Chất lượng dân số - cái gốc của mọi sự phát triển
Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 17/05/2022 21:13 GMT+7
VTV.vn - Mất cân bằng giới tính khi sinh, tảo hôn, bệnh tan máu bẩm sinh tăng, hàng loạt vấn đề ảnh hưởng chất lượng dân số đang có nguy cơ trầm trọng hơn.
Mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn ở mức báo động
Ngoài làm ruộng, anh Nguyễn Văn Nam (xã Minh Sơn, Hữu Lũng, Lạng Sơn) làm thêm thợ xây, còn vợ đi làm lao động thời vụ. Vất vả nhưng cũng nhờ bố mẹ hỗ trợ, động viên, sau lần sinh thứ 3 vẫn là con gái, lần thứ 4 gia đình được toại nguyện.
Ở huyện Hữu Lũng - dải đất nối liền trung du và đồng bằng Bắc Bộ, tỷ số giới tính khi sinh là 121 trẻ trai/100 trẻ gái, cao nhất tỉnh Lạng Sơn. Riêng xã Minh Sơn, từ đầu năm đến nay, tổng sinh là 29 bé, trong đó có 20 trẻ trai. Điều đáng nói, gần 10 trẻ là con thứ 3 trở lên và mong muốn có con trai không chỉ ở gia đình một bề.
Ở trường mầm non của xã, lớp nào số trẻ trai cũng cao hơn số trẻ gái. Đặc biệt lớp trẻ 5 tuổi này, sĩ số 27 thì có tới 18 bé trai. Nhiều bé là con thứ 3, thứ 4, thậm chí đã có anh trai.
Mất cân bằng giới tính khi sinh với tình trạng thừa nam, thiếu nữ, trong tương lai không xa, sẽ để lại những hệ lụy ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, xã hội. Nguy cơ thường trực nhưng hậu quả chưa hiện hữu thế nên tình trạng này vẫn đang ở mức đáng báo động.
Mất cân bằng giới tính khi sinh chỉ là một trong những yếu tố ảnh hưởng chất lượng dân số hiện nay. Còn một vấn đề cũng đang nổi lên, rất đáng lo ngại, đó là tình trạng tảo hôn.
Theo thống kê tại Việt Nam, tỷ lệ nam giới tảo hôn là hơn 20%, nữ giới cao hơn với tỷ lệ 23,5%. Trung du miền núi phía Bắc có tỷ lệ tảo hôn cao hơn hẳn các vùng khác. Giữa tảo hôn và thất học, suy giảm chất lượng cuộc sống có mối quan hệ mật thiết, thậm chí là vòng luẩn quẩn. Chúng ta vẫn thường nghĩ đây là vấn đề ở vùng sâu vùng xa nhưng thực tế thì nó đang diễn ra ngay cả ở thành phố.
Thành phố cũng có tảo hôn
Ở thành phố Lạng Sơn, những cặp vợ chồng về ở với nhau khi chưa thành niên không còn hiếm. Như gia đình tại xã Hoàng Đồng này đã làm lễ thành hôn cho con trai cách đây 2 năm, khi chưa đến 20 tuổi với cô gái mới bước qua tuổi 16, đang học dở lớp 10.
Những người làm công tác dân số đều hiểu dù có tuyên truyền như thế nào đi nữa, khi 2 gia đình đã quyết định thì việc can thiệp là rất khó. Nhất là khi con trẻ đưa bố mẹ vào tình thế đã rồi thì không còn cách nào khác. Có một cách nói vui, hài hước nhưng khá đúng với thời bây giờ là "con đặt đâu cha mẹ ngồi đó".
Nhiều nguyên nhân khách quan đã được chỉ mặt đặt tên như là giờ dậy thì sớm, internet phổ biến, trang web đen nhiều... nhưng một giải pháp khá quan trọng đó là dịch vụ phòng tránh thai thân thiện thì gần như không có. Trong khi các bạn trẻ chẳng ai vào trạm y tế để tìm hiểu hoặc lấy phương tiện tránh thai.
Tảo hôn là một vấn đề xã hội của quốc gia nên cần có cách tiếp cận giải quyết ở tầm quốc gia.
Cùng việc bổ sung chỉ tiêu chống tảo hôn vào các chỉ tiêu về nâng cao chất lượng dân số thì quan trọng còn là nhân rộng mô hình điểm hiệu quả, từng bước mở rộng và tiến tới phổ cập cung cấp dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn.
Còn một vấn đề nổi cộm bấy lâu nay ảnh hưởng dai dẳng đến chất lượng dân số phải kể đến nữa là bênh tan máu bẩm sinh hay tên khoa học là bệnh Thalasermi.
Việt Nam hiện có tới 13 triệu người, tương đương 13% dân số, mang gen bệnh nguy hiểm này, tạo áp lực nặng nề lên ngân hàng máu cũng như gánh nặng về chi phí xã hội. Và có trên 20.000 người ở mức độ nặng cần điều trị cả đời. Trong khi đó, việc tuyên truyền để nâng cao nhận thức và các giải pháp phòng ngừa vẫn đang rất khó khăn.
Nan giải số mắc tan máu bẩm sinh tăng
Từ lúc sinh ra, luôn gầy yếu với nước da trắng nhợt nhạt nhưng cô bé 14 tuổi người Tày này mới được phát hiện mắc tan máu bẩm sinh cách đây 5 năm, sau 1 lần bị ngã phải vào viện. May mắn là ở thể nhẹ nên lúc đầu 3 tháng truyền máu 1 lần, rồi cách 6 tháng. Nhưng cả năm qua, do mẹ mang bầu em thứ ba, hoàn cảnh gia đình lại khó khăn nên em chưa được tái khám.
Phải nghe bác sỹ giải thích nhiều lần người mẹ mới hiểu phần nào nguyên nhân bệnh của con. Còn hàng xóm cũng như người dân trong bản chẳng ai tin đây là bệnh do nhận gen di truyền của bố và mẹ.
Theo một khảo sát tại tỉnh Lạng Sơn, trong số người Tày Nùng thì có tới 27% mang gen bệnh tan máu bẩm sinh. Trong khi dân tộc này chiếm hơn 70% dân số của tỉnh. Điều này cho thấy rõ hơn nguy cơ hiện hữu thêm nhiều trẻ sinh ra mắc bệnh. Năm 2020 Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn quản lý hơn 900 trẻ từ 3 tháng đến 15 tuổi bị tan máu bẩm sinh, thì năm vừa rồi con số này đã tăng lên hơn 1.200 trẻ.
Bệnh có thể phòng ngừa với biện pháp hữu hiệu là tầm soát tiền hôn nhân và tiền thai sản dựa vào xét nghiệm máu. Nhưng việc này ngay cả thành phố tuyên truyền còn khó chứ chưa nói đến những người dân tộc thiểu số.
Khó nhưng vẫn rất cần tiếp tục tuyên truyền để không còn nữa những nỗi đau mang tên bệnh, ảnh hưởng chất lượng dân số. Quan trọng nhất vẫn là xét nghiệm tầm soát trước khi kết hôn để xác định có mang gen bệnh hay không, từ đó lựa chọn đúng đắn về hôn nhân cũng như quyết định mang thai. Khi đã mang thai thì nên tầm soát trước sinh. Và sàng lọc sơ sinh cũng có thể phát hiện sớm các bất thường để điều trị, cải thiện chất lượng cuộc sống.
Cải thiện sức khỏe sinh sản cho vị thành niên, thanh niên
TTH - Đây là mục tiêu chính của Đề án Chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS), sức khỏe tình dục (SKTD) vị thành niên, thanh niên (VTN-TN) giai đoạn 2021-2025 đã được Bộ Y tế ban hành và triển khai về các địa phương trong nước.
Ngày 28/8/2020, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 3781/QĐ-BYT phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về chăm sóc SKSS, SKTD cho VTN-TN giai đoạn 2020-2025. Để triển khai thực hiện các chỉ tiêu của Kế hoạch và hướng dẫn địa phương xây dựng, huy động nguồn lực thực hiện Kế hoạch, ngày 29/12/2021, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định về “Đề án Chăm sóc SKSS, SKTD VTN-TN giai đoạn 2021-2025”.
Mục tiêu của Đề án là: Cải thiện tình trạng SKSS, SKTD của VTN-TN thông qua việc đẩy mạnh truyền thông, tư vấn và tăng cường cung cấp dịch vụ chuyên môn kỹ thuật chăm sóc SKSS, SKTD có chất lượng, phù hợp với điều kiện học tập, làm việc và sinh hoạt của các nhóm VTN-TN, góp phần đưa VTN-TN trở thành một lực lượng lao động khỏe mạnh đóng góp vào các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam.
Theo đó, đề án tập trung giải quyết những vấn đề ưu tiên đã được nêu trong kế hoạch hành động quốc gia về chăm sóc SKSS, SKTD cho VTN-TN giai đoạn 2020-2025. Trong đó, nâng cao nhận thức của cấp ủy và chính quyền các cấp, các ban ngành và bản thân VTN trong chăm sóc SKSS, SKTD của VTN-TN; Tăng cường khả năng tiếp cận và chất lượng dịch vụ thân thiện với VTN-TN, chú ý đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của VTN-TN.
Đối tượng can thiệp trực tiếp và ưu tiên của đề án gồm các nhóm sau: VTN trong độ tuổi từ 10 đến 14. VTN-TN khuyết tật. VTN-TN và người trẻ dưới 30 tuổi chưa kết hôn hoặc đã kết hôn lao động tại các khu công nghiệp/khu chế xuất. Dân tộc thiểu số. VTN-TN có hành vi nguy cơ cao đối với SKSS, SKTD; các nhà hoạch định chính sách có liên quan đến hoạt động chăm sóc SKSS, SKTD VTN-TN; cha mẹ, thầy/cô giáo, nhà quản lý doanh nghiệp, cán bộ Đoàn thanh niên, Công đoàn, Hội Phụ nữ.
Đề án cũng sẽ tập trung đẩy mạnh giáo dục và truyền thông thay đổi hành vi. Từ đó, nâng cao hiệu quả quản lý và năng lực cho mạng lưới chăm sóc SKSS, SKTD của VTN-TN. Đảm bảo tài chính, đổi mới phương thức chi trả nhằm tăng khả năng tiếp cận và chất lượng dịch vụ chăm sóc SKSS, SKTD VTN-TN. Đảm bảo nguồn nhân lực chuyên ngành và nâng cao năng lực chuyên môn SKSS, SKTD VTN-TN cho y tế các tuyến. Về cơ sở vật chất và nghiên cứu khoa học, công nghệ, nâng cao tính sẵn có và chất lượng dịch vụ chăm sóc SKSS, SKTD thân thiện cho VTN-TN Việt Nam.
Tại Thừa Thiên Huế, từ đầu năm 2022 đến nay, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh phối hợp với Hội KHHGĐ tỉnh, Phòng Giáo dục – Đào tạo và Liên đoàn Lao động các huyện, Huyện đoàn các địa phương tổ chức các hoạt động truyền thông “Chăm sóc sức khỏe sinh sản và giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống” cho VTN-TN và người lao động. Tại mỗi diễn đàn, VTN-TN và người lao động được cung cấp nhiều kiến thức cơ bản về chăm sóc sức khỏe sinh sản – kế hoạch hóa gia đình, thông tin các bệnh lây truyền qua đường tình dục, phòng, chống HIV/AIDS, sàng lọc trước sinh và sơ sinh, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống...
Đồng Văn
https://baothuathienhue.vn/cai-thien-suc-khoe-sinh-san-cho-vi-thanh-nien-thanh-nien-a113016.html
Chia sẻ cùng bệnh nhân Thalassemia
TTH.VN - Sáng 6/5, Công đoàn Bệnh viện Trung ương Huế phối hợp với Trung tâm Huyết học - Truyền máu và Câu lạc bộ Blouse Xanh (Trường Đại học Y Dược Huế) tổ chức hoạt động giao lưu, thăm hỏi, tặng quà cho các bệnh nhân Thalassemia đang điều trị tại bệnh viện.
Đây là hoạt động ý nghĩa hưởng ứng 36 năm Ngày Thalassemia thế giới (08/5/1986 - 08/5/2022), với mong muốn chia sẻ sự đồng cảm ấm áp với các bệnh nhân tan máu bẩm sinh. Đồng thời, tiếp tục truyền đi thông điệp: "Hãy cùng quan tâm, chia sẻ và chung tay nâng cao hiểu biết về bệnh tan máu bẩm sinh".
Thalassemia còn gọi là bệnh tan máu bẩm sinh là do tan máu di truyền. Bệnh có hai biểu hiện nổi bật là thiếu máu do tan máu và ứ sắt trong cơ thể nên bệnh nhân phải điều trị suốt đời. Nếu không được điều trị đầy đủ sẽ có nguy cơ xảy ra nhiều biến chứng lâu dài, như: xơ gan, suy tim, suy tuyến nội tiết, các biến chứng về xương, sỏi mật, sạm da…, khiến bệnh nhân chậm phát triển thể chất, giảm sức học tập, lao động, tuổi thọ thấp.
Trên thế giới có khoảng 7% người dân có mang gen bệnh tan máu bẩm sinh và khoảng 1,1% cặp vợ chồng có nguy cơ sinh con bị bệnh hoặc mang gen bệnh. Tại Việt Nam hiện có khoảng 13 triệu người, tương đương 13% dân số, mang gene bệnh tan máu bẩm sinh. Trong đó, tỷ lệ người dân là đồng bào dân tộc miền núi mang gen bệnh cao, chiếm từ 20 - 40%, một trong những nguyên nhân chính là do kết hôn cận huyết. Mỗi năm có khoảng hơn 8.000 trẻ em sinh ra bị bệnh tan máu bẩm sinh, trong đó khoảng hơn 2.000 trẻ bị bệnh nặng. Chất lượng sống của các bệnh nhân bị tan máu bẩm sinh rất thấp. Cho đến nay việc điều trị mới chỉ giúp cải thiện tốt cuộc sống của người bệnh mà chưa thể chữa khỏi bệnh.
Hiện nay, Bệnh viện Trung ương Huế đang quản lý hơn 300 bệnh nhân Thalassemia đến từ các tỉnh, thành phố trong khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Số lượng phát hiện mới mỗi năm khoảng 20-30 bệnh nhân. Bên cạnh đó có nhiều bệnh nhân Thalassemia thể nhẹ hay mang gen bệnh được phát hiện tình cờ qua khám sàng lọc xét nghiệm máu.
Đồng Văn
https://baothuathienhue.vn/chia-se-cung-benh-nhan-thalassemia-a112722.html
Nỗi đau của 3 mẹ con cùng mắc thalassemia, làm sao để phòng ngừa căn bệnh này?
GiadinhNet - Theo các bác sĩ, thalassemia (tan máu bẩm sinh) là bệnh lý di truyền phổ biến nhất trên thế giới, ước tính 7% dân số toàn cầu mang gen và bị ảnh hưởng bởi bệnh lý này. Bệnh đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng dân số và giống nòi, gây ra nhiều gánh nặng cho gia đình, xã hội.
3 mẹ con cùng mắc bệnh
Năm nay đã 33 tuổi nhưng 1 năm trước, chị Hà Thị Ọt (dân tộc La Ha, ở Mường La, Sơn La) mới biết mình bị bệnh tan máu bẩm sinh. Theo lời kể của người phụ nữ này, khi còn nhỏ, chị đã bị lách to và phải đi cắt lách. Sau này, dù nhiều lúc mệt mỏi, da dẻ xanh xao nhưng do kinh tế khó khăn nên chị Ọt cũng không đi khám hay điều trị gì thêm.
Năm 2012, chị Ọt sinh bé thứ nhất hoàn toàn khỏe mạnh. Cho đến khi con thứ 2 (năm nay 6 tuổi) và con thứ 3 (3 tuổi) ra đời, chị dần nhận ra, hai cháu đều chậm lớn, vàng da, lách to. Năm ngoái, chị tiếp tục sinh cháu thứ 4 nhưng không may, bé mất chỉ sau khi chào đời được 1 ngày.
Cả 4 lần vượt cạn của chị Ọt đều diễn ra tại nhà. Hỏi về điều này, chị cho biết, nơi ở của chị ở cách xa trạm y tế, đường đi lại khó khăn nên việc đi khám thai hay sinh con tại trạm y tế là điều khá xa lạ với chị cũng như với những người phụ nữ La Ha nơi đây.
Cũng chính vì vậy, chị Ọt chưa bao giờ nghĩ rằng mình cần thực hiện các xét nghiệm để sàng lọc bệnh tan máu bẩm sinh hay bất kỳ bệnh nào khác để có thể sinh ra những đứa con khỏe mạnh.
Tháng 6/2020, khi bé thứ 2 nhà chị bị đau bụng, sốt cao liên tục nhiều ngày, chị mới đưa con đi bệnh viện khám. Khi ấy, chị được giới thiệu lên Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương. Lúc này, chị mới biết con bị tan máu bẩm sinh, không chỉ phải cắt lách mà còn phải truyền máu suốt đời.
Được các bác sĩ tư vấn, chị và con thứ 3 cùng làm tiếp xét nghiệm bệnh tan máu bẩm sinh. Và điều không mong muốn cũng đã xảy ra. Kết quả xét nghiệm cho thấy, cả 3 mẹ con chị đều mang cùng một căn bệnh.
Kể từ đó, tháng nào 3 mẹ con chị Ọt cũng dắt díu nhau vượt qua quãng đường xa xôi, hiểm trở, từ nhà chị đi xe máy qua 50 km đường mòn, núi dốc mới lên đến huyện, sau đó bắt xe khách xuống Hà Nội điều trị.
Gian khổ trước mắt là thế, nhưng chị Ọt còn đau đáu một nỗi lo lớn hơn cho tương lai: "Nhiều khi, tôi cứ nghĩ nát óc không biết khi mình già đi thì ai sẽ là người nuôi các con"…
Điều đáng buồn, không chỉ mẹ con chị Ọt, tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, hiện có rất nhiều trường hợp là anh chị em ruột, người thân cùng huyết thống đang điều trị bệnh tan máu bẩm sinh.
Họ dù khác nhau về quê quán, gia đình nhưng đều giống nhau vì không được tầm soát, phát hiện sớm, dẫn đến việc chẩn đoán muộn, hệ lụy cả đời phải gắn liền với bông băng, tiêm truyền để truyền máu, thải sắt duy trì sự sống.
13% dân số Việt Nam mang gene bệnh thalassemia
Chia sẻ tại Hội thảo Thực trạng bệnh thalassemia tại Việt Nam và đề xuất giải pháp trong tình hình mới diễn ra mới đây, TS.BS Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc Trung tâm Thalassemia, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương cho biết mỗi năm, ước tính Việt Nam có thêm khoảng 8.000 trẻ em sinh ra bị bệnh thalassemia, trong đó có khoảng 2.000 trẻ em bị bệnh ở mức độ nặng và khoảng 800 trẻ em không thể ra đời do phù thai.
Đáng nói, tất cả 63 tỉnh và 54 dân tộc đều có người mang gene bệnh, với tỷ lệ mang gene bệnh trên 13% thì ước tính có khoảng 14 triệu người mang gene trên cả nước. Có những dân tộc tỷ lệ mang gene thalassemia trên 30-40%, chủ yếu là các dân tộc ở miền núi phía Bắc, riêng dân tộc Kinh là 9,8%.
"Thế giới đã biết đến bệnh thalassemia khoảng 100 năm nay. Tại Việt Nam bắt đầu tiếp nhận bệnh lý này cách đây 60 năm, nhưng thông tin đến cộng đồng còn nhiều hạn chế. Theo thống kê, Việt Nam đang là nước có tỷ lệ mang gene bệnh cao nhất trong khu vực Đông Nam Á", BS Nguyễn Thị Thu Hà thông tin.
Cũng theo TS.BS Thu Hà, để chẩn đoán người mang gene bệnh thalassemia cần phải xét nghiệm máu. Vì vậy, người dân có thể chủ động làm xét nghiệm máu (tổng phân tích tế bào máu) để sàng lọc bệnh thalassemia, hay có thể tình cờ được chẩn đoán bệnh qua khám sức khỏe định kỳ.
Người bệnh thalassemia mức độ trung bình nếu được điều trị tốt thì vẫn có thể phát triển thể chất gần như người bình thường. Người bệnh mức độ nặng cần phải điều trị thường xuyên hơn (2 tuần/lần).
Theo kinh nghiệm của các nước phát triển, những người bệnh nặng nếu điều trị tốt thì chất lượng cuộc sống cũng được cải thiện rất nhiều. Tuy nhiên, ngoài việc điều trị bằng truyền máu và thải sắt, chất lượng cuộc sống của người bệnh thalassemia còn bị ảnh hưởng bởi chế độ dinh dưỡng, luyện tập thể dục, đời sống tinh thần, đặc biệt là sự quan tâm của gia đình và xã hội.
Chủ động khám sức khỏe trước khi kết hôn, nâng cao chất lượng giống nòi
Các chuyên gia y tế nhận định, mặc dù bệnh tan máu bẩm sinh khó chữa nhưng lại dễ phòng ngừa. Chính vì vậy, bất cứ ai cũng có thể chủ động phòng tránh con sinh ra không bị mắc bệnh nếu có kiến thức cơ bản về bệnh và cách phòng tránh.
Kinh nghiệm của thế giới cho thấy, có thể phòng bệnh thalassemia hiệu quả tới 90-95% bằng các biện pháp như: Khám sức khỏe trước hôn nhân và tầm soát bệnh tật trước sinh. Cụ thể, việc khám sức khỏe trước khi kết hôn để xác định xem cá nhân có mang gene bệnh hay không? Từ đó giúp họ có sự lựa chọn đúng đắn về hôn nhân cũng như quyết định mang thai và sinh đẻ nhằm sinh ra những đứa con không mắc bệnh thalassemia.
Đặc biệt là những người thuộc nhóm đối tượng nguy cơ của bệnh cần được tư vấn, làm các xét nghiệm để được phát hiện bệnh sớm. Nếu cả vợ và chồng đều mang một thể bệnh thalassemia, nên được tư vấn trước khi có ý định mang thai.
Tuy nhiên, theo TS.BS. Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, hiện nay, cộng đồng vẫn chưa biết và nhận thức đúng về bệnh thalassemia. Vì vậy, việc tuyên truyền là vô cùng quan trọng và cần phải đẩy mạnh mạng lưới để tuyên truyền, đặc biệt cho đối tượng học sinh, sinh viên, người dân tộc thiểu số.
Cùng với đó, để ngăn chặn bệnh thalassemia thực sự cần những chương trình hành động cụ thể và sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống xã hội, từ y tế, giáo dục, dân số, các tổ chức chính trị, xã hội… và của cả cộng đồng đúng như thông điệp của Ngày Thalassemia Thế giới "Nhận thức – Chia sẻ – Quan tâm: Chung tay cùng cộng đồng quốc tế để nâng cao nhận thức về bệnh thalassemia".
Năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh đến năm 2030. Trong đó có mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, 90% cặp nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn và giảm 60% số cặp hôn nhân cận huyết thống. Tỷ lệ phụ nữ mang thai được tầm soát (sàng lọc trước sinh) ít nhất 4 loại bệnh tật bẩm sinh phổ biến nhất đạt 70% năm 2030.
Bệnh thalassemia là 1 trong 4 loại bệnh được đưa vào tầm soát để giảm số người mang gene và mắc bệnh.
Mai Thùy - Trương Hằng
https://giadinh.suckhoedoisong.vn/noi-dau-cua-3-me-con-cung-mac-thalassemia-lam-sao-de-phong-ngua-can-benh-nay