Phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2022
(CTTĐT) - Sáng ngày 01/6, Sở Lao động – Thương và Xã hội (LĐ-TB&XH) phối hợp với UBND thành phố Huế tổ chức lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2022 với chủ đề "Chung tay bảo vệ trẻ em, hãy lên tiếng phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em”. Dự lễ phát động có UVTV Tỉnh ủy - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình; lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND các huyện, thị xã.
Tháng hành động vì trẻ em năm nay được triển khai từ ngày 1 đến 30/6, tập trung vào nhiều hoạt động như tổ chức chiến dịch truyền thông để nâng cao nhận thức cho trẻ; tạo các sân chơi lành mạnh đảm bảo kì nghỉ hè an toàn, vui tươi cho trẻ; đẩy mạnh các hoạt động phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước ở trẻ em. Để đạt được mục tiêu cao nhất là bảo vệ, giúp trẻ em sống trong môi trường an toàn, sẽ tập trung triển khai các giải pháp phòng ngừa, can thiệp, hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; kêu gọi nguồn lực xây dựng các điểm vui chơi; thăm, tặng quà động viên các em có thành tích học tập tốt.
Phát biểu tại lễ phát động, UVTV Tỉnh ủy - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cho biết, trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà đã tập trung huy động nhiều nguồn lực để thực hiện tốt các nhiệm vụ về bảo vệ chăm sóc trẻ em. Hàng ngàn trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn được hỗ trợ, giúp đỡ, qua đó thắp lên niềm tin, nghị lực và tạo điều kiện cho các em có cơ hội phát triển hòa nhập cộng đồng như các trẻ em khác. Nhân lễ phát động, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình nhiệt liệt biểu dương và khen ngợi các cấp, các ngành, các đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội, các doanh nghiệp, các tập thể, các nhà hảo tâm đã làm tốt trách nhiệm của mình, đóng góp cho sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em của tỉnh Thừa Thiên Huế ngày càng phát triển.
Để triển khai thực hiện có hiệu quả công tác trẻ em nói chung và các hoạt động trong Tháng hành động năm 2022 nói riêng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình đề nghị các địa phương chủ động đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức của toàn xã hội, nhất là gia đình, nhà trường và trẻ em về chung tay bảo vệ trẻ em, phòng chống xâm hại, bạo lực trẻ em. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Tăng cường phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội, giữa các ban, ngành, đoàn thể trong hoạt động chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em là trách nhiệm của gia đình, nhà nước và toàn xã hội. Đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho sự phát triển nguồn nhân lực, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước, cũng là cách đầu tư có hiệu quả nhất cho tương lai. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình, mong rằng các địa phương trên địa bàn tỉnh sẽ dành những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em, bằng nhiều việc làm thiết thực, hiệu quả hơn nữa cho trẻ em, đảm bảo cho mọi trẻ em được bảo vệ, chăm sóc và giáo dục tốt hơn và có cơ hội phát triển toàn diện, xứng đáng là những chủ nhân tương lai của đất nước.
Nhân dịp này, UBND tỉnh đã trao tặng 14 suất học bổng, mỗi suất trị giá 01 triệu đồng cho các em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn ở các trung tâm bảo trợ xã hội; Quỹ Chí Thiện hỗ trợ 10 suất học bổng, mỗi suất 01 triệu đồng cho 10 em có thành tích học tập xuất sắc. Ban tổ chức cũng đã trao các phần quà đến các trung tâm nuôi dưỡng trẻ, chăm sóc trẻ em, góp phần cho ngày tết thiếu nhi của các em thêm sung túc, vui tươi.
https://thuathienhue.gov.vn/vi-vn/Tin-tuc-su-kien/tid/Phat-dong-Thang-hanh-dong-vi-tre-em-nam-2022/newsid/73505E5F-7F34-4BA9-8E5F-AEA7009D9043/cid/2BEA0540-FCA4-4F81-99F2-6E8848DC5F2F
Nâng cao nhận thức cho thanh thiếu niên dân tộc thiểu số về tảo hôn và mua bán người
Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 01/06/2022 14:41 GMT+7
VTV.vn - Dự án Em Vui sẽ trở thành kênh thông tin hữu ích giúp thanh, thiếu niên dân tộc thiểu số phát triển toàn diện, nhận thức đầy đủ về nạn tảo hôn và tình trạng mua bán người
Còn nhiều trẻ em, thanh thiếu niên dân tộc thiểu số chưa đủ kiến thức về tảo hôn. Chỉ có rất ít (khoảng 3%) các em trong độ tuổi thanh thiếu niên có đủ khả năng nhận diện về các thủ đoạn tinh vi của những đối tượng mua bán người.
Từ thực tế này; một chương trình ứng dụng mang tên Em Vui với những nội dung sinh động và bổ ích đã được triển khai để các em dễ dàng truy cập các kiến thức và thông tin để bảo vệ mình. Đây là một trong các hoạt động chính của dự án "Tăng cường nhận thức của trẻ em, thanh thiếu niên dân tộc thiểu số về việc mua bán người và tảo hôn thông qua công nghệ số" đã được triển khai tại Hà Giang, Lai Châu, Quảng Bình và Quảng Trị. Dự án được thực hiện với sự hỗ trợ từ Liên minh châu Âu và tổ chức Plan international Bỉ.
Những tình huống cụ thể, dễ hiểu về phòng chống mua bán người, tảo hôn được xây dựng dưới dạng các tập phim truyện tranh đăng tải trên ứng dụng Em Vui.
Nền tảng Em Vui là một không gian kỹ thuật số cung cấp nhiều thông tin bổ ích về phòng tránh tảo hôn, nạn mua bán người. Tham gia nền tảng, trẻ em dân tộc thiểu số sẽ được trang bị các kiến thức và kỹ năng hữu ích. Bên cạnh đó, đây còn là không gian mở hướng đến sự kết nối và thu hút sự tham gia của các cá nhân, cơ quan, tổ chức cùng sử dụng.
Nền tảng Em Vui có các video hướng dẫn chi tiết sổ tay an toàn mạng; các tập phim truyện tranh “Hành trình của Mỉ” với nội dung nhằm giáo dục, truyền thông về phòng tránh tảo hôn, phòng, chống mua bán người; tài liệu về các chủ đề kiến thức pháp luật, kỹ năng phòng, chống tảo hôn, kỹ năng phòng, chống mua bán người, sức khoẻ sinh sản…
https://vtv.vn/xa-hoi/nang-cao-nhan-thuc-cho-thanh-thieu-nien-dan-toc-thieu-so-ve-tao-hon-va-mua-ban-nguoi-20220601142224242.htm
Công bố dự án mới về phòng chống bạo lực giới
Thứ ba, 7:42 PM 31/05/2022 | Dân số và phát triển
GiadinhNet – Dự án nhằm mục đích xây dựng, sửa đổi và thực hiện các chương trình, chính sách và luật pháp thông qua sử dụng cách tiếp cận dựa vào bằng chứng và quyền con người.
Theo Kết quả Điều tra Quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 do Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam hỗ trợ cho thấy, gần 2/3 phụ nữ (62,9%) đã từng chịu ít nhất một hình thức bạo lực về thể chất, tình dục, tinh thần, kinh tế và kiểm soát hành vi do chồng gây ra trong đời.
Hơn 1/2 phụ nữ từng bị chồng/bạn tình bạo lực thể chất hoặc tình dục không kể với ai về chuyện này và hầu hết nạn nhân bị bạo lực (90,4%) không tìm kiếm bất kỳ sự trợ giúp nào. Do vậy, bạo lực gia đình vẫn còn ẩn náu sâu trong xã hội Việt Nam. Đặc biệt, Điều tra còn cho thấy tỷ lệ bạo lực đối với phụ nữ tại vùng nông thôn cao hơn (28%) so với thành thị (22%).
Xuất phát từ thực tế trên, hôm nay (31/5) dự án mới mang tên: "Phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới và các thực hành có hại khác" được triển khai tại Hà Nội nằm trong khuôn khổ Chương trình Quốc gia lần thứ 10 của UNFPA dành cho Việt Nam giai đoạn 2022-2026. Dự án nhằm mục đích xây dựng, sửa đổi và thực hiện các chương trình, chính sách và luật pháp thông qua sử dụng cách tiếp cận dựa vào bằng chứng và quyền con người.
Theo ông Nguyễn Xuân Định, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, Dự án mới sẽ là đóng góp lớn trong hành trình giải quyết bạo lực trên cơ sở giới đối với phụ nữ và trẻ em gái tại Việt Nam.
"Hội Nông dân Việt Nam cam kết thực hiện dự án theo hướng đổi mới thiết thực, hiệu quả nhất nhằm đáp ứng nhu cầu của phụ nữ và trẻ em gái Việt Nam và đảm bảo sự an toàn cho họ, đồng thời giải quyết các chuẩn mực xã hội, thực hành có hại liên quan đến định kiến giới, vốn là nguyên nhân gốc rễ của bạo lực trên cơ sở giới", ông Nguyễn Xuân Định nói.
Tại buổi ra mắt Dự án, bà Naomi Kitahara,Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam cho biết, giải quyết bạo lực trên cơ sở giới và các thực hành có hại là một trong ba trụ cột chính trong Kế hoạch Chiến lược mới của UNFPA cho giai đoạn 2022-2025, và cũng là một ưu tiên rõ ràng trong chương trình quốc gia mới cho giai đoạn 2022-2026 của UNFPA Việt Nam. UNFPA sẽ nhân rộng quy mô những nỗ lực của mình để chấm dứt bạo lực trên cơ sở giới và các thực hành có hại tại Việt Nam.
Những kết quả mang tính chuyển đổi trong Kế hoạch Chiến lược tổng thể của UNFPA bao gồm: Không có tử vong mẹ có thể phòng ngừa được; Không có nhu cầu kế hoạch hóa gia đình chưa được đáp ứng và không có tình trạng bạo lực trên cơ sở giới và các thực hành có hại khác đối với phụ nữ và trẻ em gái.
Dự án dự kiến sẽ hỗ trợ công tác vận động dựa trên bằng chứng và cung cấp tư vấn kỹ thuật cho việc sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và Luật Bình đẳng giới nhằm đảm bảo bất kỳ nội dung nào liên quan đến bạo lực trên cơ sở giới và các thực hành có hại sẽ được phản ánh đầy đủ trong các điều Luật này và đảm bảo các bộ Luật tuân thủ các thông lệ quốc tế và các chính sách liên quan trong bối cảnh hiện tại của Việt Nam.
Dự án cũng sẽ xây dựng và triển khai những sáng kiến đổi mới và dựa trên kỹ thuật số về truyền thông xã hội và thay đổi hành vi nhằm huy động sự tham gia của cộng đồng, tập trung vào thanh thiếu niên; nam giới và trẻ em trai; và các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương khác với mục tiêu thay đổi thái độ, hành vi, cũng như đưa ra các hành động ngăn chặn bạo lực trên cơ sở giới cũng như các thực hành có hại khác.
Dự án được thực hiện bởi Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và sự tham gia của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế. Dự án sẽ được triển khai tại 4 tỉnh thành: Hà Nội, Thanh Hóa, Đà Nẵng và Lâm Đồng với tổng ngân sách 6,9 triệu đô-la Mỹ.
N.Mai
https://giadinh.suckhoedoisong.vn/cong-bo-du-an-moi-ve-phong-chong-bao-luc-gioi-172220531163023596.htm