Tìm kiếm tin tức
danh mục
Thông tin cần biết
Liên kết
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Điểm tin Dân số ngày 27/5/2022
Ngày cập nhật 27/05/2022

Quy chế hoạt động của BCĐ Quốc gia Dân số và Phát triển

25/05/2022 17:32

(Chinhphu.vn) - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam – Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia Dân số và Phát triển vừa ký Quyết định số 56/QĐ-BCĐQGDSPT ngày 25/5/2022 ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo này.

Ban Chỉ đạo Quốc gia Dân số và Phát triển (Ban Chỉ đạo Quốc gia) là tổ chức phối hợp liên ngành, thực hiện chức năng giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp giải quyết những công việc quan trọng, liên ngành về dân số và phát triển.

Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia có trách nhiệm thay mặt Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo Quốc gia; lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của Ban Chỉ đạo Quốc gia; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên Ban Chỉ đạo Quốc gia; chủ trì các cuộc họp của Ban Chỉ đạo Quốc gia để chỉ đạo phối hợp thực hiện các chính sách, chiến lược, đề án, dự án, kế hoạch, chương trình về dân số và phát triển và quyết định những vấn đề thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo Quốc gia.

Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia chịu trách nhiệm trước Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về thực hiện các nhiệm vụ được phân công và có trách nhiệm: Giúp Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia điều phối các hoạt động của Ban Chỉ đạo Quốc gia về triển khai thực hiện và đề xuất xây dựng cơ chế, chính sách, chiến lược, đề án, dự án, kế hoạch, chương trình về dân số và phát triển theo phân công; giúp Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia đôn đốc các cơ quan thực hiện công tác phối hợp về dân số và phát triển.

Còn các Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia chịu trách nhiệm trước Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về thực hiện các nhiệm vụ được phân công và có trách nhiệm: Thực hiện các nhiệm vụ về dân số và phát triển theo lĩnh vực được phân công; phối hợp với các thành viên Ban Chỉ đạo Quốc gia, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách, chiến lược, đề án, dự án, kế hoạch, chương trình về dân số và phát triển theo lĩnh vực được phân công; giúp Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các chính sách, chiến lược, đề án, dự án, kế hoạch, chương trình và các nhiệm vụ khác về dân số và phát triển của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ thuộc phạm vi, lĩnh vực phụ trách.

Ban Chỉ đạo Quốc gia làm việc thông qua các phiên họp thường kỳ và đột xuất dưới sự chủ trì của Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia hoặc Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia khi được Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia ủy quyền.

Bộ Y tế là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Quốc gia, chịu trách nhiệm bảo đảm các điều kiện hoạt động của Ban Chỉ đạo Quốc gia; thành lập Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia để giúp việc Ban Chỉ đạo Quốc gia; cán bộ của Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, không phát sinh biên chế.

Vũ Phương Nhi

https://baochinhphu.vn/quy-che-hoat-dong-cua-bcd-quoc-gia-dan-so-va-phat-trien-102220525170047169.htm

 

 

Công tác truyền thông về trẻ em năm 2022 sẽ tập trung nâng cao nhận thức về quyền trẻ em và kiến thức, kỹ năng chăm sóc trẻ em

Nhằm đảm bảo công tác truyền thông về trẻ em được phù hợp, đúng mục đích và thiết thực, hướng tới Tháng hành động vì trẻ em năm 2022, ngày 25/5, tại Hòa Bình, Cục Trẻ em đã phối hợp cùng tổ chức Plan thực hiện Hội thảo “Định hướng truyền thông về tháng hành động vì trẻ em và bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng”. Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam chủ trì và phát biểu khai mạc Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em cho biết, hiện nay, công tác tuyên truyền, truyền thông cần tiếp tục tập trung tới việc nâng cao nhận thức về bảo đảm trẻ em được thực hiện đầy đủ các quyền và nguyên tắc bảo đảm thực hiện quyền cũng như bổn phẩn của trẻ em; những vấn đề về kiến thức, kỹ năng chăm sóc, giáo dục trẻ em; phối hợp truyền thông trên nhiều kênh, nội dung nhất quán, thống nhất về thông điệp và phải tới được tận tay từng đối tượng.

“Phải tuyên truyền, truyền thông từ sớm, từ xa về công tác bảo vệ trẻ em, bảo đảm quyền trẻ em. Vì đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho phát triển bền vững của tương lai”, Cục trưởng Đặng Hoa Nam nhấn mạnh.

Báo cáo về nỗ lực hoạt động bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, Phó Cục trưởng Nguyễn Thị Nga làm rõ, thời gian qua, công tác bảo vệ trẻ em đã được Đảng và Nhà nước vô cùng quan tâm, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch COVID-19, thể hiện cụ thể qua số lượng lớn các văn bản quy phạm pháp luật, chính sách được ban hành nhằm đảm bảo quyền lợi cho trẻ em.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đã triển khai nhiều biện pháp, nhiều hành động cụ thể để bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, như: phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) để trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 830/QĐ-TTg ngày 01/6/2021 phê duyệt Chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021 - 2025”; tổ chức các hoạt động truyền thông, nâng cao năng lực, kiến thức, kỹ năng về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng nhân Tháng hành động vì trẻ em cho đội ngũ cán bộ, cha, mẹ và trẻ em nòng cốt; Trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị định 130/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em, trong đó có nội dung xử phạt hành chính về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; …

Bộ LĐTBXH cũng tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ TTTT xây dựng Bộ quy tắc ứng xử bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng và Cẩm nang số về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; xử lý kịp thời, quyết liệt đối với các hành vi vi phạm, các thông tin xấu, độc trên các mạng xã hội và kiên quyết yêu cầu những đơn vị này gỡ bỏ thông tin vi phạm, điển hình như: TIMMY TV, Thơ Nguyễn, Thuận Sanh Office, Team 2K9…

Trao đổi tại đây, nhà báo Hoàng Anh Tú cho rằng, cách sử dụng mạng internet của giới trẻ rất khác so với thế hệ trước, việc cha mẹ có thể kiểm soát và bảo vệ trẻ trên mạng đang trở nên khó khăn hơn. Chính lúc này, báo chí cần có vai trò cung cấp cho các bậc phụ huynh về các kỹ năng giúp trẻ em an toàn trên không gian mạng. Thêm vào đó, thời gian qua, các đơn vị báo chí thường hay tập trung và chạy theo các thông tin đem lại nhiều lượt theo dõi, nhiều lượt đọc mà một phần quên đi trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên không gian mạng. 

Đồng quan điểm, nhà báo Nguyễn Ngân chia sẻ, trong quá trình thực hiện tuyên truyền, truyền thông về các vấn đề liên quan tới trẻ em trên không gian mạng, các đơn vị cần tập trung tới việc đặt lợi ích của trẻ lên hàng đầu, xác định đúng đề tài, chủ đề và đặc biệt cần có phương pháp khai thác thông tin phù hợp, đúng nguyên tắc về bảo vệ trẻ em.

Thông tin thêm tại Hội thảo, lãnh đạo Cục Trẻ em cho biết, dự kiến, Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2022 sẽ được tổ chức tại Thành phố Hà Nội, với quy mô lớn và sẽ diễn ra trước tháng 6.

http://www.molisa.gov.vn/Pages/tintuc/chitiet.aspx?tintucID=231407

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thông điệp