Tìm kiếm tin tức
danh mục
Thông tin cần biết
Liên kết
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình Củng cố và phát triển hệ thống thông tin chuyên ngành dân số trên địa bàn toàn tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030
Ngày cập nhật 22/09/2021

          Công tác quản lý địa bàn dân cư, thông tin cơ bản của hộ gia đình và hệ thống báo cáo thống kê chuyên ngành về Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) tỉnh Thừa Thiên Huế đã được tin học hoá bằng phần mềm hệ thông tin quản lý chuyên ngành DS-KHHGĐ (MIS) từ tỉnh đến cấp huyện. Khai thác và sử dụng phần mềm hệ thống thông tin quản lý chuyên ngành Dân số - Kế hoạch hóa gia đình được thực hiện theo Quyết định 18/QĐ-TCDS của Tổng cục DS-KHHGĐ Về việc ban hành Quy định tạm thời về mẫu Sổ ghi chép ban đầu, mẫu phiếu thu tin của cộng tác viên dân số và mẫu biểu báo cáo thống kê chuyên ngành của kho dữ liệu điện tử phục vụ quản lý và điều hành công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình và Công văn Số: 96/TCDS-KHTC V/v hướng dẫn ghi chép ban đầu vào Sổ A0, ghi Phiếu thu tin và Lập báo cáo thống kê chuyên ngành DS-KHHGĐ và công văn số 926/SYT-NVY ngày 19/6/2014 của Sở Y tế về việc hướng dẫn quy trình thu thập, cập nhật thông tin, báo cáo thống kê DS-KHHGĐ/SKSS.

 

          Từ năm 2013 đến nay tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai thực hiện báo cáo thống kê theo hệ thống phần mềm từ tỉnh đến huyện. Đến hết năm 2020, hệ thống thông tin chuyên ngành DS-KHHGĐ đã lưu trữ thông tin cơ bản của 277.898 hộ gia đình và hơn 1,1 triệu người dân.

          Nguồn nhân lực tham gia vận hành hệ thống phần mềm từ cấp tỉnh đến huyện đã bố trí cán bộ phụ trách quản trị kho dữ liệu điện tử và làm công tác báo cáo thông kê chuyên ngành DS-KHHGĐ. Cán bộ phụ trách công tác DS-KHHGĐ tại xã, phường, thị trấn cũng tham gia cập nhập thông tin biến động về DS-KHHGĐ hàng tháng vào kho dữ liệu cấp huyện. Toàn tỉnh có 2.090 cộng tác viên dân số, trung bình mỗi cộng tác viên quản lý từ 150-300 hộ đối với các xã, phường, thị trấn là vùng đồng bằng, vùng đông dân cư; Đối với vùng sâu, vùng xa, miền núi trung bình mỗi cộng tác viên quản lý từ 30-70 hộ gia đình. Đội ngũ CTV có trình độ, năng lực không đồng đều và làm việc với tinh thần tự nguyện, chỉ hưởng phụ cấp hàng tháng là 0,2 x mức lương cơ bản, nên hàng năm có sự biến động khoảng 20%. Hàng tháng, ngoài công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chính sách dân số, CTV còn phải thu thập thông tin biến động tại hộ gia đình vào phiếu thu tin và cập nhật vào sổ A0, đồng thời, làm báo cáo thống kê tháng, quý, năm gửi cán bộ chuyên trách xã, phường, thị trấn. Cán bộ chuyên trách cấp xã tiếp nhận phiếu thu tin, kiểm tra, rà soát thông tin do CTV thu thập và tiến hành nhập tin vào kho dữ liệu điện tử cấp huyện, trung bình mỗi tháng cập nhật từ 400-600 thông tin biến động/huyện (huyện thấp nhất khoảng 300, huyện cao nhất khoảng 1.700 thông tin biến động).

          Thông qua phần mềm hệ thông tin quản lý chuyên ngành DS-KHHGĐ đã cung cấp thông tin, số liệu thống kê chuyên ngành cho một số đơn vị phục vụ quản lý điều hành, nghiên cứu khoa học như: Đại học Y Dược Huế, Bảo hiểm xã hội, Sở Y tế, Liên đoàn lao động,…

          Bên cạnh những kết quả đạt được, phần mềm hệ thống thông tin chuyên ngành DS-KHHGĐ vẫn còn nhiều hạn chế như: Một số Cộng tác viên do quản lý địa bàn rộng, đông dân cư, nhân khẩu thường xuyên biến động dẫn đến nắm bắt thông tin chưa kịp thời. Lượng thông tin biến động lớn, phần mềm chỉ triển khai tại cấp huyện, không triển khai về cho cấp xã trong khi các thông tin biến động tại hộ gia đình đều do cấp xã quản lý và thu thập. Nhân sự bố trí phụ trách chính cho công tác nhập tin ít, nên việc cập nhật thông tin vào kho dữ liệu chưa kịp thời ảnh hưởng đến chất lượng báo cáo. Trình độ tin học ứng dụng của cán bộ một số đơn vị chưa cao, nên chưa có tính chủ động trong việc khắc phục phần mềm khi có sự cố xảy ra. Phần mềm vẫn chưa hoàn thiện, thường xuyên xảy ra lỗi. Nguồn kinh phí ngân sách địa phương không bố trí cho việc mua sắm, trang cấp trang thiết bị. Trang thiết bị tin học như máy tính, máy in phục vụ cho kho dữ liệu điện tử trang cấp đã lâu (trên 5 năm, thâm chí 10 năm) nên đã xuống cấp, hỏng hóc tại một số đơn vị. Vì vậy, chất lượng thông tin chưa đáp ứng thật đầy đủ tình hình và dự báo dân số phục vụ nghiên cứu, hoạch định chính sách, xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và nhu cầu ngày càng cao của các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội.

          Chính vì vậy, để giải quyết những hạn chế, bất cập nêu trên, ngày 21 tháng 6 năm 2021, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành Quyết định số 218/QĐ-UBND về việc phê duyệt Kế hoạch Chương trình Củng cố và phát triển hệ thống thông tin chuyên ngành dân số trên địa bàn toàn tỉnh Thừa Thiên Huế đến 2030 nhằm phát triển hệ thống thông tin số liệu dân số theo hướng hiện đại và đồng bộ bảo đảm cung cấp đầy đủ tình hình, dự báo dân số tin cậy phục vụ quản lý nhà nước về dân số; xây dựng, thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của mọi cơ quan, tổ chức, góp phần thực hiện thành công kế hoạch hành động giai đoạn 2020-2025 của tỉnh Thừa Thiên Huế thực hiện Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030.

          Đề án được phê duyệt nhằm phấn đấu đạt mục tiêu cụ thể như sau: Thông tin số liệu trực tuyến về dân số được cập nhật, số hóa ở cấp xã đạt 90% năm 2025, đạt 100% năm 2030; cộng tác viên dân số thực hiện cập nhật thông tin số liệu trực tuyến bằng thiết bị di động thông minh đạt 90% năm 2030; 100% kho dữ liệu chuyên ngành dân số các cấp được hiện đại hóa, hình thành hệ thống lưu trữ, kết nối thông tin số liệu dân số và phát triển vào năm 2025, tiếp tục duy trì và mở rộng sau năm 2025; Các chỉ tiêu dân số và phát triển phục vụ chỉ đạo, điều hành, quản lý nhà nước về dân số được xử lý, khai thác trực tuyến trên môi trường mạng ở cấp huyện đạt 100% năm 2025; đến cấp xã đạt 100% năm 2030; Các ngành, lĩnh vực, địa phương sử dụng dữ liệu chuyên ngành dân số trong xây dựng, thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội đạt 80% năm 2025; đạt 100% năm 2030; Phát triển các ứng dụng trên thiết bị di động thông minh đáp ứng nhu cầu sử dụng dữ liệu chuyên ngành dân số của các cơ quan, tổ chức trong xã hội đạt ít nhất 5 ứng dụng năm 2025; ít nhất 10 ứng dụng năm 2030.

          Tại Quyết định số 218/QĐ-UBND đã triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện đối với 06 nhiệm vụ trọng tâm: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền các cấp, Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến thông tin số liệu dân số và phát triển, Hoàn thiện cơ chế chính sách, quy định chuyên môn, kỹ thuật, Nâng cao chất lượng thông tin số liệu, hiện đại hóa kho dữ liệu chuyên ngành dân số, Nâng cao năng lực cán bộ, cộng tác viên tham gia Chương trình, Bảo đảm tài chính và hợp tác quốc tế. Đặc biệt, đề án phê duyệt đã đảm bảo nguồn kinh phí ngân sách tỉnh cho hoạt động công tác dân số và phát triển giai đoạn 2021-2025 là 85 tỷ đồng và giai đoạn 2026-2030 là 90 tỷ đồng nhằm triển khai thực hiện đạt các mục tiêu, chỉ tiêu và nhiệm vụ về công tác dân số và phát triển trong giai đoạn mới./.

          Một số hình ảnh hoạt động về kiểm tra, rà soát và cập nhật thông tin vào sổ A0 của CTV và kho dữ liệu điện tử cấp huyện:

 

Khánh Chi - Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thông điệp