có thêm người làm việc, con gái cho lấy chồng sớm thì sẽ chọn được người chồng tốt hơn. Nhưng sau khi được tuyên truyền, giải thích về Luật Hôn nhân và Gia đình, tác hại của việc TH&HNCHT anh đã hiểu nên chắc chắn sẽ khuyên nhủ các con khi đủ tuổi theo quy định mới được lấy chồng, lấy vợ.

Cùng với các cấp chính quyền địa phương, những năm qua, Bộ đội Biên phòng Hà Giang đã cùng chung tay, tích cực tham gia đẩy lùi tình trạng TH&HNCHT trong đồng bào DTTS. 

Minh chứng là Bộ đội Biên phòng tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Văn hóa tỉnh, Thư viện tỉnh Hà Giang, Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng tổ chức truyên truyền tại 17 xã , trong đó có 13 xã biên giới; đối tượng chủ yếu là các bạn trẻ trong độ tuổi vị thành niên.

Thượng tá Đặng Quốc Phong, Chính trị viên Đồn Biên phòng Bản Máy, Bộ đội Biên phòng Hà Giang cho biết: Những năm qua, ngoài nhiệm vụ được giao là bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, giữ gìn an ninh, trật tự trên địa bàn đơn vị phụ trách, đơn vị đã tích cực phối hợp cùng chính quyền địa phương tổ chức các buổi tuyên truyền cho bà con về xóa bỏ hủ tục, nhất là TH&HNCHT. 

Để người dân dễ nghe, dễ hiểu, ngoài hình thức tuyên truyền tập trung, tuyên truyền miệng, các tuyên truyền viên của 4 cơ quan đã xây dựng các chương trình tuyên truyền đa dạng như chiếu phim tài liệu, kịch tuyên truyền, hỏi - đáp pháp luật... Qua đó, truyền tải cho bà con những thông điệp, những kiến thức pháp luật cũng như về tác hại của TH&HNCHT.

Nhờ những nỗ lực của các cấp chính quyền, sự đồng thuận của người dân tình trạng TH&HNCHT trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã giảm qua các năm. Trong giai đoạn 2015 - 2018, tỉnh Hà Giang ghi nhận có 2.348 cặp tảo hôn và 67 cặp kết hôn cận huyết thống. Từ năm 2019 đến đầu năm 2021, chỉ còn 559 cặp TH và 36 cặp HNCHT.

https://baodantoc.vn/ha-giang-tao-hon-va-hon-nhan-can-huyet-thong-tung-buoc-duoc-day-lui-1629813040221.htm

 

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thông điệp