Chi cục Dân số tỉnh tham gia tập huấn cung cấp kiến thức về công tác Dân số trong tình hình mới cho thành viên Ban Chỉ đạo Dân số và Phát triển huyện Nam Đông
Ngày cập nhật 20/07/2024

       Sáng ngày19/7/2024, tại hội trường Trung tâm Chính trị huyện Nam Đông, Chi cục Dân số tỉnh tham gia tập huấn cung cấp kiến thức về Dân số và Phát triển cho thành viên Ban Chỉ đạo Dân số và Phát triển huyện Nam Đông. Đến tham dự và làm báo cáo viên lớp tập huấn có ThS.BS.CKII Phan Đăng Tâm – Chi cục trưởng Chi cục Dân số tỉnh Thừa Thiên Huế; về phía huyện Nam Đông có BSCKI Nguyễn Ngọc Thích – Bí thư Đảng bộ, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Nam Đông, ông Nguyễn Vẽ – Trưởng phòng Dân số - Truyền thông và Giáo dục sức khỏe và hơn 90 đại biểu là thành viên Ban Chỉ đạo dân số và phát triển cấp huyện, thành viên Ban Chỉ đạo Dân số và Phát triển 7 xã triển khai thực hiện nội dung 2 “nâng cao chất lượng dân số vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi” thuộc dự án 7 (Thượng Lộ, Hương Sơn, Thượng Nhật, Hương Hữu, Thượng Long và Thượng Quảng).

 

       Tại lớp tập huấn các học viên đã được ThS.BS.CKII Phan Đăng Tâm – Chi cục trưởng Chi cục Dân số tỉnh Thừa Thiên Huế cung cấp các thông tin tổng quan về tình hình thực hiện công tác dân số của tỉnh, các văn bản, chính sách liên quan hiện nay về Dân số và Phát triển.

       Thời gian qua, công tác công tác dân số tỉnh luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo các cấp, sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể. Tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, đầu tư ưu tiên và chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm nhằm thực hiện tinh thần Nghị quyết 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) là quan tâm toàn diện về quy mô dân số, cơ cấu dân số, chất lượng dân số và phân bổ dân cư. Nhờ sự vào cuộc đồng bộ, kết quả mức sinh và tỷ lệ gia tăng dân số đã giảm mạnh so với trước đây; tình trạng sức khỏe sinh sản, sức khỏe người dân được cải thiện rõ rệt, chất lượng dân số ngày càng được nâng cao góp phần đáng kể vào những thành tựu phát triển kinh tế - văn hóa – xã hội của tỉnh.

       Tuy nhiên Thừa Thiên Huế nằm trong nhóm 33 tỉnh, thành có mức sinh cao nhất cả nước, chưa tiệm cận được mức sinh thay thế, có sự chênh lệch giữa các vùng, cao tại Phong Điền, Quảng Điền, Phú Lộc, đặc biệt Nam Đông và A Lưới. Tỷ lệ phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ từ 15-49 tuổi chiếm tỷ lệ cao so với dân số làm cho mức sinh giảm chậm... Tỷ số giới tính khi sinh không đồng đều giữa các vùng và không ổn định nên nguy cơ dẫn tới tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn còn diễn ra. Chất lượng dân số tuy có cải thiện nhưng chưa cao. Tuổi thọ trung bình của Thừa Thiên Huế tiếp tục tăng ở mức 73,2 tuổi nhưng vẫn thấp hơn toàn quốc 1,3 tuổi; Tỷ lệ nam, nữ thanh niên được tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn, tỷ lệ tầm soát, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh cao nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu là phải khám sức khỏe tổng quát và sức khỏe sinh sản, sàng lọc trước sinh và sơ sinh chưa đạt theo các gói dịch vụ cơ bản của Bộ Y tế quy định; tình trạng tảo hôn vẫn còn tồn tại và xuất hiện rải rác tại các huyện đồng bằng và ngay cả thành phố Huế,...

       Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Sở Y tế thực hiện Chỉ thị số 25-CT/TW của Ban Bí thư về nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở, trong đó có mạng lưới dân số. Vì vậy, cần đánh giá lại chất lượng công tác viên dân số về độ tuổi, trình độ văn hoá, sức khoẻ và lồng ghép dần vào mạng lưới y tế thôn bản; tập huấn kỹ năng truyền thông và kỹ thuật chuyên môn cho mạng lưới cán bộ dân số cũng như mạng lưới cung cấp dịch vụ, sức khoẻ sinh sản- KHHGĐ, đặc biệt tuyến huyện, xã Kinh phí và nguồn nhân lực cho công tác dân số còn thiếu tại các tuyến. Nguồn kinh phí chủ yếu từ Sở Y tế phân bổ.

       Một trong những nguyên nhân quan trọng khác là một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa nhận thức đúng và đầy đủ về tính chất lâu dài, khó khăn, phức tạp, tầm quan trọng và ý nghĩa của công tác dân số và phát triển nên công tác lãnh đạo, chỉ đạo đôi lúc và nhiều nơi chưa quyết liệt, chưa hiệu quả. Hơn nữa, trong giai đoạn thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW của Trung ương về công tác dân số trong tình hình mới và Quyết định 1679/QĐ-TTg thì tổ chức bộ máy làm công tác dân số từ trung ương đến các địa phương khác có nhiều biến động, không đồng nhất cũng đã tác động đến hệ thống chung làm công tác dân số, từ đó ảnh hưởng không nhỏ đến công tác lãnh chỉ đạo, quản lý điều hành và tổ chức thực hiện công tác dân số trong thời gian qua.

       Để tiếp tục thực hiện các chỉ tiêu, kế hoạch trong thời gian tới cần tăng cường tuyên truyền, vận động để nêu bật được quan điểm của Đảng về công tác Dân số trong tình hình mới “Dân số là yếu tố quan trọng hàng đầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công tác dân số là nhiệm vụ chiến lược, vừa cấp thiết vừa lâu dài; là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân”. Tiếp tục tập trung quan tâm chỉ đạo các nội dung giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề dân số về quy mô, cơ cấu, phân bổ, chất lượng dân số và đặt trong mối tác động qua lại với phát triển kinh tế - xã hội theo tinh thần Nghị quyết 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới là chuyển trọng tâm từ DS-KHHGĐ sang Dân số và Phát triển, chú trọng chương trình sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh; khám sức khỏe trước khi kết hôn cho thanh niên nam, nữ chuẩn bị kết hôn; tuyên truyền giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi... nhằm nâng cao chất lượng dân số, góp phần phát triển đất nước nhanh và bền vững.

       Qua lớp tập huấn, các thành viên Ban chỉ đạo Dân số và Phát triển cấp xã, cấp huyện đã được cung cấp thêm các kiến thức tổng quan về công tác Dân số và Phát triển nhằm nâng cao năng lực trong việc quản lý, điều hành, chỉ đạo để góp phần thực hiện công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân trên địa bàn huyện Nam Đông nói riêng và công tác Dân số và Phát triển của tỉnh nói chung.

       Một số hình ảnh tại lớp tập huấn:

Xuân Thy - CCDS
Các tin khác
Xem tin theo ngày