Tìm kiếm tin tức
danh mục
Thông tin cần biết
Liên kết
Chung nhan Tin Nhiem Mang
THỪA THIÊN HUẾ: BIỂU DƯƠNG 173 GIA ĐÌNH TIỂU BIỂU THỰC HIỆN TỐT CHÍNH SÁCH DS-KHHGĐ
Ngày cập nhật 20/11/2018

Hưởng ứng Ngày quốc tế trẻ em gái (11-10) năm 2018, Ban chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ các huyện, thị xã Hương Trà, Hương Thuỷ và thành phố Huế đã tổ chức Hội nghị biểu dương các gia đình tiêu biểu thực hiện tốt chính sách DS-KHHGĐ trên địa bàn. Tại các hội nghị nói trên, 173 gia đình trên toàn tỉnh đã được UBND cấp huyện và Trung tâm Y tế cấp huyện biểu dương, khen thưởng. Đây là một trong những hoạt động với mục tiêu kêu gọi hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền, ban ngành, đoàn thể và cộng đồng nhằm ngăn chặn lựa chọn giới tính khi sinh và phân biệt đối xử về giới; nâng cao nhận thức của xã hội, cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ về tầm quan trọng của việc nâng cao vị thế của phụ nữ và trẻ em gái nhằm hướng đến một xã hội bình đẳng, bền vững.

 

Trong các gia đình được biểu dương khen thưởng đặc biệt có 143 cặp sinh con 1 bề là con gái không sinh con thứ 3 trở lên, đa số đều là gia đình nông dân, buôn bán và ngành nghề khác.  Đây là một hoạt động trọng tâm nhân ngày Quốc tế trẻ em gái năm 2018 nhằm gặp mặt, biểu dương những gia đình thực hiện tốt chính sách DS-KHHGĐ, trong đó chú trọng đến những gia đình sinh con một bề gái. Hội nghị cũng là dịp để tuyên truyền về tình trạng MCBGTKS, nêu cao vị thế của trẻ em gái, góp phần giảm thiểu tình trạng MCBGTKS trên địa bàn toàn tỉnh. Những gia đình được chọn để biểu dương tại hội nghị là những gia đình tiêu biểu trong việc thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về DS-KHHGĐ; tham gia tích cực các phong trào DS-KHHGĐ tại cộng đồng; nuôi con tốt dạy con ngoan,...Hiện nay, trong chương trình DS-KHHGĐ việc thực hiện bình đẳng giới còn hạn chế do một bộ phận người dân vẫn còn suy nghĩ chuyện sinh đẻ và KHHGĐ là của phụ nữ. Nam giới chưa thật sự vào cuộc và chia sẻ trách nhiệm với phụ nữ. Chính quan niệm này đã là một trong những rào cản trong việc triển khai chương trình DS-KHHGĐ tại tỉnh Thừa Thiên Huế trong thời gian vừa qua, là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến gia tăng tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh và con thứ 3 trở lên cao, một số đơn vị có biểu hiện mất cân bằng giới tính khi sinh ở mức cao hơn trung bình của tỉnh,...

Chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng gia đình hạnh phúc khi sinh con một bề là gái không sinh con thứ 3, chị Lê Thị Lý, ở tổ dân phố 1, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới tâm sự: “Có 02 cô con gái là cũng đủ rồi, nhìn nhiều gia đình có quý tử rồi bố mẹ lại ‘sống dở chết dở” vì quý tử, khi ấy còn khổ hơn nhiều”;  anh Nguyễn Tri ở thôn Thanh Vinh, xã Phú Mậu, cho biết: " Hiện nay nhiều cặp vợ chồng đang mang nặng tư tưởng trọng nam khinh nữ, vẫn muốn sinh con trai để nối dõi tông đường. Vợ chồng tôi nhận thức rằng có ít con sẽ có điều kiện phát triển kinh tế gia đình, đảm bảo sức khỏe và nhất là có điều kiện lo cho các con tốt nhất. Dù vợ chồng chỉ có hai người con gái, nhưng chúng tôi đã thực hiện kế hoạch hóa gia đình, quyết định không sinh thêm con thứ ba. Chúng tôi rất tự hào hai cô con gái vì nghĩ rằng không nhất thiết phải sinh con thứ ba để cố đẻ con trai mà con gái chăm ngoan học giỏi hạnh phúc gì bằng con nào chẳng là con...”

Hình ảnh tại các Hội nghị biểu dương

Thời gian qua, việc thực hiện bình đẳng giới trong chương trình DS-KHHGĐ cũng đạt những kết quả nhất định, góp phần tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, thái độ và hành vi của người dân đối với việc thực hiện chương trình DS-KHHGĐ như: các chương trình, dự án đều xác định nam giới có vai trò không thể thiếu, là một trong những đối tượng đích của công tác truyền thông chuyển đổi hành vi về DS-KHHGĐ. Tỉnh Thừa Thiên Huế đã có các giải pháp can thiệp kịp thời để kiểm soát việc mất cân bằng giới tính khi sinh tại địa phương,UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2017-2020 nhằm thực hiện Quyết định số 468/QĐ-TTg ngày 23/03/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016-2025. Các hoạt động giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh đã được triển khai từ tỉnh đến cơ sở thông qua việc tổ chức các hoạt động truyền thông về giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh qua các sự kiện, chiến dịch truyền thông về dân số, ...Tăng cường phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể của tỉnh tích cực huy động hội viên, đoàn viên của mình và các chức sắc tôn giáo, những người có uy tín trong cộng đồng cùng chung tay tuyên truyền, can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh với nhiều mô hình, hoạt động phong phú; đẩy mạnh công tác thanh kiểm tra; triển khai các mô hình truyền thông về giảm thiểu MCBGTKS như phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp duy trì hoạt động của 152 Câu lạc bộ phụ nữ không sinh con thứ 3 giúp nhau phát triển kinh tế gia đình,...

Trong thời gian tới, việc thực hiện bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái vẫn tiếp tục là một nội dung quan trọng của chương trình DS-KHHGĐ. Việc xây dựng và thực hiện tốt các chương trình DS-KHHGĐ với sự tham gia tích cực của cộng đồng cả nam và nữ đặc biệt nam giới và hướng đến nam giới tạo sự bình đẳng trong lĩnh vực DS-SKSS là một yêu cầu cần thiết nhằm góp phần giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên, giảm thiểu tình trạng MCBGTKS, nâng cao chất lượng cuộc sống và hạnh phúc gia đình. Để tạo sự bình đẳng hơn nữa trong chương trình DS-KHHGĐ cần tiếp tục triển khai có hiệu quả các nội dung, nhiệm vụ của Kế hoạch số 213/KH-UBND ngày 20/10/2017 của UBND tỉnh về thực hiện Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và toàn xã hội về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác DS-KHHGĐ đặc biệt là việc thực hiện bình đẳng giới và kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh. Tiếp tục đẩy mạnh truyền thông, giải quyết gốc rễ tư tưởng trọng nam khinh nữ trong quan hệ thân tộc. Cụ thể việc thờ cúng tổ tiên cũng cần được đưa vào nội dung truyên truyền để người dân thấy rõ việc con gái hoàn toàn có thể đảm nhiệm việc chăm sóc cha mẹ khi về già, thờ cúng tổ tiên trong gia đình, thúc đẩy sự chấp nhận rộng rãi mô hình cư trú bên gia đình vợ, trong việc kế thừa gia sản cần chia đều cho con cái…Thúc đẩy bình đẳng giới và trao thêm quyền năng cho phụ nữ và trẻ em gái. Đặc biệt là thực hiện các chính sách khuyến khích, hỗ trợ nhằm nâng cao vai trò, vị thế của trẻ em gái và phụ nữ nói chung, đặc biệt là trẻ em gái của các gia đình sinh con một bề./.

 

Lê Đức Hy - Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thông điệp