nhandan.vn: Cô đơn và rối loạn tâm lý tuổi vị thành niên
Trẻ em ngày nay đối diện với nhiều áp lực trong cuộc sống, nếu không được chia sẻ, hỗ trợ kịp thời và đúng cách sẽ dẫn đến những suy nghĩ tiêu cực ngày càng tăng. Đây là yếu tố có thể dẫn đến những rối loạn tâm lý và làm tăng nguy cơ tự tử ở trẻ vị thành niên.
Gần 13% trẻ từ 13-17 tuổi luôn cảm thấy cô đơn
Mới đây, Bộ Y tế công bố con số có khoảng 13% trẻ cảm thấy cô đơn hầu hết thời gian hoặc luôn luôn cô đơn. Gần 7% thường xuyên cảm thấy lo lắng. Thế nhưng chỉ 30% cha mẹ, người giám hộ hiểu các vấn đề lo lắng của con...
Đặc biệt, tỷ lệ trẻ nghiêm túc xem xét việc tự tử trong 12 tháng qua 2 lần khảo sát có giảm nhẹ nhưng trong số 6-7 trẻ thì vẫn còn một trẻ nghiêm túc nghĩ đến việc tự tử trong một năm qua.
Đây là kết quả được khảo sát trên 7.800 học sinh lớp 8-12 (tương ứng trẻ 13-17 tuổi) của 81 trường học năm 2019.
Tình trạng trẻ vị thành niên tự tử liên quan đến mâu thuẫn trong gia đình và trường học vẫn thường được ghi nhận tại Khoa Sức khỏe vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương.
TS, BS Ngô Anh Vinh, Phó khoa Sức khỏe Vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, thời gian vừa qua, khoa Sức khỏe Vị thành niên - Bệnh viện Nhi Trung ương, các trẻ đến cấp cứu vì nhiều lý do, thấy ấm ức, tủi thân vì bị cha mẹ đánh, cha mẹ chưa hiểu mình nên hoặc bị bạn bè trêu chọc, điểm kém mà trẻ đã có ý định từ bỏ cuộc sống của mình.
Mới đây, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận một bệnh nhi 13 tuổi nhập viện do tự tử bằng thuốc giảm đau liều cao. Được biết, trẻ cảm thấy thất vọng vì bản thân không đáp ứng được những kỳ vọng của cha mẹ, lại thường xuyên xảy ra mâu thuẫn với gia đình do bất đồng quan điểm về phong cách sống và định hướng tương lai mà trẻ đã có ý định tự tử.
Một trường hợp khác là bệnh nhi 14 tuổi, trẻ đã uống thuốc ngủ tự tử sau khi bị mẹ đánh mắng.
Rất may mắn, trong cả 2 trường hợp trên, trẻ đã được gia đình đưa đi cấp cứu kịp thời nên không nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, tổn thương tâm lý có thể còn ảnh hưởng đến suốt đời.
Chuyên gia này chia sẻ, ở độ tuổi vị thành niên, những thay đổi về nhận thức, thể chất, tâm lý và cảm xúc thường làm cho trẻ nhạy cảm hơn với mọi thứ xung quanh. Trẻ gặp khó khăn trong việc tự điều chỉnh để thích nghi trong mối quan hệ với mọi người và những vấn đề khác trong cuộc sống.
Bên cạnh đó, tư duy muốn con phải nghe lời tuyệt đối của nhiều cha mẹ ở Việt Nam dễ gặp phải sự chống đối ở trẻ. Với những trẻ không chống đối, sự dồn nén tâm lý lâu ngày có thể đưa đến những hành vi phản ứng không ngờ.
Một số trẻ tự tử vì không giải tỏa được cảm xúc, cảm giác lạc lõng trong cuộc sống, một số khác tự tử vì “giận cha mẹ”, uất ức, tủi thân, một số vì lo lắng không đáp ứng được kỳ vọng của người khác, thậm chí 1 số trẻ tự tử chỉ vì muốn gây sự chú ý của người khác, để mọi người mãi nhớ đến mình.
Phân tích tâm lý của trẻ giai đoạn này, PGS, TS Trần Thu Hương, Khoa Tâm lý, ĐH Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội chia sẻ, về mặt bản chất, trong tiến trình phát triển, ở tuổi vị thành niên các con có sự thay đổi lớn về cơ thể, về hoóc-môn, ngoại hình, tâm tính, thay đổi về hành vi, nhận thức...
Thời điểm này trẻ có biểu hiện "nổi loạn" nằm ngoài tầm kiểm soát cảm xúc của các con vì sự thay đổi ở tuổi dậy thì. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là người lớn đôi khi không hiểu vì sao các con lại có sự "nổi loạn" đấy, và chỉ nhìn sự "nổi loạn" đó giống như hành vi sai trái, ứng xử kém hay chống đối với người lớn.
Theo thống kê của WHO, trong những năm gần đây, tỷ lệ trầm cảm, các vấn đề rối loạn hành vi vì stress, tự sát ở tuổi vị thành niên ngày càng gia tăng. Độ tuổi có tỷ lệ các hành vi nguy cơ cao (bao gồm cả hành vi tự sát) là từ 14-19…
Đây là giai đoạn trẻ có nhiều biến đổi, trong tâm thế chưa phải là người lớn nhưng cũng không còn là trẻ con, vừa muốn tự chủ nhưng lại đang sống phụ thuộc vào bố mẹ...
Trẻ mong muốn được thấu cảm, chia sẻ và nhận được sự tin tưởng từ gia đình, nhưng rất ít cha mẹ có thể tin tưởng hoàn toàn vào con mình và chấp nhận những điều con nói.
Đó là lý do khiến trẻ hạn chế mở lòng, chia sẻ với cha mẹ và tự bức xúc với chính mình, gây nên những hành vi tổn hại chính bản thân.
Cha mẹ cần quan tâm con đúng mực
TS, BS Ngô Anh Vinh cho hay, ở tuổi vị thành niên, song song với việc phát triển thể chất thì trẻ sẽ có những thay đổi rõ rệt về mặt tâm lý.
Sự phát triển cái “tôi” ở trẻ ở giai đoạn dậy thì khiến cho trẻ có nhu cầu được thể hiện sở thích riêng, có những suy nghĩ, quyết định riêng và đòi hỏi cha mẹ cần phải tôn trọng, không can thiệp quá sâu.
Bởi vậy, nhiệm vụ của cha mẹ lúc này, ngoài tạo cho con kỹ năng tự lập, chịu trách nhiệm và có thể đưa ra một số quyết định trong cuộc sống thì cũng cần theo dõi con để kịp thời hỗ trợ, can thiệp, giúp đỡ con nếu gặp phải lo âu hoặc có những suy nghĩ, hành động lệch lạc.
Tương tác với con rất quan trọng, nhưng các bậc phụ huynh không nên áp đặt hoặc đặt kỳ vọng quá cao, sẽ gây áp lực cho trẻ. Cha mẹ nên dành nhiều thời gian để lắng nghe con, giải thích để con hiểu và dẫn dắt con đi đúng hướng.
“Trong mọi tình huống, chúng ta nên kiềm chế cảm xúc. Cha mẹ tuyệt đối đừng vì bất lực, nóng giận mà nói ra những lời nhục mạ, xúc phạm, thậm chí là cấm đoán, ép buộc, bạo hành thân thể, bạo hành tinh thần trẻ. Với những lỗi sai, cha mẹ đừng nên phán xét, hãy động viên và cùng con vạch ra mục tiêu để trẻ cố gắng vươn tới. Sự quan tâm đúng mực sẽ giúp cha mẹ có thể đồng hành với con trong cuộc sống”, bác sĩ Vinh nói.
Theo chuyên gia này, vai trò của nhà trường rất quan trọng. Nhiều trường đặt ra những áp lực học tập, thành tích lớn, môi trường giáo dục khắt khe cũng tạo ra những cảm xúc tiêu cực với trẻ. Vì thế, nhà trường cũng cần tạo cho trẻ môi trường học tập thân thiện với sự quan tâm, đồng hành của giáo viên.
Các trường học nên có phòng tư vấn tâm lý để kịp thời nắm bắt, tư vấn, giúp đỡ trẻ vị thành niên khi các em gặp vướng mắc trong cuộc sống.
“Mặc dù nguyên nhân của tự tử rất đa dạng nhưng đa số các vụ tự tử có thể đề phòng được với các biện pháp theo dõi quan sát tế nhị và sát sao, xử lý thích đáng và kịp thời. Để làm được điều này, rất cần sự chung tay của gia đình, nhà trường và xã hội”, bác sĩ Vinh nói.
Để kịp thời can thiệp, bác sĩ Vinh cảnh báo một số dấu hiệu ở trẻ có nguy cơ tự tử để các gia đình theo sát con. Đầu tiên là trẻ luôn than thở buồn chán, nghĩ mình đầy tội lỗi xấu xa, cảm thấy bất tài vô dụng. Đặc biệt, trẻ để lại những lời nhắn nhủ với bạn bè, mọi người qua mạng xã hội, thư, nhật ký,… với lời chào vĩnh biệt. Có ý định tàng trữ, cất giấu những vật dụng để thực hiện hành vi tự tử như: tích trữ thuốc ngủ, chuẩn bị dây, dao sắc nhọn….
TRẦN LAM
https://nhandan.vn/tin-tuc-y-te/co-don-va-roi-loan-tam-ly-tuoi-vi-thanh-nien-698460/
baodantoc.vn-Những tín hiệu lạc quan về bình đẳng giới ở vùng DTTS : Nhiều phụ nữ đã vượt qua rào cản (Bài 1)
Thuý Hồng - 13:34, 21/05/2022
Ngày 28/11/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1898/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2018-2025". Sau 4 năm triển khai thực hiện đã tạo sự chuyển biến thực chất về bình đẳng giới.
Những tấm gương vượt lên chính mình
Xuất thân từ gia đình nghèo khó, bản thân không thông thạo tiếng phổ thông, vừa đến tuổi thanh niên thì lấy chồng như bao người con gái khác ở vùng cao, nhiều người nghĩ chị Hoàng Thị Cẩn, ở thôn Lừu 2, xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu, Yên Bái sẽ lại bước vào vòng quay đói nghèo. Nhưng bản thân chị lại không nghĩ như vậy, chị Cẩn luôn ấp ủ ước mơ được thoát nghèo.
Với khát khao thoát khỏi đói nghèo, gia đình có cuộc sống ổn định, vào những năm 2000, khi nhiều người dân vùng cao, vẫn chỉ quanh quẩn với mấy thửa ruộng nhỏ và vào rừng hái măng, hái rau dại, thì gia đình chị Cẩn đã bắt đầu cải tạo những nương cằn thành ruộng nước, nuôi gà, nuôi cá để đem bán. Rồi có vốn lớn hơn thì mua lợn, mua trâu, bò về nuôi. Bất cứ lúc nào xã, huyện mở lớp hướng dẫn sản xuất, chăn nuôi là anh chị lại lặn lội theo học để lấy kinh nghiệm.
Có những lúc gà dịch chết, trâu bò bị bệnh và cả những năm mất mùa, cũng không làm chị nản chí. Hiện nay, gia đình chị Cẩn đã là một trong những gia đình khá giả nhất bản. Anh chị đang sở hữu một gia trại với 14 con trâu bò, hơn 50 con lợn và hàng trăm con gia cầm. Thu nhập bình quân hàng năm sau khi trừ chi phí trên 300 triệu đồng.
Chị Cẩn chia sẻ: Có được như ngày hôm nay, là được Nhà nước giúp vốn vay ưu đãi và các cấp hướng dẫn kinh nghiệm sản xuất. Giờ thì thu nhập cao hơn, cuộc sống ổn định, mình có điều kiện để chăm lo cho cuộc sống, gia đình tốt hơn".
Hay như với chị Hoàng Thị Sưới, sinh năm 1975 ở bản Boong Xanh, xã Chiềng Pằn, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La, cũng đã mạnh dạn tham gia phát triển kinh tế, khẳng định giá trị của bản thân, xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc.
Được nâng cao nhận thức từ các mô hình “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”, “Phụ nữ làm kinh tế giỏi” và “Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp”, chị đã bàn với chồng quyết tâm phát triển kinh tế gia đình.
Nghĩ là làm, chị bàn với chồng đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi. Ban đầu chăn nuôi với quy mô nhỏ, sau khi có vốn tiếp tục mở rộng thêm chuồng trại tập trung nuôi lợn thịt, 1 năm xuất khoảng 1 tấn lợn thịt, sau khi trừ chi phí cũng mang lại cho gia đình khoảng 200 triệu đồng.
Nhận thấy trồng cây ăn quả phù hợp với địa hình, khí hậu nơi sinh sống, vợ chồng chị còn cải tạo diện tích đất sản xuất, trồng thêm 500 cây xoài ghép trên diện tích đất đồi của gia đình… Từ mô hình tổng hợp này, đã mang lại thu nhập cho gia đình mỗi năm từ 350 - 400 triệu đồng.
Chia sẻ về kinh nghiệm phát triển kinh tế gia đình, chị Hoàng Thị Sưới tâm sự: Xuất phát từ gia đình thuần nông nên khó khăn về kinh tế, do đó bản thân tôi đã nỗ lực, vượt khó vươn lên, tôi đã tập trung vào phát triển kinh tế với mô hình đa cây, con kết hợp, từ đó thì kinh tế gia đình ngày càng ổn định.
Chị Cẩn, chị Sưới, là minh chứng cho rất nhiều phụ nữ DTTS đã và đang tự mình thay đổi vận mệnh, chứng tỏ bản lĩnh, vị thế của mình trong xu thế hội nhập và phát triển của đất nước, bằng những hành động, việc làm cụ thể như, ttham gia hệ thống chính trị, tích cực trong công tác xã hội; tự tin làm chủ gia đình; mạnh dạn đầu tư xây dựng các mô hình phát triển sản xuất, thoát khỏi đói nghèo, từng bước vươn lên làm giàu.
Thúc đẩy bình đẳng giới ở vùng đồng bào DTTS
Thực hiện Đề án "Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2018-2025", sau 4 năm triển khai (2018- 2021), đến nay Đề án đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tạo sự chuyển biến trong nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp và đông đảo tầng lớp Nhân dân trong cộng đồng các DTTS. Từ việc thực hiện bình đẳng giới ở vùng DTTS, góp phần vào phát triển kinh tế, văn hóa gia đình người DTTS.
Theo báo cáo của Ủy ban Dân tộc, giai đoạn 2018-2021, Ủy ban Dân tộc đã tổ chức biên soạn, phát hành hơn 20.000 tờ rơi, tờ gấp tuyên truyền về bình đẳng giới bằng nhiều thứ tiếng dân tộc. Có hơn 1.800 mô hình, mô hình điểm về bình đẳng giới; phòng, chống bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới ở cả cấp Trung ương và địa phương được xây dựng, hoạt động hiệu quả... Bên cạnh đó, từ các mô hình giúp phụ nữ phát triển kinh tế đã gia tăng chủ hộ nữ làm kinh tế giỏi.
Đánh giá về hiệu quả từ việc triển khai Đề án "Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2018-2025", bà Hoàng Thị Hạnh, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc nhìn nhận, việc tổ chức triển khai thực hiện Đề án, đã tạo sự chuyển biến trong nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp, vị thế của phụ nữ người DTTS trong các lĩnh vực đời sống kinh tế-xã hội được nâng lên.
HIện nay, tỷ lệ phụ nữ người DTTS tham gia cấp ủy, chính quyền, hội đồng nhân dân, Quốc hội... có xu hướng tăng; tỷ trọng việc làm của lao động nữ DTTS trong lĩnh vực nông-lâm-ngư nghiệp giảm từ 83,8% xuống 76,4% và tăng lên trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ; tỷ lệ phụ nữ DTTS biết đọc, biết viết tiếng phổ thông cũng tăng dần qua mỗi năm.
Dù đã đạt được những kết quả tích cực, nhưng vẫn còn một số khó khăn, bất cập trong thực hiện công tác bình đẳng giới, như: Công tác tuyên truyền, vận động ở một số địa phương chưa được sâu rộng, hiệu quả; định kiến về giới, còn tồn tại trong một bộ phận không nhỏ người dân; vẫn còn cán bộ cũng chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của bình đẳng giới.
Làm thế nào để tiếp tục thúc đẩy nhiều hơn phụ nữ DTTS vượt qua chính mình, thoát khỏi những định kiến xã hội để họ tự tin khẳng định mình cộng đồng, xã hội, vẫn đang là vấn đề được các ngành, các cấp chính quyền, các tổ chức đặc biệt quan tâm tìm kế sách, giải pháp hiệu quả...
https://baodantoc.vn/nhung-tin-hieu-lac-quan-ve-binh-dang-gioi-o-vung-dtts-nhieu-phu-nu-da-vuot-qua-rao-can-bai-1-1652529221407.htm
baodantoc.vn-Những tín hiệu lạc quan về bình đẳng giới trong vùng DTTS, miền núi: Bình đẳng giới gắn với phát triển kinh tế xã hội (Bài 2)
Thuý Hồng - 16:07, 23/05/2022
Trên thực tế, việc thúc đẩy bình đẳng giới cho phụ nữ DTTS vẫn phải đối mặt với không ít rào cản. Việc lồng ghép các chính sách về giới chưa được các cấp chính quyền quan tâm đúng mức, hiệu quả chưa cao dẫn đến tác động làm thay đổi nhận thức về bình đẳng giới chưa đạt kết quả như mong muốn.
Nhận diện rào cản trong thúc đẩy BĐG
Trong tổng số hơn 14 triệu người DTTS ở nước ta hiện nay, phụ nữ chiếm 49,8%. Tỷ lệ phụ nữ và nam giới tương đối cân bằng, nhưng phụ nữ DTTS đang là nhóm đối tượng yếu thế. Họ phải chịu nhiều thiệt thòi, chịu sự bất bình đẳng về giới từ trong gia đình cho đến ngoài xã hội.
Bất bình đẳng dễ nhận biết nhất là nam giới, được coi là người chủ trong gia đình khi có tới 74% nam giới ở các hộ gia đình DTTS đứng tên độc lập về quyền sở hữu đất đai, tín dụng… Bạo lực trong gia đình DTTS xảy ra khá phổ biến, nhất là ở những dân tộc phụ hệ. Đáng lo ngại hơn, tỷ lệ tảo hôn vùng DTTS vẫn còn chiếm tỷ lệ khoảng 20%. Trong nhóm tảo hôn, trẻ em gái dưới 16 tuổi kết hôn cao gấp 3,4 lần trẻ em trai.
Người phụ nữ DTTS đang phải chịu sự bất bình đẳng trong rất nhiều lĩnh vực. Ngay cả đối với các phụ nữ DTTS tham gia cấp ủy, cơ quan hành chính Nhà nước các cấp, mặc dù đều tăng cả về số lượng và chất lượng, nhưng cũng đang có những khoảng cách chênh lệch so với nam giới.
Theo ông Lưu Xuân Thuỷ, Vụ trưởng Vụ Dân tộc Thiểu số (Uỷ ban Dân tộc) nguyên nhân khiến cho việc thúc đẩy bình đẳng giới còn nhiều thách thức, là do nhận thức của đồng bào DTTS nhất là của phụ nữ về bình đẳng giới còn hạn chế. Bên cạnh đó, sự tồn tại của những phong tục tập quán, tín ngưỡng, hủ tục lâu đời trong đời sống đồng bào các dân tộc cũng là nguyên nhân gây khó khăn để đạt được các mục tiêu về bình đẳng giới.
“Tư tưởng định kiến giới còn tồn tại, một bộ phận không nhỏ trong cán bộ vẫn chưa nhận thức đẩy đủ tầm quan trọng của bình đẳng giới, thực hiện pháp luật về bình đẳng giới. Các rào cản này gây khó khăn trong việc triển khai thực hiện chính sách về bình đẳng giới tại địa phương”, ông Thuỷ cho biết thêm.
Bên cạnh những rào cản lớn của phụ nữ DTTS, là định kiến xã hội về trao quyền; bấp bênh về thu nhập; một bộ phận phụ nữ còn chưa chủ động vượt khó vươn lên để chứng tỏ bản lĩnh, vị thế của mình trong gia đình và xã hội.
Bình đẳng giới gắn liền với phát triển kinh tế xã hội
Để tiếp tục thúc đẩy bình đẳng giới, thay đổi những quan niệm lạc hậu mang tính định kiến giới ở vùng DTTS, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 28/NQ-CP phê duyệt Chiến lược quốc gia về BĐG giai đoạn 2021-2030, với mục tiêu tổng quát “Tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước”.
Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, nước ta có ít nhất 80% hộ gia đình DTTS được tiếp cận thông tin, kiến thức pháp luật về bình đẳng giới; 30-50% các xã có đồng bào DTTS ít người sinh sống xây dựng mô hình bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực đối phụ nữ, trẻ em gái.
Đặc biệt Dự án Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em (Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi), với mục tiêu nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới cũng được kì vọng sẽ thúc đẩy bình đẳng giới của vùng.
Theo đó, Dự án sẽ triển khai xây dựng và nhân rộng các mô hình thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ; thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em; Phát triển và nhân rộng mô hình tiết kiệm và tín dụng tự quản để tăng cường tiếp cận tín dụng, cải thiện cơ hội sinh kế, tạo cơ hội tạo thu nhập và lồng ghép giới; Thí điểm và nhân rộng mô hình địa chỉ an toàn hỗ trợ bảo vệ phụ nữ là nạn nhân bạo lực gia đình…
Bà Elisa Fernandez, Trưởng văn phòng UN Women tại Việt Nam cho rằng, nhu cầu giới cần được coi là một phần quan trọng của chính sách dân tộc. Để làm được điều này, các cơ quan chức năng, trực tiếp là Ủy ban Dân tộc cần tăng cường nguồn lực, thiết kế giải pháp và hành động sáng tạo.
Theo Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc, Hoàng Thị Hạnh, việc thúc đẩy bình đẳng giới tại vùng DTTS cần gắn liền với phát triển đồng bộ về hạ tầng cơ sở thiết yếu và phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Khi kinh tế phát triển, trình độ dân trí được nâng lên, thì ý thức của người dân về bình đẳng giới trong cộng đồng người DTTS cũng sẽ được cải thiện.
Điều đó có nghĩa là thúc đẩy bình đẳng giới cần phải được ưu tiên trong mọi lĩnh vực, hoạt động. Qua thực tế triển khai cho thấy, tại các địa bàn được quan tâm triển khai thực hiện bình đẳng giới, nơi đó có những dấu hiệu tích cực chuyển biến nhận thức xã hội đối với công tác bình đẳng giới.
Do đó, cần áp dụng, nhân rộng những mô hình hay, hiệu quả tại cấp cơ sở, tăng cường giáo dục pháp luật, kiến thức về bình đẳng giới tại vùng DTTS bằng nhiều hình thức sáng tạo, phù hợp với ngôn ngữ, phong tục tập quán của đồng bảo DTTS để lan tỏa tới cộng đồng những thông điệp ý nghĩa về bình đẳng giới.
https://baodantoc.vn/nhung-tin-hieu-lac-quan-ve-binh-dang-gioi-trong-vung-dtts-mien-nui-binh-dang-gioi-gan-voi-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-bai-2-1652529692599.htm