Tìm kiếm tin tức
danh mục
Thông tin cần biết
Liên kết
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Cục Dân số tổ chức rà soát tình hình thực hiện các mô hình lồng ghép nội dung về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh tại tỉnh Thừa Thiên Huế
Ngày cập nhật 15/11/2024

       Thực hiện công văn số 1192/CDC-CCDS ngày 28 tháng 10 năm 2024 của Cục Dân số về việc phối hợp rà soát đánh giá triển khai các mô hình lồng ghép nội dung kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh tại địa phương, trong 03 ngày từ 12-14/11/2024, Cục Dân số đã phối hợp với Chi cục Dân số tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức rà soát tình hình thực hiện các mô hình lồng ghép nội dung về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Về phía Trung ương có bà Đỗ Thị Quỳnh Hương – Phó trưởng phòng Cơ cấu và Chất lượng Dân số; bà Nguyễn Thị Bích Điểm – Chuyên gia cùng các chuyên viên của phòng Cơ cấu và Chất lượng Dân số – Cục Dân số.

         Theo Tổng cục Thống kê; tỷ số giới tính khi sinh là số bé trai sinh ra sống trên 100 bé gái sinh ra sống của một khu vực trong kỳ báo cáo (thường là một năm).

        Mất cân bằng giới tính khi sinh là số trẻ trai sinh ra còn sống cao hơn hoặc thấp hơn ngưỡng bình thường so với 100 trẻ gái. Mất cân bằng giới tính khi sinh  xảy ra khi tỷ số giới tính nam khi sinh lớn hơn 106 hoặc nhỏ hơn 103 so với 100 trẻ nữ. Ở Việt Nam, vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh diễn ra muộn nhưng tốc độ gia tăng nhanh. Tỷ số giới tính khi sinh đã có dấu hiệu gia tăng từ năm 1999, tuy nhiên, bắt đầu từ năm 2006, tỷ số giới tính khi sinh bắt đầu tăng và trở thành thách thức lớn với công tác dân số và nỗi lo lớn với các nhà hoạch định chính sách.

Bà Đỗ Thị Quỳnh Hương – Phó trưởng phòng Cơ cấu và Chất lượng dân số – Cục Dân số phát biểu tại buổi làm việc

       Tại buổi làm việc, Bà Đỗ Thị Quỳnh Hương – Phó trưởng phòng Cơ cấu và Chất lượng Dân số –  Cục Dân số đã chia sẻ thực trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tại Việt Nam hiện nay, nguyên nhân gốc rể của vấn đề để cùng thảo luận và đưa ra những giải pháp khắc phục tình trạng này. Chuyên gia Nguyễn Thị Bích Điểm chia sẻ về tổ chức xây dựng mô hình, tài chính, nhân lực và vai trò của quản lý, chỉ đạo và phối hợp thực hiện chương trình.

      Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, tỷ số giới tính khi sinh khá ổn định và có xu hướng giảm trong những năm gần đây. Chi cục Dân số cũng đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương tổ chức các hoạt động truyền thông tư vấn về bình đẳng giới trong chăm sóc SKSS/KHHGĐ trong các chương trình, kế hoạch, đề án được phê duyệt. Ngoài ra cũng tiến hành sản xuất, nhân bản tờ rơi, thông điệp, pano, apphich, tài liệu,... liên quan tuyên truyền về bình đẳng giới, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh tại cơ sở và cộng đồng dân cư. Tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề về nội dung mất cân bằng giới tính khi sinh thu hút hàng nghìn lượt người tham dự, cũng như thường xuyên tuyên truyền về nội dung giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh trên hệ thống truyền thanh cấp huyện, xã.

Ảnh: Các đại biểu tham dự trao đổi, thảo luận tại buổi làm việc

       Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc trong công tác tuyên truyền về giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh tại cơ sở được các đại biểu tham gia thảo luận như: quan niệm trọng nam hơn nữ, cần có con trai để nối dõi tông đường và thờ cúng tổ tiên sau này vẫn còn rất phổ biến ở địa phương; chế độ an sinh xã hội người cao tuổi chưa đảm bảo, hiện nay đa số người dân sống ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa chưa có lương hưu hay bảo hiểm tuổi già, trách nhiệm phụng dưỡng, chăm sóc cha mẹ về già chủ yếu thuộc về con trai nên họ sẽ cảm thấy lo lắng và không an tâm trong tương lai nếu chưa có con trai; việc tuyên truyền về mất cân bằng giới tính khi sinh tuy đã đến với mọi thành phần trong cộng đồng dân cư nhưng chưa sâu rộng đối với các đối tượng như: ông bà, vị thành niên, thanh niên, các cặp vợ chồng chuẩn bị kết hôn...

       Chương trình phối hợp rà soát đánh giá triển khai các mô hình lồng ghép nội dung kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh tại địa phương cũng được tiến hành tại Phường Hương Xuân, thị xã Hương Trà với sự tham dự của đồng chí Nguyễn Thị Thu Phương - Phó Chủ tịch Văn hoá - xã hội cùng các ban ngành đoàn thể của phường như: Uỷ Ban Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam, Hội cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội Chữ thập đỏ, Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ..

Ảnh: Bà Nguyễn Thị Thu Phương - Phó Chủ tịch Văn hoá - xã hội phường Hương Xuân – thị xã Hương Trà phát biểu tại buổi làm việc

          Ngoài ra, tại trường THCS Tố Hữu, Phường Thuận Lộc, TP Huế, đoàn làm việc còn tiến hành hai cuộc thảo luận nhóm với các thầy cô trong trường, đồng thời với các em học sinh hai khối 8 và 9 của trường.

Ảnh: Chuyên gia Nguyễn Thị Bích Điểm cùng các thầy cô tiến hành thảo luận nhóm

Ảnh: Bà Đỗ Thị Quỳnh Hương – Phó trưởng phòng Cơ cấu và Chất lượng dân số – Cục Dân số tham gia thảo luận cùng các em học sinh

          Nội dung của buổi thảo luận nhóm là về các mô hình lồng ghép nội dung mất cân bằng giới tính khi sinh tại nhà trường như: cơ chế phối hợp, tổ chức thực hiện, bố trí ngân sách, nguồn lực..cũng như những khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị trong thời gian tới. Phần thảo luận sôi nổi nhất là từ các em học sinh với những câu hỏi thiết thực về giới và giới tính, bình đẳng giới, định nghĩa mất cân bằng giới tính khi sinh cùng các nguyên nhân như: tư tưởng trọng nam khinh nữ, lạm dụng khoa học kỹ thuật trong việc lựa chọn giới tính thai nhi...từ đó kéo theo những hệ luỵ như xuất khẩu cô dâu, mại dâm, tệ nạn xã hội... Buổi thảo luận đã tăng thêm những kiến thức bổ ích cho các em học sinh ngay từ trong ghế nhà trường, từ đó lan rộng ra gia đình và xã hội.

         Một số hình ảnh khác:

Thùy Dung - Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thông điệp